Mở hướng làm giàu từ sản xuất bánh đa nem

Sau khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện dự án Cụm công nghiệp Minh Phương, bà Trần Thị Tính, ở làng Đinh Xá, xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc đã nhanh chóng chuyển hướng sang phát triển mô hình sản xuất bánh đa nem. Mô hình kinh tế mới không chỉ mang lại doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm, mà còn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương.

Cơ sở sản xuất bánh đa nem của gia đình bà Trần Thị Tính không chỉ mang lại doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm mà còn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương. Ảnh: Nguyễn Lượng

Cơ sở sản xuất bánh đa nem của gia đình bà Trần Thị Tính không chỉ mang lại doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm mà còn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương. Ảnh: Nguyễn Lượng

Chúng tôi đến cơ sở sản xuất bánh đa nem của gia đình bà Trần Thị Tính khi các công nhân tại đây đang tập trung tráng và phơi từng phên bánh. Trong khuôn viên nhà xưởng, được chứng kiến người lao động luôn tay tráng bánh, tất bật mang phơi mới thấy, công việc tưởng chừng rất khẩn trương nhưng lại đòi hỏi sự tỉ mỉ, chăm chút trong từng công đoạn.

Chia sẻ về cơ duyên theo nghề, bà Tính cho biết: Sau 25 năm gắn bó với mô hình kinh tế trang trại theo hướng tổng hợp với diện tích lên tới 20.000m2, năm 2019, khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện dự án Cụm công nghiệp Minh Phương, gia đình bà đã tiên phong bàn giao đất.

Suy nghĩ tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế, bà Tính nhận thấy nghề sản xuất bánh đa nem theo công thức vỏ ram của Hà Tĩnh dễ làm, thị trường tiêu thụ lại rộng, bà cất công về Hà Tĩnh học nghề.

Sau khi nắm được công thức chế biến, cách phối trộn nguyên liệu, trở về địa phương, bà Tính đầu tư hơn 1 tỷ đồng để thuê mặt bằng, xây dựng nhà xưởng với diện tích 400m2, mua máy tráng bánh đa nem, máy ép chân không… và bắt đầu làm những mẻ bánh đầu tiên.

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, các sản phẩm của gia đình bà Tính làm ra đạt chất lượng tốt, năng suất cao, giảm chi phí nhân công.

Bánh đa nem làm ra có chất lượng đồng đều, hình thức đẹp, thời gian bảo quản lâu hơn phương pháp truyền thống. Trung bình mỗi ngày, cơ sở sản xuất của gia đình bà Tính cho ra lò 80 kg bánh đa nem thành phẩm, sản xuất đến đâu đều được thương lái đến thu mua hết đến đó, mang lại doanh thu khoảng 800 triệu đồng/năm.

Nhờ hướng đi đúng và sự kiên trì, không chỉ đạt được những thành công nhất định, bà Tính còn mở ra hướng thoát nghèo và tạo thêm việc làm thu nhập ổn định cho 7 lao động địa phương.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Tính cho biết: “Bánh đa nem dù được tráng theo phương pháp thủ công truyền thống hay bằng máy, muốn ngon, màu đẹp, thơm mùi gạo phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu.

Vì thế, tôi chỉ sử dụng gạo tẻ Khang Dân và giống Q5 chất lượng để làm bánh đa nem. Sau đó, trải qua các công đoạn như ngâm, vo, xay, phối với mật mía và bột nghệ theo công thức nhất định sẽ tạo ra được những chiếc bánh đa nem theo công thức vỏ ram ngon nhất.

Bánh đa nem thành phẩm phải đạt được chất lượng, yêu cầu như mỏng, thơm, dai mềm để khi thưởng thức vẫn có mùi thơm của gạo, dẻo ngon, dễ cuốn, không bị giòn, gãy”.

Những chiếc bánh đa nem mỏng manh vốn là một trong những nguyên liệu không thể thiếu để làm ra món ăn quen thuộc trong văn hóa ẩm thực của người Việt. Với mong muốn gây dựng được thương hiệu riêng, bà Tính đã nộp hồ sơ tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2022 nhằm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm cũng như xây dựng thương hiệu bánh đa nem riêng.

Thời gian tới, bà tiếp tục hoàn thiện lắp đặt lò sấy bánh đa nem với diện tích 50m2 nhằm nâng cao chất lượng, thuận tiện cho việc sản xuất cũng như tiết kiệm công lao động. Bằng niềm đam mê, sự tâm huyết, sản phẩm bánh đa nem của gia đình bà chắc chắn sẽ còn vươn xa hơn nữa trên thị trường.

Ngọc Lan

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/75983/mo-huong-lam-giau-tu-san-xuat-banh-da-nem.html