Mở hướng phát triển du lịch cộng đồng ở Gio An

Cánh đồng hoa hướng dương, vườn sâm Bố Chính và một số sản phẩm nông sản hữu cơ như bơ, tinh bột nghệ, hạt tiêu đen cùng các món ẩm thực đặc trưng: Rau liệt, gà, thỏ… ở vùng đất Gio An (huyện Gio Linh) đang trở thành sản phẩm du lịch thu hút khách về 'miền giếng cổ'.

 Cánh đồng hoa hướng dương thu hút khách du lịch đến Gio An

Cánh đồng hoa hướng dương thu hút khách du lịch đến Gio An

Khai thác tiềm năng du lịch

Sở hữu hệ thống giếng cổ quý báu, độc đáo có niên đại hàng nghìn năm, chính quyền và người dân xã Gio An đồng lòng, đồng sức phát triển du lịch cộng đồng để khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Theo ông Lê Phước Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Gio An, xã định hướng phát triển du lịch cộng đồng để đón đầu chủ trương kết nối tuyến du lịch tâm linh Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải với Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn với vai trò “miền giếng cổ” Gio An sẽ là điểm nhấn. Du lịch cộng đồng mang lại nhiều lợi ích trong phát triển kinh tế cho người dân. Không chỉ tạo thu nhập ổn định mà loại hình du lịch này còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và bảo tồn, phát huy nét văn hóa độc đáo của địa phương. Vì vậy, bên cạnh việc tập trung đầu tư tôn tạo hệ thống giếng cổ, hình thành cảnh quan xung quanh khu vực các giếng cổ bằng hình thức tạo ra các bờ ruộng và các loại hoa phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương; xây dựng các tuyến đường thôn mang đặc trưng như đường đá mồ côi xuống giếng cổ, đường chè, đường hoa… xã cũng đồng thời phát triển các sản phẩm đặc trưng, phù hợp với định hướng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, tỉnh. Theo đó, sẽ tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch đi kèm xây dựng thương hiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản đặc trưng như rau cải, rau liệt, gà đồi, tinh bột nghệ, hồ tiêu…

Nắm bắt cơ hội làm du lịch, một nhóm bạn trẻ trên địa bàn xã đã tự tìm hiểu và đầu tư hình thành một cách đồng hoa hướng dương, lần đầu tiên xuất hiện ở Quảng Trị. Sau 2 lần mở cửa đón khách đến tham quan, trải nghiệm cánh đồng hoa hướng dương Gio An đã trở thành địa chỉ hấp dẫn thu hút du khách gần xa. Không chỉ đến tham quan vườn hoa, đa phần khách đến đây còn để kết hợp trải nghiệm tour du lịch giếng cổ và ruộng trồng rau liệt theo hình bậc thang trên những dãy đá mồ côi. Bạn Nguyễn Thị Kim Huê, một thành viên của nhóm trồng hoa cho hay, cánh đồng hoa hiện tại có diện tích 2.000 m2 . Để thực hiện ý tưởng này, các thành viên trong nhóm đã tìm hiểu thực tế và học hỏi cách trồng loại hoa này ở hai tỉnh Nghệ An và Quảng Bình. Vụ đầu tiên trồng do chưa có kinh nghiệm nên cây phát triển không được tốt. Dù vậy, cũng được nhiều người ủng hộ nên đã cổ vũ động viên nhóm tiếp tục nghiên cứu, thực hiện. Vụ này, nhóm đã đầu tư hệ thống tưới, chọn giống đảm bảo và biết cách chăm sóc hơn nên cây hoa phát triển rất đồng đều. Sau hơn một tuần đưa vào hoạt động, đã có hàng trăm lượt khách đến tham quan, chụp ảnh trải nghiệm. “Thật ra, nếu tính lợi nhuận kinh tế thì chưa nhiều vì mô hình mới bắt đầu, chưa có sự đầu tư đồng bộ các dịch vụ đi kèm nên yếu tố sinh lời còn ít, nhưng nhóm thật sự vui vì đã tìm ra được một sản phẩm du lịch đặc trưng. Đặc biệt, từ cánh đồng hoa hướng dương đã có kết nối, tương tác trên các trang mạng xã hội, mọi người biết đến mảnh đất, con người Gio An nhiều hơn. Cũng từ đây, nhóm nhận được sự quan tâm, ủng hộ từ nhiều phía, ví dụ như địa điểm trồng hoa này là do Nông trường cao su Trường Sơn tạo điều kiện cho nhóm thực hiện trên diện tích đất nông trường chuẩn bị tái canh trồng mới cao su. Về lâu dài nếu đất này bị thu hồi để trồng cao su thì chính quyền địa phương sẽ tạo quỹ đất cho nhóm phát triển mô hình ở vùng trung tâm xã”.

Hướng đến “miền quê đáng sống”

Đến Gio An, du khách được hòa mình vào không khí trong lành của làng quê bên những vườn cây rợp bóng mát, bước trên những con đường lát đá mồ côi dẫn xuống hệ thống giếng cổ ngàn năm tuổi, được cùng gia đình ngắm hoa hướng dương, thưởng thức những món ẩm thức đặc trưng của vùng đất này…

Lợi ích đầu tiên khi xây dựng mô hình du lịch cộng đồng là phong cảnh làng quê trở nên yên bình, đường làng, ngõ xóm được phong quang, sạch sẽ, người dân đã bắt đầu nhận thức được việc phát triển sản xuất gắn với đón khách du lịch đến tham quan và bảo vệ môi trường. Hằng tuần, các hội, đoàn thể ở các thôn lần lượt thay nhau vệ sinh, dọn dẹp quanh khu vực giếng cổ, đồng thời thiết kế, xây dựng không gian văn hóa đáp ứng hoạt động du lịch cộng đồng như sưu tầm các tài liệu về văn hóa địa phương như các bài thơ, ca, hò vè… để xây dựng thành các bài tuyên truyền, giới thiệu về hình ảnh quê hương.

Mặc dù doanh thu từ du lịch cộng đồng chỉ mới bắt đầu hình thành, nhưng mở ra hướng phát triển đầy triển vọng thúc đẩy xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở Gio An. Phát triển du lịch cộng đồng, người dân sẽ trực tiếp tham gia và thu lợi, từ đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giúp người dân có ý thức hơn trong việc giữ gìn cảnh quan tự nhiên, những giá trị vật chất và văn hóa truyền thống để phục vụ du lịch. Trên diện tích đất trồng cao su rộng trên hai héc ta, anh Lê Văn Hùng ở thôn Tân Văn, xã Gio An được gia đình ủng hộ phát triển trang trại chăn nuôi, trồng trọt hữu cơ sau một thời gian đi làm ăn xa nhưng không hiệu quả. Nhận thấy được vị trí thuận lợi của đồi cao su lại cạnh hồ thủy lợi Hà Thượng rộng lớn, không khí rất mát mẻ, trong lành anh Hùng đã hình thành ý tướng nuôi cá lồng, chăn nuôi gà thả đồi, lợn rừng… đồng thời làm dịch vụ ẩm thực phục vụ khách trải nghiệm du lịch sinh thái. Dù mới khởi động nhưng điểm dịch vụ này được nhiều người biết đến bởi ngoài đến đây để tận hưởng không khí trong lành của thiên nhiên, khách còn được câu cá, tự trải nghiệm nấu các món ăn bằng nguyên liệu sạch sẵn có ở trang trại.

Giữ gìn môi trường tự nhiên, chính quyền ở đây đang định hướng và tích cực vận động người dân canh tác nông nghiệp sạch, thân thiện môi trường. Minh chứng cho điều này, Gio An trở thành địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh thí điểm thành công mô hình sản xuất và quản lí sản xuất cây hồ tiêu theo phương pháp hữu cơ đáp ứng tiêu chuẩn EC834/2007 của châu Âu và tiêu chuẩn NOP USDA của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Những hạt tiêu đen hữu cơ cay nồng trải qua nhiều quy trình sàng lọc nghiêm ngặt, đã được xuất khẩu sang thị trường châu Âu mang lại nguồn thu nhập, giá cả ổn định cho người dân Gio An. Bây giờ, ngoài sản xuất hồ tiêu hữu cơ, xã có nhiều giống cây trồng có tiềm năng sản xuất theo hướng hữu cơ như cây bơ, rau liệt, nghệ, khoai lang Nhật Bản… Nông nghiệp hữu cơ trở thành hướng đi tất yếu, bền vững để không chỉ đưa nông sản Gio An đến với người tiêu dùng trong tỉnh, trong nước và thế giới mà còn tạo môi trường trong lành để địa phương này phát triển du lịch cộng đồng.

Lâm Thanh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=141280