Mở lại chợ: 'Ðau đầu' đảm bảo an toàn?
Gần đây, TPHCM đã mở lại một số chợ sau thời gian tạm ngưng hoạt động do COVID-19. Tuy nhiên, vấn đề làm thế nào để đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành là 'đau đầu' đối với không ít Ban quản lý (BQL) các chợ.
Tiểu thương chợ Bình Thới bán hàng qua vách ngăn để hạn chế tiếp xúc. Ảnh U.P
Sáng 21/7, tại chợ Bình Thới (Q.11), khách muốn đến chợ ngoài thực hiện 5K còn phải trình phiếu đi chợ, chứng minh nhân dân; BQL chợ check mã QR… khi tất cả hợp lệ khách mới được vào bên trong mua sắm.
Tổng đài tự động, phát phiếu chẵn lẻ
Trong chợ, chỉ có tiểu thương kinh doanh các mặt hàng thực phẩm thiết yếu mới được buôn bán. Mỗi quầy sạp đều có vách ngăn để hạn chế tiểu thương tiếp xúc với nhau và với khách hàng. “Dù thủ tục vào chợ qua nhiều khâu nhưng tôi rất yên tâm. Nếu phát hiện có ca mắc COVID-19 nào đến chợ, BQL cũng sẽ nắm được ai từng đến chợ và thông báo cho chúng tôi biết” - chị Thu Ba (ngụ đường Hàn Hải Nguyên, Q.11) chia sẻ.
Còn tại chợ An Đông (Q.5), Nguyễn Tri Phương (Q.10)… các tiểu thương đều thực hiện giãn cách, liên tục có nhân viên BQL chợ nhắc nhở nếu nơi nào tập trung đông người. Chị Mai (kinh doanh rau củ tại chợ An Đông) cho hay: “Được buôn bán trở lại cũng mừng nhưng cũng lo. Tuy nhiên khi thấy chợ có cách kiểm soát rất kỹ người vào chợ, bố trí tiểu thương giãn cách khu buôn bán nên tôi cũng an tâm. Tôi cũng luôn giữ khoảng cách với khách hàng, không tiếp xúc gần và luôn đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên để phòng dịch”.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà - Phó BQL chợ An Đông cho biết, chợ mở từ ngày 17/7. Để phòng dịch, khách đến chợ phải tuân thủ 5K và được phát phiếu để điền thông tin, trong đó ghi rõ đã tiếp xúc với tiểu thương, sạp hàng nào và nộp lại ở cổng ra của chợ.
Ông Nguyễn Bá Tùng - Trưởng Ban quản lý chợ Bình Thới cho biết, chợ đã hoạt động trở lại từ ngày 9/7. Toàn chợ có gần 300 tiểu thương bán thực phẩm nhưng BQL chợ sắp xếp mỗi ngày chỉ khoảng 85 tiểu thương bán hàng và luân phiên nhau. Chợ cũng áp dụng cách phát phiếu cho người đi chợ cách ngày và hạn chế số lượng khách mỗi đợt vào chợ không quá 100 người. Sau mỗi buổi sáng họp chợ, BQL sẽ tiến hành phun khử khuẩn toàn bộ chợ để ngày hôm sau người dân tới mua sắm được an toàn.
“Chợ còn áp dụng tổng đài đặt lịch đi chợ tự động, khi khách có nhu cầu đi chợ sẽ gọi điện đến tổng đài để đăng ký giờ. Sau đó, tổng đài sẽ gửi tin nhắn cho người dân theo lịch đăng ký. Tổng đài sẽ gửi tin nhắn xác nhận lịch đi chợ với người dân và trước giờ đi chợ 30 phút, tổng đài sẽ gọi đến nhắc giờ cho người dân. Người dân đến chợ chỉ cần đưa điện thoại có tin nhắn là được vào chợ ngay. Đặc biệt, phần mềm này còn liên kết với khai báo y tế của thành phố, theo dõi các trường hợp F0, F1 khi gọi điện đến phần mềm sẽ tự động kết nối và không nhận đặt lịch với các trường hợp này”- ông Tùng chia sẻ.
Mở lại chợ cần có điều kiện
Theo Sở Công Thương TPHCM, việc mở cửa của các chợ truyền thống trên địa bàn, hiện thành phố đã có chủ trương. Theo đó, để đảm bảo việc cung ứng hàng hóa thực phẩm thiết yếu cho nhân dân được nhanh chóng, kịp thời nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch.
TPHCM chỉ còn 32 chợ hoạt động
Tính đến ngày 21/7, TPHCM chỉ còn 32 chợ hoạt động. Theo Sở Công Thương TPHCM, chợ An Hội (Q.Gò Vấp) vừa đóng cửa vì có ca mắc COVID-19, nâng tổng số chợ đang tạm ngưng hoạt động trên địa bàn thành phố lên 205/237 (bao gồm 3 chợ đầu mối).
Do đó, Sở đã có công văn hỏa tốc gửi UBND các quận, huyện và TP Thủ Ðức, BQL các chợ truyền thống trên địa bàn Thành phố hướng dẫn chi tiết cách thức tổ chức hoạt động chợ. Ðồng thời đề nghị các địa phương chỉ đạo, quán triệt các BQL chợ tăng cường biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại chợ truyền thống; tổ chức kinh doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu để phục vụ người dân trên địa bàn theo các phương án Sở đã hướng dẫn.
Ðối với các chợ có mật độ mua sắm đông, các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, đơn vị quản lý chợ căn cứ tình hình thực tế, rà soát tổng thể các khu vực bán hàng tại chợ để có phương án điều tiết khu vực kinh doanh phù hợp, bảo đảm thực hiện giảm mật độ mua sắm, giữ khoảng cách an toàn phù hợp - Sở Công Thương TPHCM nhấn mạnh.
Đối với các chợ đang tạm ngưng hoạt động chỉ được mở trong điều kiện đảm bảo an toàn. Cụ thể, các chợ phải có biện pháp kiểm soát, hướng dẫn lưu lượng, mật độ tiểu thương bán hàng, người đi chợ đảm bảo 5K. Ngoài ra, chợ phải tổ chức mua bán tránh tiếp xúc tối đa giữa tiểu thương và người mua, khuyến khích bán hàng đồng giá. Mặt hàng được bán tại chợ là thực phẩm tươi sống, rau củ quả. Với các chợ mà không gian chưa đảm bảo cho điều kiện phòng chống dịch, có thể sử dụng các mặt bằng phù hợp khác để tiểu thương và người dân họp chợ an toàn.
Ngày 21/7, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đã thăm một số chợ hoạt động trên địa bàn TPHCM. Theo ông Hải, đặc điểm của thành phố là các chợ truyền thống và chợ đầu mối trong điều kiện bình thường đáp ứng tới 70% nhu cầu cung cấp thực phẩm, hàng hóa thiết yếu không những cho người dân thành phố, mà còn đáp ứng nhu cầu của các địa phương khác.
Việc các chợ truyền thống và chợ đầu mối không hoạt động sẽ tạo áp lực cung ứng lên kênh siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại. Vì vậy Bộ Công Thương đề nghị lãnh đạo UBND thành phố cũng như các sở, ban, ngành tiếp tục nghiên cứu và có biện pháp để tạo điều kiện cho các chợ truyền thống mở cửa trở lại, nhằm giảm áp lực phân phối hàng hóa cho các kênh siêu thị và tạo điều kiện cho người dân khi mua hàng.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/mo-lai-cho-au-dau-dam-bao-an-toan-post1357882.tpo