Mở lại chợ truyền thống, nhiều tiểu thương ngại vào bán
Hiện một số chợ truyền thống được hoạt động trở lại nhưng số lượng tiểu thương tham gia buôn bán còn ít. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các chợ được giám sát chặt chẽ, bảo đảm an toàn trong quá trình mua bán.
Tiểu thương thăm dò tình hình
Sau thời gian tạm ngừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19, một số chợ truyền thống được phép hoạt động trở lại trên tinh thần bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch, cung cấp hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân. Tuy nhiên, số hộ tiểu thương tham gia buôn bán trở lại còn hạn chế.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại một số chợ như Thủ Thừa và Tân Thạnh, tỉnh Long An, các hộ tiểu thương vẫn đang thăm dò thị trường lẫn tình hình dịch bệnh nên chỉ hoạt động ở một số nhóm hàng rau, củ, quả, thịt, cá,…Chợ Thủ Thừa có gần 300 tiểu thương nhưng chỉ hơn 100 tiểu thương trở lại buôn bán.
Chị Nguyễn Thị Bích Liên - tiểu thương tại chợ Thủ Thừa, cho biết: “Tôi rất mừng khi được bán hàng trở lại, tuy nhiên chỉ bán cầm chừng, lượng người mua so với trước đây giảm đáng kể”.
Theo Trưởng ban Quản lý chợ Thủ Thừa - Nguyễn Ngọc Quốc, chợ được hoạt động trở lại từ ngày 01/10/2021 sau thời gian chuẩn bị các thủ tục cần thiết theo quy định để bảo đảm an toàn. Hiện có khoảng 50% hộ tiểu thương đăng ký buôn bán trở lại với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, bách hóa tổng hợp,... với giá ổn định so với trước đây. Tuy nhiên, khách hàng đến chợ không đông như trước.
Chị Hoàng Phong Diễm Thủy - tiểu thương bán rau, củ, quả tại chợ Tân Thạnh, phấn khởi nói: “Khi được hoạt động trở lại, chúng tôi cam kết thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Mặc dù buôn bán không được nhiều so với trước đây nhưng vẫn kiếm được đồng ra, đồng vào lo cho gia đình. Các mặt hàng rau, củ, quả được lấy từ nguồn tin cậy,
an toàn, được bán với giá bình ổn”.
Theo Phó ban Quản lý chợ Tân Thạnh - Nguyễn Văn Tuấn, chợ có 350 hộ tiểu thương đăng ký kinh doanh hàng tạp hóa, quần áo may sẵn, thịt, cá, gà, vịt,... Sau thời gian chợ tạm ngừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19, ngày 04/10/2021, chợ được hoạt động trở lại nhưng nhiều hộ tiểu thương còn e ngại về tình hình dịch bệnh nên chưa trở lại hoạt động. Hiện chợ có khoảng 50/300 hộ tiểu thương vào lại buôn bán chủ yếu các mặt hàng thiết yếu như rau, củ, trứng, thịt, khô,...
Thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch
Theo Chủ tịch UBND thị trấn Tân Thạnh - Lê Minh Tuấn, để bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 sau khi chợ hoạt động trở lại, địa phương tổ chức phun thuốc khử khuẩn, giăng dây, kẻ vạch, bảo đảm khoảng cách giữa người bán và người mua, thành lập chốt bố trí lực lượng kiểm soát chặt chẽ người ra, vào chợ. Tiểu thương phải được tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin
phòng Covid-19, cam kết tuân thủ các quy định, hướng dẫn về phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm thông điệp “5K”. Đối với người dân được địa phương phát phiếu đi chợ (2 lần/tuần), được đo thân nhiệt và khai báo y tế trước khi vào chợ.
Theo chị Hoàng Phong Diễm Thủy, để bảo đảm công tác phòng, chống dịch, cửa hàng trang bị dung dịch sát khuẩn ngay tại quầy bán để khách hàng rửa tay; đồng thời, rào chắn xung quanh cửa hàng, bảo đảm giữ khoảng cách giữa người bán và người mua.
Để bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19, 100% người làm việc tại chợ Thủ Thừa (nhân viên quản lý chợ, tiểu thương, người lao động tại chợ) đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin phòng Covid-19 và phải được xét nghiệm bằng phương pháp PCR hoặc test nhanh kháng nguyên có kết quả âm tính còn hiệu lực không quá 72 giờ. “Tôi cảm thấy yên tâm khi đến mua hàng hóa tại chợ, bởi khoảng cách giữa các gian hàng được giãn ít nhất 2m và trước khi vào chợ được lực lượng chức năng đo thân nhiệt, khai báo y tế” - bà Nguyễn Thị Hoa (khu phố 1, thị trấn Tân Thạnh) chia sẻ.
Theo Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND thị trấn Thủ Thừa - Nguyễn Văn Nam, để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch khi chợ hoạt động trở lại, địa phương thành lập 4 tổ để tổ chức đo thân nhiệt, khai báo y tế tại khu vực cửa vào chợ, không để người dân có biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở vào chợ; hướng dẫn di chuyển, kiểm soát tốt mật độ người mua, bán tại chợ, bảo đảm quy định phòng, chống dịch, giữ khoảng cách an toàn.
Đồng thời, thị trấn kiểm soát tốt việc giao, nhận hàng hóa tại chợ, các xe vận chuyển hàng hóa ra, vào chợ phải có nhật ký hành trình di chuyển, khử khuẩn, hạn chế tiếp xúc gần; thường xuyên nhắc nhở khách hàng, tiểu thương thực hiện cài đặt ứng dụng NCOVI, Bluezone, PC-Covid yêu cầu thực hiện quét mã QR khi ra, vào chợ,...
Việc cho các chợ truyền thống hoạt động trở lại nhằm bảo đảm việc cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân sau thời gian giãn cách xã hội, từng bước phục hồi thương mại, dịch vụ ở địa phương nhưng phải bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19./.