Mở lại phiên tòa vụ tranh chấp tiền đền bù ở 'siêu' dự án Saigon Peninsula
TAND quận 7 (TPHCM) cho biết sẽ đưa ra xét xử vụ án 'Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất' giữa 21 hộ dân và Công ty CP Tập đoàn Sài Gòn Penisula, chủ đầu tư dự án Công viên Mũi Ðèn Ðỏ và khu nhà ở đô thị quận 7 (tên thương mại là Saigon Peninsula).
Siêu dự án Saigon Peninsula có vị trí đắc địa, vốn đầu tư lên tới 6 tỷ USD.
Dự án Công viên Mũi Ðèn Ðỏ và khu nhà ở đô thị quận 7 rộng 118ha với vốn đầu tư 6 tỷ USD, có vị trí đắc địa tại ngã ba sông Sài Gòn và sông Nhà Bè, được UBND TPHCM quy hoạch thành khu công viên. Năm 2007, Công ty CP Đại Trường Sơn (nay là Công ty Sài Gòn Penisula thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) được UBND TPHCM chấp thuận là chủ đầu tư thực hiện dự án công viên Mũi Ðèn Ðỏ và khu nhà ở đô thị.
Dự án này thuộc diện Nhà nước thu hồi đất giao cho chủ đầu tư triển khai. Tuy nhiên, Công ty Sài Gòn Penisula đề xuất được tự thỏa thuận đền bù đất với các hộ dân để đẩy nhanh tiến độ dự án và được UBND TPHCM chấp thuận. Giữa năm 2011, UBND phường Phú Thuận công bố quyết định của UBND TPHCM về việc triển khai dự án, tổ chức họp để lấy ý kiến khu phố, tổ dân phố và đại diện người dân. Các hộ dân có đất thuộc khu vực này sau đó đã chuyển nhượng quyền sử dụng cho Công ty Sài Gòn Penisula.
Trong đơn khởi kiện, các hộ dân cho biết, từ 2007 đến 2008, họ đã ký các hợp đồng ủy quyền (có công chứng) cho các ông Nguyễn Thanh Hà, Nguyễn Hữu Tài, Nguyễn Văn Mỹ thay mặt họ ký hợp đồng chuyển nhượng đất với Công ty Sài Gòn Penisula. Phía nguyên đơn đã giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ đầu tư dự án. Tuy nhiên, đến nay Công ty Sài Gòn Penisula vẫn chưa thanh toán tiền chuyển nhượng đất như đã cam kết nên các hộ vẫn quản lý, canh tác.
Những hộ dân ở phường Phú Thuận, quận 7, TPHCM yêu cầu Công ty CP Tập đoàn Sài Gòn Penisula trả 2.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, chủ đầu tư siêu dự án Công viên Mũi Ðèn Ðỏ và khu nhà ở đô thị quận 7 cho rằng, đã thanh toán đầy đủ cho các hộ, thông qua người được ủy quyền.
Hồi tháng 5/2021, TAND quận 7 đưa vụ án ra xét xử. Tại tòa, đại diện ủy quyền của 21 hộ dân giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, song đồng ý giảm 50% tiền lãi, còn yêu cầu bị đơn thanh toán hơn 1.473 tỷ đồng.
Trong khi đó, đại diện Công ty Sài Gòn Penisula cho rằng, hợp đồng ủy quyền thể hiện người ủy quyền “chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về mọi hành vi của người nhận ủy quyền thực hiện”. Do đó, sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng với ông Hà, Tài, Mỹ (người được các hộ dân ủy quyền), công ty đã chi tiền tạm ứng để các ông này thanh toán cho các hộ dân. Những người này sau đó đã bàn giao bản gốc giấy tờ đất của 21 hộ dân, các hợp đồng ủy quyền viết tay và giấy giao kết giữa họ và người dân cho công ty.
Phía Công ty Sài Gòn Penisula cũng cho rằng, giá trị chuyển nhượng trên các hợp đồng ủy quyền và giấy giao kết giữa nguyên đơn với người được ủy quyền chênh lệch rất lớn so với hợp đồng chuyển nhượng giữa Công ty Sài Gòn Penisula ký với các ông Hà, Tài, Mỹ. Nếu các hộ dân không đồng ý với giá trị chuyển nhượng thì phải khởi kiện người được ủy quyền. Từ đó, Công ty Sài Gòn Penisula không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Đại diện các hộ dân có đất trong dự án phản bác quan điểm và chứng cứ phía bị đơn đưa ra. Theo đó, trong hợp đồng ủy quyền không có điều khoản nào cho phép người được ủy quyền được trực tiếp nhận tiền. Do đó, Công ty Sài Gòn Penisula phải có trách nhiệm thanh toán trực tiếp cho các hộ dân.
Phiên tòa sau đó tạm hoãn theo đề nghị của đại diện VKSND giữ quyền công tố, để nghiên cứu, đánh giá chứng cứ trước khi phát biểu quan điểm giải quyết vụ án; đồng thời đưa thêm người liên quan vào tham gia tố tụng.