Mở lại phiên xét xử phúc thẩm vụ án lừa, chiếm đoạt hơn 11 tỷ đồng
Sau hai lần tạm dừng để bổ sung, củng cố hồ sơ, dự kiến ngày 15-11, TAND cấp cao tại TP HCM sẽ mở lại phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án Nguyễn Văn Trường Hoài lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các giao dịch mua bán đất. Theo Luật sư bào chữa cho Hoài ở lần xét xử này bà sẽ đưa ra nhiều luận cứ có lợi cho thân chủ và hy vọng có thể thay đổi được bản chất vụ án.
Trước đó, bị cáo Nguyễn Văn Trường Hoài (sinh năm 1980, đăng ký thường trú phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM) bị TAND TP.HCM tuyên án 20 năm tù giam về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tại phiên tòa xét xử sơ thẩm ngày 4-9-2020.
Theo nội dung vụ án, vợ chồng bà Dương Thị Hương Liên và ông Bùi Việt Hưng (trú tại phường 5, quận Gò Vấp) là chủ sở hữu nhà và đất địa chỉ số 102/3 Quang Trung, phường 8, quận Gò Vấp có diện tích 2.046,6m2.
Năm 2004, vợ chồng bà Liên bán 1/2 diện tích đất trên cho ông Nguyễn Hữu Thành (anh rể của ông Hưng) nhưng không tách sổ. Ngày 30-08-2016, vợ chồng bà Liên đã ký hợp đồng chuyển nhượng diện tích đất trên cho Nguyễn Văn Trường Hoài với giá 34 tỷ đồng. Nhưng sau khi ký hợp đồng thì Hoài đã không thanh toán tiền theo cam kết.
Ngày 31-10-2016, Bà Liên đã khởi kiện Hoài ra TAND quận Gò Vấp yêu cầu hủy hợp đồng mua bán nêu trên. Lúc này, Hoài ủy quyền cho ông Bùi Quang Nhuận đại diện giải quyết tranh chấp tại tòa án. Quá trình giải quyết, ông Nhuận đã giao nộp một số giấy tờ có chữ ký của bà Liên, ông Thành xác nhận đã nhận đủ tiền của Hoài. Kết quả giám định các chữ ký trên là giả.
Về phần Hoài, sau khi có bản photo giấy tờ nhà đất cùng các thủ tục công chứng xác định mua bán giữa Hoài và bà Liên, Hoài đã thuê đối tượng không quen biết làm giả 2 giấy chứng nhận QSDĐ tại diện tích đất trên để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người.
Tổng cộng, Nguyễn Văn Trường Hoài thực hiện 6 vụ lừa đảo cùng một hình thức, chiếm đoạt của những người bị hại số tiền 11 tỷ 380 triệu đồng. Bị hại thứ nhất, là ông Nguyễn Duy Hanh, sinh năm 1972 ngụ quận Gò Vấp.
Bị hại thứ hai, bà Nguyễn Thị Hiệp sinh năm 1956 ngụ quận 11. Bị hại thứ 3, ông Trần Duy Doanh sinh năm 1957 ngụ quận 12. Bị hại thứ 4, ông Nguyễn Văn Chương sinh năm 1974, ngụ quận Tân Bình. Bị hại thứ 5, bà Hoàng Thị Lan, sinh năm 1955 ngụ quận 12 và bị hại thứ 6 bà Lê Thị Mỹ Châu, sinh năm 1979 ngụ quận Gò Vấp, tất cả cùng TP.HCM.
Bị cáo Hoài bị bắt vào ngày 26-11-2018.
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, Nguyễn Văn Trường Hoài bị tuyên án 20 năm tù giam cho tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Hoài cũng có trách nhiệm phải hoàn trả lại cho các bị hại số tiền đã chiếm đoạt. Ngoài ra, Tòa cũng buộc tiêu hủy nhiều con giấu Hoài làm giả, tạm giữ xe ô tô và tiền mặt, tịch thu nộp ngân sách nhiều tài sản liên quan trong vụ án.
Sau khi nhận bản án, Nguyễn Văn Trường Hoài quyết định kháng cáo. TAND cấp cao tại TP.HCM đã tiếp nhận và thực hiện xét xử phúc thẩm theo luật định.
Tại hai buổi xét xử Phúc thẩm trước, Chủ tọa phiên tòa đã quyết định tạm dừng vụ án, củng cố hồ sơ vì phát sinh những chứng cứ mới.
Theo Luật sư Nguyễn Thị Kim Yến, Trưởng chi nhánh Công ty Luật KNA Đoàn Luật sư thành phố Cần Thơ, luật sư bào chữa cho Nguyễn Văn Trường Hoài, bà chưa đồng tình với kết quả điều tra cũng như tội danh mà vị đại diện Viện kiểm sát công bố đối với thân chủ.
Vị luật sư cho biết: “Từ những điều Hoài trình bày và chứng cứ hồ sơ, kết luận điều tra, cáo trạng, bản án sơ thẩm, tôi nhận thấy truy tố bị cáo Nguyễn Văn Trường Hoài về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là chưa phù hợp, cần trả hồ sơ điều tra bổ sung lại quá trình giao dịch giữa bị cáo Hoài và bà Liên, ông Hưng. Bị cáo Hoài nếu làm giả giấy tờ thì không thể nào kê khai đã trả tiền cho bà Liên, ông Hưng, ông Thành số tiền 55 tỷ đồng. Như thế là không phù hợp, vì giá trị đất thực tế của bà Liên, ông Hưng ở thời điểm đó chỉ khoảng 20 tỷ đồng. Hợp đồng của Hoài với vợ chồng bà Liên thực tế chỉ là hợp đồng giả cách”.
Đối với trường hợp của 6 bị hại, Luật sư Yến cho biết bị cáo Hoài chỉ thừa nhận chỉ có 3 người là bị cáo nhận tiền cọc. Gồm ông Hanh, bà Châu (bà Châu không có ký đặt cọc nhưng bị cáo đồng ý trả tiền cho bà Châu).
Còn ông Tân là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan thì bị cáo Hoài đồng ý trả cho ông Tân 4 tỷ đồng vì Hoài nhận tiền và ký hợp đồng với ông Tân. Bị cáo Hoài không ký hợp đồng với bà Hoàng Thị Lan nên không đồng ý trả tiền cho bà Lan. Giữa bà Lan và ông Tân tự thỏa thuận với nhau”.
Ngoài ra, Luật sư Yến cũng nêu nhiều luận cứ khác nhằm bảo vệ cho thân chủ.
Bà Yến tin tưởng với những tình tiết phát sinh mới, bản chất vụ án sẽ được thay đổi theo hướng có lợi cho Nguyễn Văn Trường Hoài.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc diễn biến vụ việc sau phiên tòa phúc thẩm dự kiến vào ngày 15-11.