Mở lại trường hay học trực tuyến: Cái giá cho lựa chọn của Hong Kong

Quyết định mới nhất của chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) là sẽ bắt đầu năm học mới dưới hình thức trực tuyến, sau khi làn sóng Covid-19 thứ 3 đang tấn công địa phương. Và theo Bloomberg, các nhà chức trách nơi đây có thể đang đánh giá thấp hệ quả từ lựa chọn của mình.

Các ảnh hưởng với Hong Kong sau 3 làn sóng dịch bệnh.

Các ảnh hưởng với Hong Kong sau 3 làn sóng dịch bệnh.

Bị đe dọa bởi đại dịch, một số quốc gia, vùng lãnh thổ, bao gồm Hong Kong đã nhanh chóng đóng cửa các trường học ngay từ tháng 1 năm nay. Nhưng cách chiến đấu này được cho không nên là "vũ khí" được duy trì trong suốt 12 tháng tới hoặc thậm chí dài hơn. Đại dịch càng kéo dài, thiệt hại càng lớn và những người thiệt thòi trong xã hội sẽ phải gánh chịu nhiều nhất.

Cuộc tranh luận xung quanh việc khi nào nên mở lại trường học đã trở thành vấn đề quốc tế. Hồi tháng 4 vừa qua, UNESCO ước tính gần 1,4 tỷ trẻ em không thể tiếp tục đến lớp vì Covid-19.

Điều này một phần cũng là hệ quả từ sai lầm của các nhà hoạch định chính sách. Chẳng hạn Israel được cho đã trở lại bình thường quá nhanh, hay hình ảnh những hành lang trường học chật cứng người không đeo khẩu trang ở Mỹ đã khiến thế giới không khỏi kinh hãi.

Thận trọng là điều thích hợp khi phải đối phó với "kẻ thù vô hình" như virus, đặc biệt là ở một TP đông dân cư. Nhưng trớ trêu, trong khi Hong Kong chọn nhanh chóng đóng cửa các trường học và thư viện, thì các trung tâm thương mại và quán cà phê ở đây vẫn được phép hoạt động nhộn nhịp.

Nền kinh tế trị giá 370 tỷ USD của Hong Kong - đã bị tàn phá đáng kể bởi nhiều tháng biểu tình hồi năm ngoái và sau đó là đại dịch Covid-19 đang càn quét - sẽ sớm nhận ra "cái giá" của việc đóng cửa tuyệt đối trường học.

Trước hết, các gia đình giàu có và người ngoại quốc ở Hong Kong được tin sẽ sớm xuất cảnh. Những người kém giàu hơn ở lại phải đối mặt với viễn cảnh một thế hệ trẻ em không được hưởng nền giáo dục đầy đủ. Ngay cả trước đại dịch, thống kê cứ 4 trẻ em ở Hong Kong thì có 1 trẻ phải sống trong cảnh nghèo khó và ít được tiếp cận với sách.

Hệ số Gini của Hong Kong - một thước đo bất bình đẳng thu nhập nằm trong khoảng từ 0 đến 1, với 0 là bình đẳng hoàn hảo - đã ở mức 0,54 vào năm 2016, là khoảng cách lớn nhất trong gần nửa thế kỷ qua. Một nghiên cứu của Mỹ mới đây cũng chỉ ra, việc học trực tuyến đang nới rộng khoảng cách này trên toàn cầu.

Các kết quả ban đầu từ một nghiên cứu lớn của ĐH Hong Kong công bố hồi tháng trước càng nhấn mạnh sự trầm trọng của vấn đề này: Chỉ 55% học sinh tiểu học ở Hong Kong có khả năng truy cập độc lập vào một thiết bị màn hình lớn - nghĩa là gần một nửa số học sinh đang dùng chung hoặc hoàn toàn không có quyền truy cập. Đối với học sinh trung học, con số là này là gần 1/4.

Trong một gia đình khó khăn ở Hong Kong.

Trong một gia đình khó khăn ở Hong Kong.

Chính quyền Hong Kong đã tìm cách giảm thiểu điều này khi quyết định hỗ trợ tài chính cho các trường học và học sinh, đồng thời cung cấp các quỹ để giúp trẻ em kém may mắn có được công nghệ và truy cập internet đầy đủ.

Theo Vụ Giáo dục Hong Kong, 73 triệu HKD (9,4 triệu USD) đã được giải ngân trong năm học vừa qua, thông qua các trường học, để hỗ trợ riêng cho các thiết bị và phụ kiện. Tuy nhiên với chỉ 281 trường tham gia, mức trung bình hóa ra lại không quá lớn.

Bên cạnh đó, công nghệ được cho cũng chỉ là một phần - giải pháp cần nhưng chưa đủ - đặc biệt là đối với những học sinh lớp nhỏ. Bloomberg dẫn lời các nhà giáo dục tiểu học cho biết họ đã phải vật lộn để tương tác với học sinh, trong khi những học sinh có năng lực yếu hơn trở nên rệu rã và bị tụt lại.

Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ đã chủ trương thúc đẩy việc đưa trẻ em trở lại trường học trong đại dịch, khi xem xét tác động kinh tế - xã hội trong tương lai, như nguy cơ gia tăng sinh viên lớn tuổi bỏ học, từ đó khiến bất bình đẳng tăng cao với nữ giới - những người vốn đã phải vật lộn để tham gia lực lượng lao động ở Hong Kong.

Wong Shek Hung - Giám đốc khu vực Hong Kong, Ma Cao và Đài Loan của Liên minh vì giải pháp cho nghèo đói và bất công Oxfam lưu ý, thất nghiệp ở một nơi không dễ để đủ điều kiện nhận hỗ trợ của nhà nước cũng dễ dẫn đến tình trạng các gia đình phải cắt giảm lương thực.

Tóm lại, trước câu hỏi nên mở lại trường hay học trực tuyến, tính linh hoạt là khó nhưng đặc biệt cần thiết. Một đại dịch chưa thấy hồi kết, một nền kinh tế bị tàn phá và một thế hệ bị tổn thương đòi hỏi điều đó.

Hương Thảo

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/mo-lai-truong-hay-hoc-truc-tuyen-cai-gia-cho-lua-chon-cua-hong-kong-393487.html