Mở lối cho du lịch cộng đồng - Kỳ cuối: Tạo đà 'cất cánh'
Phát triển du lịch cộng đồng để tạo sinh kế ổn định, lâu dài cho người dân, đồng thời gìn giữ văn hóa truyền thống... là điều rất cần thiết. Để loại hình du lịch này cất cánh rất cần sự hỗ trợ đồng bộ từ các cấp, các ngành; đặc biệt cần nâng cao nhận thức của người dân trong việc gìn giữ tính nguyên bản, giá trị cốt lõi của văn hóa truyền thống.
Gìn giữ giá trị cốt lõi
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Hải Quỳnh-Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam-đặc biệt nhấn mạnh: Nếu muốn làm du lịch cộng đồng, bà con cần phải giữ được những giá trị cốt lõi nhất, phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng mình. Mái nhà rông cũ kỹ nhưng uy nghiêm, căn nhà sàn đơn sơ, mộc mạc hay những hoạt động ngày thường như trồng trỉa, thu hoạch lúa, bắp, khoai, đi lấy mật ong rừng, bắt cá suối, trồng bông, nhuộm vải, tạo hoa văn trên tấm thổ cẩm, các bài chiêng độc đáo, điệu múa truyền thống... sẽ rất thú vị đối với những du khách chưa từng trực tiếp trải nghiệm. “Người dân không phải bắt chước, du nhập từ bất kỳ nơi nào mà cứ hãy gìn giữ, phát huy đúng những gì mình đang có, du khách sẽ tự mình tìm đến”-ông Quỳnh nói.
Làng Đê Ktu (thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang) là một minh chứng rõ nhất về việc này. Mang kỳ vọng rất lớn của Trung ương, tỉnh, huyện, làng Đê Ktu được đầu tư khá bài bản các thiết chế văn hóa. Tuy nhiên, nhà rông xây kiên cố nhưng lại “quá khổ” so với nhà rông truyền thống của một ngôi làng Bahnar khiến bà con trong làng cảm thấy xa lạ. Vì vậy, mọi sinh hoạt, lễ hội của làng không tổ chức tại đây; dần dần, công trình uy nghi, lừng lững ngay cổng làng bị bỏ mặc hư hỏng, xuống cấp. Mục tiêu phát triển du lịch ở Đê Ktu cũng bị bỏ ngỏ đến tận bây giờ.
Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam cũng khẳng định: “Việc hình thành các sản phẩm du lịch là điều rất cần thiết để thu hút du khách, đặc biệt là các tour du lịch trải nghiệm đời sống sinh hoạt, văn hóa theo đúng nguyên bản của người dân tộc thiểu số trong các ngôi làng. Điều cần thiết là sản phẩm phải được duy trì thường xuyên, ổn định. Bà con khi đã có được thu nhập từ du lịch sẽ dần có ý thức bảo tồn, phát huy để chất lượng sản phẩm ngày càng tốt hơn”.
Bên cạnh đó, cách thức tổ chức, thể hiện, tạo sự tương tác giữa chủ và khách, tạo điều kiện cho khách trải nghiệm nhiều nhất có thể cũng cần được các cộng đồng làm du lịch chú ý. Bà Trương Nữ Ngọc Anh-Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Ủy ban Dân tộc của Chính phủ) cho rằng, nghệ nhân không chỉ biểu diễn cồng chiêng mà còn có thể mời khách lên, chỉ cho từng nhịp, cách hòa điệu trong bài chiêng cùng với mọi người. Như vậy mới thực sự hấp dẫn, tạo tính tương tác tốt. Bà Ngọc Anh cũng nêu ý kiến: “Cần có sự kết nối các tuyến điểm với nhau, tạo được tour đa dạng về ẩm thực, văn hóa, hoạt động trải nghiệm cho khách. Sự tiếp nối trải nghiệm là rất quan trọng”.
Là một người con của Gia Lai, anh Phạm Hoàng Trực-hiện đang công tác tại Công ty Du lịch Quốc tế Gotour (TP. Hồ Chí Minh) đã nhiều lần đưa các đoàn khách nước ngoài về quê hương để trải nghiệm văn hóa truyền thống của người Bahnar, Jrai. Anh bày tỏ: “Gia Lai cần phải đa dạng sản phẩm du lịch hơn nữa nhưng phải dựa trên nền tảng của văn hóa bản địa. Ở loại hình du lịch cộng đồng, du khách rất quan tâm đến bản sắc độc đáo, vẹn nguyên, không pha tạp và phải do chính người dân tự giới thiệu, hướng dẫn chứ không thông qua trung gian. Đấy cũng là cách để quảng bá văn hóa độc đáo của mình đến với bạn bè quốc tế”. Bên cạnh đó, anh Trực cũng mong muốn tại Gia Lai hình thành một số mô hình du lịch cộng đồng “đúng chuẩn” và duy trì hoạt động ổn định để các công ty lữ hành có thể kết nối, mở tour thu hút du khách, đem lại nguồn thu nhiều hơn cho bà con.
“Cầm tay chỉ việc”
Du lịch cộng đồng là loại hình dựa hoàn toàn vào sức bật của người dân, trong đó bà con đóng vai trò chủ thể, mang những nét văn hóa đặc sắc nhất giới thiệu đến du khách để tạo sinh kế, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống. Nhưng nếu không được các cấp, các ngành, đơn vị liên quan tạo điều kiện, định hướng, hỗ trợ theo lối “cầm tay chỉ việc” thì sẽ có rất ít mô hình thành công.
Khoản 3.3, Điều 1, Nghị quyết HĐND tỉnh khóa XI, kỳ họp thứ 9 ngày 10-7-2019 về hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay) quy định: Hỗ trợ gia đình tại các làng hoặc thôn, buôn có hoạt động du lịch cộng đồng đầu tư nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch theo quy định. Mức hỗ trợ: mỗi hộ chỉ được hỗ trợ 1 lần, 10 triệu đồng/phòng nhưng không quá 20 triệu đồng. Các hộ đầu tư homestay tại các làng hoặc thôn, buôn được hỗ trợ phải có trong phương án hoặc dự án, kế hoạch xây dựng du lịch cộng đồng được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Từ khi được dự án của Hội đồng Anh hỗ trợ, các thành viên của Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam (VIRI) đã triển khai tập huấn kiến thức, kỹ năng cho gần 50 người dân làng Mơ Hra (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang), giúp bà con hình dung rõ ràng hơn về cách làm du lịch bài bản, quy củ. Chị Đinh Thị Thơm (23 tuổi) cho hay, trước đây chị chỉ biết dệt cơ bản nhưng sau khi tham gia vào nhóm thổ cẩm, chị đã được dạy cách cắt may các sản phẩm như túi xách, ví, làm móc khóa. Hiện chị là một trong những thợ chính của nhóm và đảm nhiệm việc quản lý điểm trưng bày và bán sản phẩm truyền thống của làng. Chị Thơm tâm sự: “Có lần, nhóm làm được hơn 100 chiếc móc khóa thổ cẩm, du khách đều mua hết nên mình phấn khởi lắm”. So với các lớp trang bị kiến thức “suông”, việc trực tiếp “cầm tay chỉ việc” được xem là cách làm tốt nhất để giúp người dân hiểu đúng và hứng thú với du lịch cộng đồng.
Bên cạnh đó, những hỗ trợ về mặt pháp lý, kinh tế của các cấp chính quyền cũng quan trọng không kém. Điều đó vừa tạo động lực, vừa khiến người dân yên tâm làm du lịch. Ông Nguyễn Văn Bắc-Chủ tịch UBND xã Kông Lơng Khơng-cho hay: “Để người dân phát huy nội lực làm du lịch, thời gian qua, chúng tôi đã hỗ trợ cho làng Mơ Hra hoàn thiện thủ tục mở tài khoản ngân hàng, hoàn thiện Ban quản lý du lịch cộng đồng, chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm… Nhằm mở rộng khuôn viên nhà rông, tạo không gian cho bà con sinh hoạt và tiếp đón du khách, xã cũng đề nghị UBND huyện thu hồi, đền bù đất cho các hộ dân lân cận, đồng thời kêu gọi bà con hiến đất. Kinh phí để di dời nhà và làm hàng rào, nhà vệ sinh khoảng 80 triệu đồng. Sắp tới, đại diện làng Mơ Hra sẽ được tạo điều kiện tham quan, học hỏi mô hình du lịch cộng đồng ở tỉnh Ninh Thuận”.
Là người có nhiều kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng, anh A Ngưi-chủ nhân homestay ở làng Kgiang (xã Kông Lơng Khơng) nêu ý kiến: “Để bà con biết cách làm du lịch cộng đồng cần có sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành. Ngành Công an thì hướng dẫn bà con nội dung liên quan đến an toàn, trật tự, quản lý du khách; y tế hướng dẫn về an toàn vệ sinh thực phẩm; tài nguyên-môi trường giúp người dân bảo vệ cảnh quan, giữ gìn không gian xanh-sạch-đẹp… Cũng cần quan tâm khuyến khích, hỗ trợ người dân làm dịch vụ lưu trú bởi khách phải ở lại mới có thời gian để thăm thú, trải nghiệm và… tiêu tiền”. Anh A Ngưi cho rằng, bà con rất hứng thú nếu được phân chia thực hiện công việc. Cả cộng đồng cùng làm nhưng mỗi người đảm nhận nhiệm vụ khác nhau, ai cũng có việc làm, có thu nhập thì họ mới kiên trì và cố gắng.
Du lịch cộng đồng mang lại nhiều tác động tích cực về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường; tuy nhiên, nếu không phát triển đúng hướng thì khó để hình thành nên mô hình chuẩn. Đồng thời, nếu quản lý không tốt thì loại hình du lịch này cũng dễ gây ra các nguy cơ như tăng chi phí sinh hoạt và giá đất, phá vỡ môi trường tự nhiên, ô nhiễm và rác thải, đánh mất bản sắc cộng đồng... Vì vậy, các cấp, các ngành và người dân cần phải có định hướng cụ thể, rõ ràng hơn nữa để loại hình du lịch này phát triển bền vững.