Mở lối cho việc thay thế xe buýt cũ
Hiện tại, trên các tuyến phố, người đi đường rất e ngại khi phải đồng hành với những chiếc xe buýt cũ kỹ, máy móc ậm ạch, xì khói và tỏa hơi nóng khó chịu. Những chiếc xe buýt cũ đó rất dễ gây mất an toàn giao thông, làm ô nhiễm môi trường, vừa làm méo mó, xấu xí hình ảnh xe buýt, một loại phương tiện giao thông công cộng đang rất cần gây thiện cảm để thu hút được lượng người đi càng nhiều, càng tốt.
Phục vụ mục đích rất quan trọng của thành phố là giảm lượng phương tiện giao thông cá nhân trên đường phố để giảm ùn tắc. Vấn đề thay thế xe buýt cũ kỹ, già nua cũng đã được UBND thành phố cùng các sở, ngành có liên quan xây dựng phương án thay thế, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện được là bao. Những chiếc xe buýt đã hết khả năng phục vụ vẫn cứ phải tiếp tục gánh vác trách nhiệm là một phương tiện vận tải hành khách công cộng chủ lực của thành phố đông dân nhất nước.
Khó khăn của việc thay thế xe buýt cũ bằng việc mua xe mới là ở chỗ không có kinh phí. Vì các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực vận tải hành khách công cộng phần lớn là những HTX loại nhỏ và vừa, tiềm lực kinh tế không nhiều. Cho nên việc thay mới một loạt xe buýt là rất khó khăn. Bên cạnh đó, nếu thay xe mới thì xe cũ không biết giải quyết như thế nào vì bán thì không ai mua. Còn bán theo kiểu sắt vụn thì chẳng được bao nhiêu và thiệt hại quá lớn nên các doanh nghiệp hoàn toàn không muốn thay thế. Để giải quyết vấn đề này, UBND thành phố vừa phê duyệt đề án đầu tư 1.680 xe buýt giai đoạn 2014-2017. Theo đó, nhà đầu tư là các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực vận tải hành khách công cộng khi mua xe mới sẽ chỉ phải trả trước 30% giá trị xe, số còn lại được vay từ các tổ chức tín dụng theo cơ chế ưu đãi là nhà đầu tư chỉ trả 5% lãi suất vay, còn lại thành phố sẽ hỗ trợ phần lãi suất chênh lệch trong vòng bảy năm. Tuy nhiên, nhiều chủ doanh nghiệp vẫn ngại ngần vì nếu phải trả trước 30% thì đối với loại xe buýt lớn, đạt chuẩn theo quy định của thành phố sẽ tương đương với số tiền từ 700 đến 800 triệu đồng. Đây là số tiền không phải nhỏ, các xã viên hoàn toàn không có đủ khả năng chi trả. Nếu đi vay ngân hàng để góp vào thì tiền lãi phải trả hằng tháng là quá nặng, không dễ gì kham nổi. Vì trước đây, thành phố đã từng có dự án thay thế xe buýt cũ với cơ chế ưu đãi mỗi xe chỉ phải trả trước hơn 100 triệu đồng cho loại xe trị giá 900 triệu đồng. Vậy mà không ít doanh nghiệp đã phải bán xe sau một thời gian hoạt động vì làm ra không đủ trang trải các chi phí và lãi vay ngân hàng. Bên cạnh đó, thành phố vẫn chưa công bố cụ thể mức trợ giá cho xe buýt trong giai đoạn mới cho nên không ít người lo là mức trợ giá mới liệu có đủ trang trải các chi phí hoạt động, lãi vay và dư ra chút đỉnh hay không. Nếu mức trợ giá thấp, thu không đủ bù chi thì lỡ mua xe rồi thì phải tính sao đây. Vậy nên, không mấy doanh nghiệp hăng hái thay xe mới khi cơ chế, chính sách chưa rõ ràng. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp cho rằng, các xe của dự án 1.318 đầu tư từ năm 2003, đến nay mới hoạt động 11 năm theo thiết kế vẫn còn từ năm đến tám năm nữa mới hết hạn sử dụng, cho nên thay thế ngay là rất lãng phí. Trong khi đó, một số doanh nghiệp còn chưa trả hết nợ của dự án thay thế xe buýt lần trước. Chưa kể, có một số doanh nghiệp đi tiên phong bằng việc bỏ ra hàng chục tỷ đồng thay thế xe buýt cũ từ năm 2013 vì tin tưởng sẽ được Sở Giao thông vận tải thành phố đưa vào đề án đầu tư xe buýt giai đoạn 2014-2017. Tuy nhiên, đề án đã được phê duyệt lại chỉ áp dụng cho các xe đầu tư từ ngày 1-1-2014 khiến doanh nghiệp đổ nợ. Việc này, càng làm cho các doanh nghiệp thiếu sự tin tưởng để có thể mạnh dạn đầu tư xe buýt mới.
Do đó, cần mở lối cho việc thay thế xe buýt cũ bằng việc tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý và các ưu đãi về luồng tuyến; đưa ra mức trợ giá cụ thể, phù hợp thực tế cũng như thời gian trợ giá ổn định trong thời gian bảy năm trở lên, đúng bằng với thời gian được hưởng sự hỗ trợ phần lãi suất vay ngân hàng để nhà đầu tư yên tâm trong suốt thời gian hoàn trả vốn và lãi vay ngân hàng.