Mở lối đi trong đào tạo trung cấp lí luận chính trị - hành chính cho cán bộ Lào. Bài 1: Lặng thầm vun đắp tình hữu nghị
Nhiều năm nay, cán bộ, giảng viên Trường Chính trị Lê Duẩn đã và đang đưa những bài học lí luận chính trị bổ ích đến với học viên Lào. Để làm tròn nhiệm vụ quốc tế quan trọng, ngoài trí tuệ, công sức, những 'người đưa đò' tận tụy còn dành tình cảm đặc biệt, giúp mỗi học viên cảm thấy như sống, học tập trên chính quê hương mình. Kết quả đáng mừng sau nhiều nỗ lực là cán bộ, giảng viên nhà trường đã thành công trong việc mở một lối đi mới, góp phần hỗ trợ đất nước Lào anh em và vun đắp tình hữu nghị.
Nhận nhiệm vụ đào tạo trung cấp lí luận chính trị - hành chính cho cán bộ tỉnh Savannakhet và Salavan, nước bạn Lào trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, cán bộ, giảng viên Trường Chính trị Lê Duẩn phải nỗ lực gấp đôi trong mọi công việc. Một cách thầm lặng, họ đã làm được điều mà nhiều người cho rằng rất khó, thậm chí là không thể.
Tiên phong mở lối
Hầu như sáng nào, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị Lê Duẩn Nguyễn Hữu Thánh và các thầy cô trong Ban Giám hiệu cũng đến trường sớm, dành thời gian thăm hỏi, động viên, kiểm tra tình hình sinh hoạt, học tập của học viên Lào. Việc làm đã thành nếp ấy gắn liền với 9 khóa đào tạo trung cấp lí luận chính trị - hành chính cho cán bộ nước bạn. Thầy Nguyễn Hữu Thánh vẫn nhớ như in, năm 2007, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị giao nhiệm vụ cho Trường Chính trị Lê Duẩn chủ trì phối hợp với Trường Cao đẳng sư phạm, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Ban Tổ chức Tỉnh ủy và các cơ quan liên quan trong tỉnh nghiên cứu, khảo sát, xây dựng đề án, lập kế hoạch đào tạo lí luận chính trị - hành chính cho cán bộ Lào. “Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, có ý nghĩa to lớn, góp phần xây dựng, củng cố, vun đắp tình hữu nghị đặc biệt Việt - Lào nói chung, Quảng Trị và hai tỉnh Savannakhet, Salavan nói riêng. Dù biết sẽ gặp nhiều khó khăn, thử thách nhưng chúng tôi không ngại”, thầy giáo Nguyễn Hữu Thánh chia sẻ.
Là đơn vị đầu tiên trong nước đào tạo trung cấp lí luận chính trị - hành chính cho cán bộ Lào, cán bộ, giảng viên Trường Chính trị Lê Duẩn xác định phải chu đáo, thận trọng trong từng bước đi. Ban Giám hiệu nhà trường nhanh chóng họp bàn để trao đổi, thảo luận về hướng đào tạo, quản lí, điều hành. Công việc quan trọng nhất được xác định là xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với thực tiễn chính trị và đối tượng học viên đến từ nước bạn. Sau quá trình làm việc tích cực, với sự chấp thuận của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, những nội dung dạy và học đã được thống nhất với nhiều điểm mới, trong đó có thi bằng hình thức vấn đáp. Cùng với xây dựng chương trình đào tạo, Ban Giám hiệu Trường Chính trị Lê Duẩn quan tâm đến việc chọn lựa giảng viên, giáo viên chủ nhiệm, ban cán sự lớp… Lãnh đạo trường “chọn mặt gửi vàng”, phân công nhiệm vụ quan trọng này cho những giảng viên tâm huyết, nhiệt tình, có kinh nghiệm nhất. Ban cán sự lớp ưu tiên là người biết Tiếng Việt, có uy tín, trách nhiệm trong công việc…
Khi công tác chuẩn bị đã đâu vào đấy, tháng 7/2008, Trường Chính trị Lê Duẩn phối hợp với các cơ quan liên quan chính thức mở lớp trung cấp lí luận chính trị - hành chính đầu tiên cho cán bộ hai tỉnh Salavan, Savannakhet. Tham gia lớp có 30 học viên là cán bộ đương chức, dự nguồn ở vị trí cao hơn trong bộ máy Đảng, chính quyền, đoàn thể của hai tỉnh bạn. Không ngoài dự tính, buổi đầu, hàng loạt khó khăn, thách thức đặt ra khiến những người quanh năm gắn bó với trang giáo án rất trăn trở, đặc biệt là rào cản ngôn ngữ, phong tục, tập quán và sự thiếu thốn về nơi ăn, chốn ở, điều kiện học tập của học viên. “Vì tất cả đều rất mới mẻ nên chúng tôi vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Chúng tôi giải quyết những khó khăn, vướng mắc tuần tự từng bước. Đối với việc ngoài tầm giải quyết, anh em sớm xin ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh”, thầy Nguyễn Hữu Thánh cho biết.
Đối diện với nhiều khó khăn trong những ngày đầu khai đường, mở lối, nguồn động viên lớn nhất đối với cán bộ, giảng viên Trường Chính trị Lê Duẩn là cán bộ tỉnh Savannakhet, Salavan đều có nhu cầu học chính trị cao. Phần lớn học viên trong lớp đều hiền lành, thật thà, giàu tình cảm. Không phụ sự kì vọng của thầy cô, họ đều chăm chỉ học tập; nghiêm túc thực hiện nội quy, quy chế, lịch sinh hoạt; quý mến, tôn trọng cán bộ, giảng viên… Ai cũng hiểu và chia sẻ với những khó khăn buổi đầu của nhà trường.
Những bước đi đầy nỗ lực
Gánh vác trọng trách nặng nề, cán bộ, giảng viên Trường Chính trị Lê Duẩn xác định lấy quan điểm “Lao động, tình thương và lẽ phải” của Tổng Bí thư Lê Duẩn làm “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ quốc tế. Ban Giám hiệu nhà trường trăn trở trong từng công việc để việc dạy và học sớm đi vào khuôn khổ, nền nếp. Về phần mình, nhiều giảng viên tự nguyện “hiến kế” cho trường để giải quyết khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng đào tạo, quản lí. Ngay từ những ngày đầu, 7 giải pháp và cũng chính là mục tiêu quan trọng đã được cán bộ, giảng viên nhà trường thống nhất đưa ra gồm: Thực hiện tốt phương châm, tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy Quảng Trị trong công tác đào tạo học viên nước bạn Lào; chú trọng đến chất lượng giảng dạy Tiếng Việt cho học viên và công tác dịch thuật; tăng cường công tác quản lí về học tập và sinh hoạt đối với học viên; nâng cao chất lượng, đổi mới phương pháp giảng dạy; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học viên nghiên cứu thực tế; đổi mới công tác đánh giá kết quả, xếp loại học tập, rèn luyện đối với học viên; chú trọng đầu tư cơ sở vật chất phục vụ việc học tập, sinh hoạt.
Trong giảng dạy và quản lí, mỗi cán bộ, giảng viên Trường Chính trị Lê Duẩn đều nhận thức sâu sắc việc hợp tác, giúp đỡ nước bạn đào tạo cán bộ về lí luận chính trị là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa to lớn, từ đó có những việc làm cụ thể. Ai cũng nỗ lực nâng cao chất lượng bài soạn, bài giảng, đặc biệt là tổ chức giảng tập nhiều lần thông qua phiên dịch để rút kinh nghiệm trước khi dạy cho học viên. Nội dung bài giảng được chuyển cho người phiên dịch nghiên cứu trước để có sự phối hợp nhịp nhàng. Những buổi tham quan thực tế, giao lưu văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao được các thầy cô giáo chú trọng tổ chức giúp học viên trải nghiệm nhiều hơn. Nhận trọng trách Ban Giám hiệu nhà trường giao phó, giáo viên chủ nhiệm khóa học viên Lào vừa là thầy, vừa là bạn, luôn nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của từng học viên.
Việc tổ chức, quản lí học viên Lào luôn được cán bộ, giảng viên, nhân viên Trường Chính trị Lê Duẩn tiến hành chặt chẽ không chỉ trong mà cả ngoài giờ lên lớp. Các bộ phận ở trường, từ giảng dạy đến phục vụ được phân công trách nhiệm cụ thể, rạch ròi và khoa học. Hằng năm, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị vẫn quyết định trích ngân sách khoảng 2 tỉ đồng/khóa đào tạo để giải quyết các chế độ, chính sách cho học viên theo đúng quy định. Tất cả chế độ của học viên có liên quan được Trường Chính trị Lê Duẩn quan tâm giải quyết kịp thời, đầy đủ. Trong điều kiện còn khó khăn, Ban Giám hiệu nhà trường ưu tiên đảm bảo cơ sở vật chất cho học viên các tỉnh bạn yên tâm sinh hoạt, học tập. Ở trường, phòng học được lắp đặt các trang thiết bị đầy đủ, hiện đại. Học viên không phải bỏ tiền để mua tài liệu, giáo trình. Khu nội trú đảm bảo sạch sẽ, an toàn, trật tự. Mỗi phòng đều được trang bị đầy đủ các đồ dùng thiết yếu.
Quả ngọt đầu mùa
Hôm chúng tôi ghé thăm, Hiệu trưởng Trường Chính trị Lê Duẩn Nguyễn Hữu Thánh vui mừng thông báo, trường đã đón tiếp nhiều đoàn cán bộ, giảng viên công tác tại trường chính trị ở các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Kon Tum, Điện Biên… đến trao đổi, học hỏi kinh nghiệm. Từ “vừa làm, vừa rút kinh nghiệm”, giờ đây, cán bộ, giảng viên Trường Chính trị Lê Duẩn đã trở thành người thông tin, hướng dẫn cho các trường bạn. Mọi công việc từ xây dựng kế hoạch mở lớp đến công tác tuyển sinh, quản lí, phục vụ… đều được các thầy cô chia sẻ một cách cởi mở, cụ thể để mô hình mà cán bộ, giảng viên nhà trường dày công xây dựng được nhân rộng. Được biết, sau nhiều chuyến vào Quảng Trị học hỏi kinh nghiệm, Trường Chính trị Thanh Hóa vừa mở khóa trung cấp lí luận chính trị - hành chính đầu tiên trên địa bàn cho 30 học viên Lào.
Không chỉ nằm ở số khóa đào tạo được mở, thành công lớn nhất đối với cán bộ, giảng viên Trường Chính trị Lê Duẩn là đã giúp học viên Lào thấm nhuần nhiều bài học chính trị quan trọng, bổ ích. Tính đến nay, nhà trường đã mở được 9 khóa đào tạo chương trình trung cấp lí luận chính trị - hành chính cho cán bộ chủ chốt của hai tỉnh Salavan và Savannakhet với 380 học viên. Kết thúc khóa học, nhiều học viên được xếp loại giỏi, xuất sắc. Theo báo cáo của Ban Tổ chức tỉnh Salavan và Savannakhet, hầu hết cán bộ sau khi được đào tạo ở Trường Chính trị Lê Duẩn trở về nước công tác đều được bổ nhiệm chức vụ đảng, chính quyền hoặc luân chuyển công tác đến những vị trí cao, quan trọng hơn. Tính từ khóa I đến khóa VI, ở tỉnh Salavan, 78,8% học viên đã được bổ nhiệm, luân chuyển đến vị trí cao, quan trọng hơn, còn ở Savannakhet, con số này đạt 87%.
Tại lễ tổng kết 10 năm đào tạo trung cấp lí luận chính trị - hành chính đối với cán bộ hai tỉnh Salavan, Savannakhet, lãnh đạo ba tỉnh và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đều dành những lời khen ngợi cho đội ngũ cán bộ, giảng viên Trường Chính trị Lê Duẩn. Trưởng Ban Tổ chức tỉnh Savannakhet Thongtheing Xydavong cho biết, nhờ sự giúp đỡ của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, đặc biệt là cán bộ, giảng viên Trường Chính trị Lê Duẩn mà nhiều cán bộ của tỉnh đã có bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực lãnh đạo, quản lí, biết Tiếng Việt, năng động, sáng tạo và có khả năng tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị địa phương. Còn Phó Bí thư, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Salavan Buathong Khunhotpanna nhấn mạnh, các cựu học viên của trường đã và sẽ là những người tiên phong vun đắp tình hữu nghị Việt - Lào, Quảng Trị - Salavan - Savannakhet.
Hiện nay, việc đào tạo trung cấp lí luận chính trị - hành chính cho cán bộ Lào tại Trường Chính trị Lê Duẩn vẫn còn một số khó khăn. Tuy nhiên, thành công trên những bước đường vừa qua đã trở thành niềm tin, nguồn động lực để cán bộ, giảng viên nhà trường vượt qua và vươn tới. Ngôi trường mang tên người con ưu tú của quê hương Quảng Trị hứa hẹn sẽ còn được nhắc đến nhiều hơn bằng việc hoàn thành tốt những nhiệm vụ chính trị quan trọng khác của quê hương, đất nước.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=142899