'Mở lon Việt Nam' Coca-Cola: Phong phú đến hiểu nhầm của tiếng Việt!
'Mở lon Việt Nam' đang gây tranh cãi dư luận khi cụm từ này được Coca-Cola sử dụng để quảng cáo sản phẩm. Dư luận băn khoăn sự phong phú đến gây hiểu lầm của tiếng Việt hay chiêu trò PR của Coca-Cola?
“Mở lon Việt Nam” - câu slogan được sử dụng trong chương trình khuyến mãi của sản phẩm Coca-Cola vừa bị Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) tuýt còi đang thu hút sự chú ý của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều.
Cục Văn hóa cơ sở cho rằng, cụm từ "Mở lon Việt Nam" được sử dụng trong nội dung quảng cáo sản phẩm Coca-Cola Việt Nam trên truyền hình và một số phương tiện quảng cáo có dấu hiệu về hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam, đồng thời không đảm bảo thông tin rõ ràng của nội dung quảng cáo với sản phẩm, hàng hóa được quảng cáo, vi phạm các quy định tại khoản 3 Điều 8 và khoản 1 Điều 19 Luật Quảng cáo.
Để xử lý và chấn chỉnh hoạt động quảng cáo nêu trên, Cục Văn hóa cơ sở đề nghị các Sở VHTTDL, VHTT kiểm tra, rà soát hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo Coca-Cola đã tiếp nhận và yêu cầu chỉnh sửa cụm từ "Mở lon Việt Nam"; yêu cầu tháo dỡ sản phẩm quảng cáo trong trường hợp tổ chức, cá nhân không thực hiện thông báo sản phẩm quảng cáo đối với quảng cáo trên phương tiện bảng, băng-rôn…
Ngay khi những thông tin trên xuất hiện trên mặt báo và dư luận xã hội, nhiều ý kiến trái chiều dẫn đến những tranh luận gay gắt trên mạng xã hội. Một số ý kiến cho rằng lon trong “Mở lon Việt Nam” chỉ là chỉ chiếc lon vốn là vật dụng để chứa đựng sản phẩm như lon bia, lon nước...và không hề có sự phản cảm và không thấy từ nào vi phạm thuần phong mỹ tục và cho rằng không nên suy diễn và nâng cao quan điểm để xử lý với hành vi như vậy. Tuy nhiên, một số ý kiến khác đồng tình với việc làm kiên quyết của Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở – Bộ VHTTDL và cho rằng cụm từ “Mở lon Việt Nam” dễ dẫn đến hiểu sai và phản cảm.
Trên thực tế, từ xưa đến nay, tiếng Việt rất phong phú đến mức dân gian có câu “"Phong ba bão táp, không bằng ngữ pháp Việt Nam". Khi chỉ từ một câu nói, hoặc một từ, một cụm từ khi đặt trong hoàn cảnh khác nhau thì ngữ nghĩa của chúng lại được hiểu theo nhiều nghĩa hoàn toàn khác nhau ví như nhiều vùng miền người ta gọi chiếc muôi dùng để múc nước nhưng nơi khác lại gọi là chiếc môi. Hay như những từ đồng nghĩa nhiều vô kể cùng chỉ một hành động ăn nhưng lại có đến hàng chục từ ngữ khác nhau, nếu đặt đúng vị trí từ ngữ này phù hợp nhưng đặt sang cụm từ khác nó lại mang ý nghĩa phản cảm, dung tục.
Ngay như từ lon cũng có đến 5 nghĩa gồm hai nghĩa thuần Việt và 3 nghĩa mượn từ tiếng nước ngoài. Theo đó, nghĩa thứ nhất từ lon chỉ động vật sống trong rừng. Thứ 2, từ lon cũng dùng để chỉ cối nhỏ, thường được dùng để giã cua. Từ lon khi mượn từ nước ngoài lại có nghĩa là loại đồ đựng, bao bì như lon nước ngọt, lon bia. Ngoài ra, từ lon còn chỉ đơn vị đơn vị đo lường như lon gạo và thứ 5, từ lon còn được chỉ phù hiệu, quân hàm như lon trung úy, lon đại tá.
Quay trở lại từ Lon trong cụm từ “Mở lon Việt Nam” mà Coca - cola vừa sử dụng để quảng cáo trong một chương trình khuyến mại sản phẩm, người ta sẽ nghĩ ngay đến từ lon là một đồ đựng dùng để chứa sản phẩm. Nếu ghép từ Lon với sản phẩm nào thì hàm ý của nó là chứa sản phẩm đó như Lon Bia hay lon Coca-cola. Tuy nhiên, từ Lon ghép với cụm từ “Lon Việt Nam” hay “Mở lon Việt Nam” thì vô cùng tối nghĩa và dễ dẫn đến cách hiểu sai.
Bởi trên thực tế không có lon nào mang tên Việt Nam nên không thể mở lon Việt Nam. Nên việc Coca-cola dùng cụm từ “mở lon Việt Nam” không có nghĩa gì nếu để quảng cáo sản phẩm của Coca-cola lại dễ dẫn đến hiểu lầm, gây phản cảm và sự hiểu lầm ấy rõ ràng không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Hơn nữa, hai chữ “Việt Nam” vô cùng thiêng liêng không thể ghép chung trong một cụm từ slogan mập mờ như thế. Bởi tên một quốc gia được gắn vào slogan để quảng bá cho sản phẩm đến từ một quốc gia khác phải được nghiên cứu xem xét một cách kỹ lưỡng, chặt chẽ. Không thể thích là ghép rồi tung hô quảng cáo trên các phương tiện truyền thông để dẫn đến sự tranh cãi như vậy.
Bởi vậy, việc sử dụng cụm từ “mở lon Việt Nam” đáng bị lên án và việc Cục Văn hóa cơ sở “tuýt còi” và yêu cầu chỉnh sửa cụm từ "Mở lon Việt Nam" và tháo dỡ cụm từ này là hành động đúng đắn.
Tuy nhiên, vì sao dư luận lại phản ứng với cách xử lý của Cục Văn hóa cơ sở?
Nếu theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, việc phản ứng này lại xuất phát từ chính sự giải thích của Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương khi quá chú trọng về từ lon. Cụ thể, bà Hương cho rằng "lon" đứng một mình, không gắn với từ Coca-Cola hay bia... có thể được hiểu theo rất nhiều nghĩa. Ví dụ, nếu thêm dấu, thêm mũ vào cho từ đó... thì từ "lon Việt Nam" có rất nhiều vấn đề. Rõ ràng, nếu chỉ giải thích đến đây, dư luận dễ phản ứng bởi việc suy luận thêm dấu thành chữ có nghĩa xấu là suy luận rất nguy hiểm,sai bản chất vấn đề.
Tuy nhiên, xét toàn bộ ý kiến giải thích của Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương thì lại rõ ràng việc sử dụng slogan “Mở lon Việt Nam” có vấn đề.
Cụ thể, bà Hương nói rằng, cụm từ được nhãn hàng Coca-Cola sử dụng trong chiến dịch quảng cáo lần này: "Mở lon Việt Nam" hoàn toàn không rõ nghĩa, không đảm bảo thông tin rõ ràng của nội dung quảng cáo với sản phẩm, hàng hóa được quảng cáo theo quy định đã được nêu rõ trong Luật Quảng cáo.
“Nếu đã nói "lon" thì phải gắn với tên sản phẩm là gì, lon Coca-Cola hay một nhãn hàng bia, nước ngọt... nào khác. Việc ngắt chữ "lon" không gắn với tên sản phẩm hàng hóa sẽ làm cho người tiêu dùng không có được thông tin rõ ràng về sản phẩm", bà Hương nhấn mạnh và cho biết, việc gắn chữ "lon" như cách của Coca-Cola mà không có danh từ, trạng từ ở phía sau như "ở Việt Nam", "tại Việt Nam"… là phản cảm, thiếu thẩm mỹ vì tên gọi Việt Nam không thể tùy tiện sử dụng với mục đích quảng cáo, gắn với các slogan một cách thiếu trang trọng như vậy.
Dư luận cho rằng, Coca-Cola thừa khôn ngoan khi sử dụng cụm từ "Mở lon Việt Nam" dù được cho là không đảm bảo thông tin rõ ràng của nội dung quảng cáo với sản phẩm, thậm chí là câu slogan tối nghĩa, “ngớ ngẩn” thay vì dùng các cụm từ sáng nghĩa hơn như “Mở lon Coca-Cola tại Việt Nam” hay các cụm từ khác phù hợp với chương trình quảng cáo khuyến mãi sản phẩm như “Cơ hội trúng vàng mỗi ngày”...như sau khi bị Cục Văn hóa cơ sở “tuýt còi”, Coca-Cola đã sử dụng để thay thế “Mở lon Việt Nam”.
Chắc chắn những người làm quảng cáo cho hãng Coca-Cola đã lường trước những phản ứng đa chiều của dư luận Việt Nam khi sử dụng cụm từ “Mở lon Việt Nam” để quảng bá cho chương trình khuyến mãi sản phẩm nhưng vì sao họ vẫn sử dụng? Thực tế đã chứng minh, khi cụm từ “Mở lon Việt Nam” được đưa ra tranh luận trên mạng xã hội và xuất hiện dày đặc trên báo chí kèm với hình ảnh những sản phẩm Coca-Cola cho thấy họ đã thành công với chiêu trò PR sản phẩm một cách mập mờ.
Dù bị Cục Văn hóa cơ sở tuýt còi thì họ đã đạt mục đích, thành công thậm chí ngoài dự kiến của mình.
Nếu đúng như vậy, chiêu quảng cáo mập mờ từ ngữ slogan của Coca-Cola để tạo ra sự tranh cãi để quảng bá sản phẩm một cách miễn phí, rõ ràng đáng bị lên án, thậm chí xử lý nghiêm theo quy định hiện hành.
Thời điểm hiện tại, sau khi Cục Văn hóa cơ sở có công văn về việc trên, Công ty TNHH Nước Giải Khát Coca-Cola Việt Nam đã có thư phúc đáp gửi Bộ VHTTDL. Trong thư phúc đáp, Coca-Cola Việt Nam xin tiếp nhận ý kiến chỉ đạo từ Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) về nội dung quảng cáo có sử dụng cụm từ “Mở lon Việt Nam” trên truyền hình và một số phương tiện quảng cáo khác vi phạm các quy định tại khoản 3 Điều 8 và khoản 1 Điều 19 Luật Quảng cáo về tính phù hợp thuần phong mỹ tục.
Theo lý giải của công ty này, chương trình khuyến mãi với thông điệp ban đầu được thiết kế chỉ nhằm đưa ra hướng dẫn cụ thể về cách thức xem mã khuyến mãi dưới nắp khoen sản phẩm Coca-Cola và thừa nhận, đã không xét đến các yếu tố ngữ văn khác trong cụm từ. Ngay sau khi nhận được công văn từ Cục Văn hóa cơ sở vào ngày 22/6/2019, Công ty đã nhanh chóng thay đổi cụm từ “Mở lon Việt Nam” thành một slogan khác cho chương trình khuyến mãi của sản phẩm Coca - Cola Việt Nam trên truyền hình và các phương tiện quảng cáo khác.
Tuy nhiên, dư luận cho rằng, cần xử lý nghiêm hành vi vi phạm trên theo quy định, để những cụm từ tương tự “Mở lon Việt Nam” sẽ không còn xuất hiện trong các chương trình quảng cáo các sản phẩm trên các phương tiện truyền thống đại chúng cũng như các băng rôn ngoài trời.