Mở lòng của cô giáo về chuyện dạy lớp học xóa mù chữ
Tốt nghiệp Trường trung cấp sư phạm Lạng Sơn, cô Thơm đã tình nguyện xin đi dạy lớp xóa mù chữ cho những thanh niên ở xã vùng 3 khó khăn.
Ba tháng trải nghiệm giá trị
Năm 1995, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm Lạng Sơn, cô giáo Đào Thị Thơm (hiện giáo viên đang công tác tại Trường Tiểu học Tam Thanh, TP. Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) được phân về giảng tại Trường Phổ thông Cơ sở 1 xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.
Trong thời gian nghỉ hè chờ ngày về trường, cô Thơm đã tình nguyện tham gia giảng dạy chương trình “Ánh sáng văn hóa” (lớp học dạy xóa mù chữ cho các thanh niên vùng 3) ở thuộc xã Yên Sơn, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.
Cô Thơm nhớ lại: “Trải nghiệm khi giảng dạy lớp xóa mù đó trong cuộc đời làm giáo viên của tôi sẽ chẳng bao giờ quên được. Những học trò đầu tiên của tôi là các chàng trai, cô gái từ 14 đến 22 tuổi; sáng đi làm nương, trưa về đến nhà văn hóa học con chữ, vất vả cực nhọc vô cùng nhưng họ vẫn quyết tâm học”.
Cô Thơm kể, hồi đó, xã Yên Sơn chưa có điện vì vậy lớp học xóa mù được tổ chức vào buổi trưa từ 11h30 đến 13h30. Nắng nóng, oi bức nhưng quá trình dạy học, cô cảm nhận được sự mong mỏi của học viên muốn biết chữ đến nhường nào; đặc biệt niềm vui khi họ tự mình tự viết được tên tuổi, đọc được chữ.
Kết thúc ba tháng dạy lớp xóa mù, cô Thơm tích lũy thêm cho bản thân một ít kinh nghiệm giảng dạy thực tế. Ngày đến trường nhận công tác, cô được phân dạy học sinh lớp 4.
Mỗi ngày lên lớp ngoài cố gắng truyền cảm hứng, tình yêu con chữ cho học sinh cô còn tâm sự, hỏi han hoàn cảnh của mỗi em qua đó hiểu hơn tính cách, cuộc sống của các em.
Cô Thơm trải lòng thêm: “Tôi cũng thường kể cho học sinh nghe những câu chuyện về tấm gương vươn lên thành đạt trong cuộc sống nhằm giúp các em có động lực noi theo. Ngoài ra tôi cũng thường lồng ghép một số trò chơi vào các tiết dạy giúp các em giảm bớt áp lực trong việc tiếp nhận kiến thức, hứng thú hơn trong các giờ học. Cũng nhờ vậy mà nhiều học sinh tích cực, tự giác hơn trong học tập dẫu một buổi đi học, một buổi phụ giúp được bố mẹ việc nhà”.
Suốt 27 năm qua, công tác ở nhiều ngôi trường khác nhau nhưng mỗi nơi cô đến, cô luôn nỗ lực sáng tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, thiết kế bài giảng để giúp học sinh hứng thú với bài học của mình.
Đại dịch vừa rồi, trường học phải tạm dừng đóng cửa không vì thế mà việc học bị ngừng lại. Cô Thơm lại tự mình nghiên cứu, mày mò các phần mềm giảng dạy trực tuyến. Vừa học, vừa làm đến đâu không biết cô lại hỏi đồng nghiệp, nhờ sự trợ giúp từ bạn bè gia đình. Đặc biệt, cô còn tích cực tham gia vào công tác trên truyền hình do Đài truyền hình tỉnh Lạng Sơn thực hiện.
"Những năm 1995, điều kiện cơ sở vật chất trường lớp tại các trường học còn thiếu thốn, trang thiết bị dạy học hạn chế, bản thân tôi cũng như nhiều đồng nghiệp phải mày mò tự làm đồ dùng dạy học. Đó là các bức tranh hay các mô hình trực quan không quá cầu kì nhưng cũng đã góp phần làm các học sinh hứng thú trong giờ học", cô Đào Thị Thơm chia sẻ.
Nhớ mãi cậu học trò đặc biệt
Trong 27 năm gắn bó với nghề giáo, thế nhưng khi nhắc đến kỷ niệm đặc biệt trong nghề, cô Thơm lại rưng rưng nước mắt nhớ về cậu học trò Lý Văn Tuấn, người dân tộc Nùng mình từng dạy.
Cô Thơm kể lại, Tuấn sinh ra trong một gia đình hộ nghèo, bản thân bị chậm phát triển trí tuệ, hạn chế trong giao tiếp; vì vậy, khi đến lớp Tuấn thường không chơi với bạn nào. Có lần Tuấn nghỉ học mấy ngày liền, cô Thơm đã phải vào tận nhà để tìm hiểu nguyên nhân, động viên Tuấn quay lại trường học.
Qua chuyện với gia đình, cô Thơm mới biết cậu học trò của mình ở nhà cũng sống nội tâm, ít trò chuyện chia sẻ cùng bố mẹ. Những buổi nghỉ học, Tuấn thường cùng bố mẹ đi làm nương phụ gia đình. “Lý do Tuấn không muốn đi học nữa vì thấy khó, các bạn hay chê cười”, cô Thơm kể.
Để động viên cậu học trò nghèo của mình quay trở lại trường học, cô Thơm đã dành cả ngày cuối tuần đó tâm sự, cùng làm việc và gỡ rối những khó khăn, ưu tư mà Tuấn đang giữ trong lòng.
“Khi tôi nhận được cái gật đầu đồng ý đi học trở lại của Tuấn tôi hạnh phúc vô cùng, đó là món quà vô giá đối với người giáo viên”, cô Thơm nghẹn ngào kể lại.
Ngày Tuấn đi học trở lại, để giúp Tuấn hòa đồng với các bạn, cô Thơm đã chủ động chia sẻ hoàn cảnh của Tuấn với hai học sinh ngồi cùng bàn; nhờ hai học sinh đó thường xuyên chuyện trò, động viên và hỗ trợ Tuấn trong các tiết học.
Bên cạnh đó, cuối mỗi buổi học, cô Thơm lại dành thời gian hướng dẫn, phụ đạo thêm bài cho Tuấn. "Cảm nhận được sự quan tâm của tôi và các bạn, Tuấn đã bớt tự ti và cũng có những tiến bộ trong học tập. Những tiến bộ của Tuấn dù rất nhỏ nhưng tôi cũng thường biểu dương để khích lệ em, đó cũng là một bài học về tình yêu thương mà tôi ghi nhớ mãi", cô Thơm trải lòng.
Theo chia sẻ của cô Phạm Tố Quyên – Phó hiệu Trưởng Trường Tiểu học Tam Thanh (TP. Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn): “Cô Thơm là người tận tụy với học trò, yêu nghề. Với mỗi học sinh, cô luôn cố gắng gần gũi, tìm hiểu gia cảnh để kịp thời động viên, giúp đỡ các em rất nhiều học sinh lớp cô Thơm chủ nhiệm sau này đã trưởng thành và đạt được kết quả cao trong các kỳ thi.
Trong công tác giảng dạy, cô Thơm luôn cố gắng nghiên cứu phương pháp dạy mới, ứng dụng công nghệ thông tin trong soạn bài giảng để tạo sự hấp dẫn cho học sinh. Đồng thời, cô cũng là người khuyến khích học sinh ứng dụng những kiến thức học được vào cuộc sống”.
"Học sinh ở huyện miền núi rất khó khăn, bố mẹ vì mưu sinh ít có thời gian chăm sóc cũng như sát sao với việc học của con. Do đó, để học sinh không bỏ học giữa chừng tôi luôn khơi gợi để học sinh phấn đấu, biết vun đắp ước mơ cho mình", cô Đào Thị Thơm chia sẻ.