Mở lớp xóa mù chữ cho đồng bào ở Mường Lèo
Để giúp đồng bào Mông biết đọc, viết, Bộ đội biên phòng Mường Lèo phối hợp với Trường PTDTBT Tiểu học và THCS xã lên lớp dạy chữ cho bà con.
Để bà con biết tính toán...
Vừa qua, Đồn Biên phòng Mường Lèo - Bộ đội Biên phòng Sơn La phối hợp với Trường PTDTBT TH&THCS xã Mường Lèo tổ chức khai giảng lớp xóa mù chữ (XMC) năm học 2023. Lớp học được tổ chức tại bản Sam Quảng, xã Mường Lèo với 31 học viên đều là người Mông, có độ tuổi từ 15 - 45. Đây là bản vùng cao biên giới, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Cuộc sống của bà con phụ thuộc vào nông nghiệp là chủ yếu, nhiều trường hợp do nhà đông con, ăn, mặc không đủ nên đã nghỉ học theo bố mẹ đi làm nương rẫy từ nhỏ. Có những thành viên trong lớp học này tâm sự, từ nhỏ chưa biết đến trường lớp và mặt con chữ như thế nào, hiện nay xã hội ngày các phát triển, khi ra ngoài xã, huyện buôn bán nông sản hoặc đi viện không biết chữ thì rất thiệt thòi. Chính vì thế, bà con trong bản mới tích cực tham gia lớp XMC, để hướng về tương lai tốt đẹp hơn.
Anh Sồng A Pó, học viên lớp XMC tại bản Sam Quảng cho biết: “Từ nhỏ phải đi làm nương rẫy nên tôi không được đi học. Lúc đi bán ngô, sắn tôi phải nhờ người thân tính toán hộ về giá cả. Cũng vì không biết chữ nên khi ốm đau, bệnh tật xuống bệnh viện, bác sỹ bảo ký tên hoặc viết, tôi đều không biết. Tham gia lớp học này, tôi đã biết viết họ tên của mình và thành viên trong gia đình rồi”.
Còn chị Sồng Thị Pơ chia sẻ: "Ngày nhỏ, tôi muốn đi học lắm nhưng bố mẹ không cho đi. Lúc đó, nhà đông anh em nên bố mẹ bảo tôi ở nhà trông em cho bố mẹ lên nương. Vì thế, tôi mới không được đi học. Giờ đi lấy chồng, không biết chữ ra ngoài chợ mua bán gặp rất nhiều khó khăn. Khi nghe cán bộ mở lớp dạy chữ miễn phí, tôi đăng ký tham gia học luôn".
Lớp XMC ở bản Sam Quảng diễn ra vào các buổi tối từ 19 - 21h trong tuần. Giáo viên đảm nhiệm, phụ trách giảng dạy lớp học này là cán bộ của Đồn Biên phòng Mường Lèo. Theo kế hoạch, lớp học sẽ trang bị cho học viên những kiến thức phổ cập từ lớp 1 - 5. Trong đó, mục tiêu trước mắt là dạy cho người dân biết đọc, viết, biết tính toán những phép tính đơn giản phục vụ trực tiếp việc mua bán, trao đổi hàng hóa thông thường trong cuộc sống.
Thêm nhiều lớp mới...
Bà Lò Thị Hạnh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sốp Cộp cho biết: Việc mở lớp học trên là kết quả của Chương trình phối hợp giữa Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, UBND huyện Sốp Cộp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La. Hiện nay, huyện đang có nhiều lớp học XMC được tổ chức trên địa bàn. Mục đích nhằm nâng cao dân trí cho bà con dân tộc thiểu số thuộc các bản vùng cao biên giới.
Bên cạnh đó, nhằm duy trì kết quả công tác phổ cập giáo dục, XMC, phòng GD&ĐT huyện đã chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân tham gia học tập bằng nhiều hình thức khác nhau. Tạo điều kiện thuận lợi để mọi người, mọi lứa tuổi được học tập thường xuyên.
Sốp Cộp là huyện vùng cao biên giới, có 8 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 6 xã đặc biệt khó khăn. Toàn huyện có 11.505 hộ, tỷ lệ hộ nghèo 37,78%, hộ cận nghèo chiếm 14,33% (chuẩn nghèo đa chiều 2021 - 2025). Dân số trong huyện có 53.100 người, với 6 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó, dân tộc thiểu số chiếm trên 90% (tính đến hết năm 2022), tỷ lệ hộ nghèo còn cao, công tác xã hội hóa giáo dục gặp nhiều khó khăn.
Để thực hiện có hiệu quả công tác phổ cập trẻ 5 tuổi, nâng mức đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học, giáo dục THCS, XMC, huyện Sốp cộp đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo trong giai đoạn năm 2021 – 2025. Từ đó, huyện tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, tập trung cao cho công tác phổ cập, XMC. Việc mở các lớp xóa mù thực hiện linh hoạt theo từng địa bàn, tạo điều kiện tối đa để học viên ra lớp học tập.
Theo bà Hạnh, phòng GD&ĐT huyện đã tham mưu cho chính quyền huy động nguồn ngân sách địa phương, sự ủng hộ của các đơn vị thiện nguyện, đóng góp của người dân xây dựng cơ sở vật chất trường học. Từ đó, từng bước xóa phòng học tạm, mua sắm bổ sung trang thiết bị đáp ứng nhu cầu thiết yếu của việc dạy và học.
"Về đội ngũ phụ trách công tác phổ cập, XMC, hiện nay được chúng tôi giữ ổn định theo địa bàn, thuận tiện cho việc nắm bắt đối tượng và quản lý số liệu. Năm 2022, huyện đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục Mầm non; chuẩn PCGD Tiểu học mức 3; chuẩn PCGD THCS mức 2; chuẩn XMC mức độ 2. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được. Từ đó, triển khai đổi mới công tác phổ cập giáo dục theo kế hoạch đã đề ra", bà Hạnh thông tin.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/mo-lop-xoa-mu-chu-cho-dong-bao-o-muong-leo-post663566.html