Mơ lọt top đầu ASEAN, cố rất nhiều nhưng còn xa lắm
Chúng ta vẫn đứng sau Singapore (xếp thứ 2), Malaysia (xếp thứ 15), Thái Lan (xếp thứ 27) và Brunei (xếp thứ 55) về cải cách môi trường kinh doanh. Muốn vào Top 4 ASEAN thì phải vượt được 42 bậc nữa, đó là hành trình gian nan.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ngày 17/12 công bố Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết của Chính phủ liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (Nghị quyết 02) và hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 (Nghị quyết 35), dựa trên kết quả khảo sát hơn 10.000 DN đến từ 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Môi trường kinh doanh của Việt Nam liên tục được cải thiện trong thời gian qua, nhưng vẫn mức “thường thường bậc trung”. Còn nhiều vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, thuế, thanh tra, cấp phép,... gây cản trở doanh nghiệp.
30% vẫn phải chi phí lót tay
Báo cáo cho thấy, môi trường kinh doanh tại Việt Nam liên tục được cải thiện. Đó là việc gia nhập thị trường, tiếp cận điện năng ngày càng dễ dàng hơn. Việc nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính của DN ngày càng thuận lợi và nhanh chóng. Hàng loạt điều kiện kinh doanh bất hợp lý đã được bãi bỏ. Quy định về kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu, đã cơ bản được đổi mới, theo nguyên tắc đánh giá rủi ro và chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, với nhiều loại hàng hóa...
Trong con mắt các DN, tất cả 11 lĩnh vực của Nghị quyết 02 đều có sự cải thiện. Điểm trung bình đã tăng từ mức 51,7% của năm 2017 lên mức 57,5% của năm 2019. Đây là kết quả chứng tỏ nhiều biện pháp cải cách của các ngành và lĩnh vực đã được DN ghi nhận.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề khiến DN thấy bị cản trở, gặp khó khăn. Cụ thể, có hơn 40% DN tham gia khảo sát cho biết, phải đi lại nhiều lần để làm thủ tục hành chính. Hơn 58% số DN cho biết, họ vẫn gặp nhũng nhiễu khi làm thủ tục hành chính. Còn 48%, tương đương với gần 350.000 DN vẫn phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện, trong đó có 34% DN trong số này cho biết, họ gặp khó khăn khi xin giấy phép kinh doanh có điều kiện. Cho dù những tỷ lệ trên đã giảm so với 2017 nhưng vẫn còn rất cao, theo nhận định của VCCI.
Tiếp cận tín dụng cũng là lĩnh vực nhiều DN gặp khó khăn. Có 86% DN cho rằng buộc phải có tài sản thế chấp mới có thể vay vốn, trong khi đó, 63% DN gặp khó về mức lãi suất và điều kiện cho vay. Đáng chú ý vẫn có 39% DN cho biết phải “bồi dưỡng” cho cán bộ ngân hàng để vay được vốn là phổ biến.
Hoạt động thanh, kiểm tra thuế vẫn chưa được cải thiện nhiều, vẫn có 33% DN được hỏi cho rằng, cán bộ suy diễn bất lợi cho họ và 30% DN được khảo sát cho biết tồn tại chi phí không chính thức khi thanh kiểm tra thuế.
Theo các DN, xin giấy phép xây dựng và giấy phép liên quan phải đi lại để nộp hồ sơ rất nhiều lần (trung bình 3 lần cho mỗi thủ tục). Tỷ lệ DN phải xin xác nhận phòng cháy chữa cháy lên đến 63% và có đến 30% DN cho biết họ gặp khó khăn khi làm thủ tục.
Về cải cách tư pháp, giải quyết tranh chấp và phá sản, Báo cáo cho biết, thiết chế này nhiều năm không thay đổi. Chỉ có 45% số DN gặp tranh chấp, muốn đưa vụ việc ra tòa, còn lại khoảng 55% tìm cách giải quyết khác, kể cả nhờ đến xã hội đen.
Ngoài ra, khả năng dự đoán thay đổi chính sách, có xu hướng giảm liên tục trong các năm qua. Tỷ lệ DN cho biết họ luôn luôn hoặc thường xuyên dự đoán được thay đổi chính sách giảm từ mức 16% trong năm 2014 xuống còn 5% trong năm 2018. Trong khi đó, tỷ lệ DN không bao giờ hoặc hiếm khi dự đoán được nội dung chính sách tăng từ mức 42% trong năm 2014 lên mức 67% trong năm 2018. Sự suy giảm khả năng dự đoán chính sách này là xu hướng nhất quán trong 5 năm qua. "Đây là một thực tế rất đáng quan ngại về môi trường kinh doanh tại Việt Nam", báo cáo viết.
Hành trình gian nan
Nếu xem xét ở phạm vi cấp tỉnh thì mức độ chuyển biến của các tỉnh thành phố Đồng bằng sông Cửu Long là cao nhất cả nước. Những tỉnh có kết quả được DN đánh giá cao nhất là Đồng Tháp, Tây Ninh, Bến Tre, Kiên Giang. Ở chiều ngược lại, các tỉnh thành phố được đánh giá ít chuyển biến là Cao Bằng, Điện Biên, Bắc Kạn, Thanh Hóa.
Với các Bộ ngành, năm 2019, một số vẫn tiếp tục cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực do mình quản lý. Theo ghi nhận là các Bộ Công Thương, Y tế và NN-PTNT,...Tuy nhiên, nhiều bộ, ngành khác có vẻ như không muốn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này, vì đã làm ở đợt cắt giảm năm 2018. Trong những Bộ, ngành tiếp tục rà soát thì mức độ cắt giảm cũng không được mạnh mẽ như năm trước, trong khi vẫn còn nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh không hợp lý, không minh bạch, không khả thi.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nhận xét, sau những nỗ lực từ 2014 đến 2018 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thì môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện 30 bậc, trên bảng xếp hạng của Doing Business (Báo cáo Môi trường Kinh doanh của Ngân hàng Thế giới), từ vị trí thứ 99 vào cuối năm 2013 lên vị trí thứ 69 vào cuối năm 2018. Tuy nhiên, đến 2019 lại tụt 1 bậc về vị trí thứ 70.
Kết quả này cải cách này vẫn chỉ ở mức “thường thường bậc trung”, theo ông Lộc. Còn nếu xét riêng trong khu vực ASEAN, Việt Nam vẫn chưa hoàn thành được mục tiêu lọt vào Top 4 nước có môi trường kinh doanh tốt nhất.
"Chúng ta vẫn đứng sau Singapore (xếp thứ 2), Malaysia (xếp thứ 15), Thái Lan (xếp thứ 27) và Brunei (xếp thứ 55). Muốn vào Top 4 ASEAN thì phải vượt được 42 bậc nữa, đó là hành trình gian nan. Nếu chừng nào chất lượng thể chế vẫn ở mức trung bình thì không thể thoát được bẫy thu nhập trung bình", ông Lộc nhấn mạnh.
Năm 2016, Chính phủ ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP, phấn đấu đạt mục tiêu cả nước có ít nhất 1 triệu DN hoạt động vào năm 2020. Theo thống kê, tốc độ tăng số DN trung bình trong giai đoạn từ 2015-2018 là 17,3% mỗi năm. Nếu vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng là 17,3% thì đến ngày 31/12/2020, cả nước sẽ có 984.003 DN, đạt 98,4% so với mục tiêu đề ra.
Cũng trong năm 2016, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương đã ký cam kết với VCCI về cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DN, trong đó, 40/63 tỉnh thành đã có nội dung cam kết về số lượng doanh nghiệp tính đến 2020. Tuy nhiên, nếu vẫn duy trì tốc độ tăng DN như trong 3 năm 2015-2018, sẽ có 27/40 địa phương đạt và vượt cam kết, 13/40 tỉnh thành không đạt.
Do vậy, cần có những biện pháp cải cách mạnh mẽ hơn rất nhiều không chỉ về gia nhập thị trường mà cả hỗ trợ DN thì mới có thể đạt được mục tiêu đề ra về số DN.