Mở mùa lạc - thêm cơ hội giảm nghèo từ nơi đồng ruộng đã từng gắn bó
Cơ hội giảm nghèo không đến từ một nơi xa lạ mà ở ngay dưới chân mình với cách nghĩ mới, cách làm mới. Mở mùa lạc từ thửa ruộng lớn là một hướng đi như thế.
Câu chuyện làm thế nào tạo cơ hội giảm nghèo không phải là câu chuyện mới với các hộ dân ở thôn Tân An, thị trấn Yên Bình (huyện Quang Bình, Hà Giang). Dẫu vậy nhưng lối ra khỏi cái nghèo vẫn như ám ảnh lâu nay trên những thửa ruộng bậc thang bao đời nay.
Phải mạnh dạn giảm nghèo, thoát nghèo đi lên từ ngay chính đồng ruộng của mình. Ý tưởng lớn ấy của chính quyền và người dân nơi đây như được chắp cánh khi dự án Dự án Nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam (AWEEV) do Chính phủ Canada tài trợ phối hợp cùng tổ chức CARE Việt Nam và điểm đến của dự án là tỉnh Hà Giang và Lai Châu.
Bao đời nay đồng bào các dân tộc ở thôn Tân An này vẫn canh tác trên những thửa ruộng bậc thang cùng những miếng ruộng nhỏ theo kiểu nhà ai biết nhà nấy với các mẫu số chung là thu nhập chẳng đáng là bao. Ấy vậy những vẫn cứ phải làm.
Kể từ khi có dự án AWEEV, điểm đầu tiên và cũng là mang tính quyết định là làm phẳng những miếng ruộng bậc thang cùng những miếng ruộng nhỏ khác, dồn lại để thành một cánh đồng rộng 3,5ha để canh tác. Rộng lớn cũng sẽ giúp cho công việc canh tác cơ giới được thuận tiện hơn.
Có được ruông lớn rồi nhưng do đất bị san đi nên những chỗ “bờ xôi, ruộng mật” đã không còn. Để trả lại độ màu cho đất, bàn đi tính lại mãi, các hộ dân ở thôn Yên Bình quyết định chọn cây lạc để canh tác “khai trương” ruộng lớn mới cho niên vụ xuân 2023, vừa để tạo thu nhập cho bà con, vừa là để hoàn độ màu cho đất, làm nền cho những niên vụ tiếp theo. Cũng còn là bởi cây lạc đang ngày càng có giá trị kinh tế cao ở thị trường
43 hộ dân ở đây mà đa phần là phụ nữ tham gia dự án AWEEV với sự hỗ trợ triển khai của Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Hà Giang đã được cung cấp phân bón, giống lạc trắng để canh tác tại ruộng. Bên cạnh đó, bà con còn được dự án AWEEV phối hợp với chính quyền địa phương tư vấn về cách thức chuyển đổi tư duy trồng trọt, kỹ thuật xuống ruộng.
Đó là những gì có vẻ rất đỗi bình thưởng ở các địa phương khác nhưng ở thôn Tân An xa xôi này đó thực sự là bước chuyển đổi lớn trong việc tạo sự đồng bộ trong trồng trọt, khẳng định thêm “vai vế” của người phụ nữ nơi đây trong gia đình. Rằng họ cũng hoàn toàn có thể tạo ra thu nhập tăng thêm cho gia đình, chứ không chỉ quanh quẩn bên bếp, nuôi gà lợn, chăm con và cùng vô số công việc không tên khác mà không được ai trả công.
Dưới cái nắng cuối xuân đầu hè đã rát da thịt, đất chẳng phụ công người khi những luống lạc bắt đầu mọc xanh tốt. Chỉ mấy tháng nữa đã có thể cho thu hoạch, cũng là lúc ruộng màu mỡ trở lại để chuẩn bị đón vụ lúa mới đầu tiên trên cánh đồng lớn. Kênh nước mát bên canh rì rào chảy như muốn đồng hành cùng các vụ mùa canh tác mới của bà con.
Đại diện Bộ Ngoại giao, sứ quán Canada, tổ chức CARE cùng các chuyên gia đều khẳng định mô hình canh tác như triển khai tại thôn Tân An đã được triển khai tại nhiều quốc gia khác và cho kết quả khả quan, hướng tới việc tạo ra sự khác biệt cũng như góp phần cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc, trong đó đặc biệt chú ý nâng cao thêm quyền năng kinh tế cho người phụ nữ.
“AWEEV cho thấy hiệu quả thông qua việc thực hiện nhiều biện pháp can thiệp, giải quyết nhu cầu của những người tham gia dự án tại địa phương và góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ. Chúng tôi làm việc với chính quyền địa phương để xem xét các yếu tố liên quan đến giới trong việc lập kế hoạch và thực hiện các quyết định và chính sách có tác động đến sự phát triển kinh tế và xã hội của cộng đồng địa phương”, đại diện tổ chức CARE Việt Nam chia sẻ.
Những thửa ruộng lạc đang hứa hẹn mở ra những cơ hội thoát nghèo mới cho người dân Tân An. Điểm quan trọng nhất là họ có được cơ hội cải thiện cuộc sống ngay chính từ nơi đồng ruộng đã gắn bó từ bao đời nay.