Ngày 28/9/1988, trong quá trình xây dựng một nhà máy sản xuất trên núi Đào Nguyên ở huyện Đức An, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, một ngôi mộ cổ bất ngờ được phát hiện. Theo đó, các công nhân nhanh chóng thông báo cho giới chức trách. Vì vậy, các chuyên gia tới hiện trường, tiến hành cuộc khai quật và tìm thấy một quan tài màu đỏ bên trong mộ cổ.
Theo các chuyên gia, sau khi mở nắp quan tài bằng gỗ sơn mài màu đỏ, họ bất ngờ khi nhìn thấy thi hài bên trong còn gần như nguyên vẹn.
Bên trong mộ cổ có nhiều hiện vật quý hiếm, bao gồm văn bia. Những cổ vật này giúp các chuyên gia xác định được danh tính nữ chủ nhân ngôi mộ là một phụ nữ họ Chu từ thời Nam Tống.
Các chuyên gia cho hay Chu thị qua đời khi 34 tuổi. Bà xuất thân trong gia đình quyền quý với cha bà là Chu Ứng Hòa - từng giữ chức Ngự sử Đại nhân. Chồng của bà là Ngô Trù.
Dù đã qua đời từ hơn 700 năm trước nhưng thi hài Chu thị bên trong quan tài vẫn còn khá nguyên vẹn với tóc, răng, móng tay, thậm chí chân lông có thể nhìn thấy rõ.
Bà đội một chiếc vương miện, mặc quần áo, đi tất và giày. Các chuyên gia tìm thấy 45 áo choàng, 3 áo khoác lụa, 6 chiếc quần, 15 váy... tại nơi an nghỉ của nữ quý tộc nhà Nam Tống này.
Mặc dù văn bia không nói rõ nguyên nhân tử vong của người phụ nữ họ Chu nhưng các kiểm tra thi hài của bà giúp các chuyên gia tìm được lời giải.
Theo nhóm nghiên cứu, tử cung của bà bị tổn thương nặng. Họ còn tìm thấy 3 chiếc băng có vết máu và những bó giấy rơm nhỏ, 14 chiếc khăn trải giường dính đầy máu.
Từ những phát hiện này, các chuyên gia nhận định Chu thị qua đời vì băng huyết sau khi sinh con. Vào thời phong kiến, trình độ y tế chưa phát triển nên tỷ lệ phụ nữ tử vong trong quá trình "vượt cạn" khá lớn.
Mời độc giả xem video: Cuộn giấy trong quan tài nghìn năm hé lộ bí mật của người Ai Cập.
Tâm Anh (TH)