Mở ngành đào tạo vi mạch: Trường ĐH chuẩn bị cơ sở vật chất, giảng viên ra sao?
Lo ngại đặt ra là trường ĐH khi mở ngành phải chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên đủ trình độ ra sao để đảm bảo công tác đào tạo lĩnh vực bán dẫn, vi mạch
Theo một số chuyên gia, nhu cầu đào tạo nhân lực thiết kế vi mạch trong một vài năm tới khoảng 3.000 người/năm, trong đó số tốt nghiệp sau đại học chiếm ít nhất 30% (bao gồm cả kỹ sư bậc 7, thạc sĩ, tiến sĩ).
Với tiềm năng đó, sau Hội thảo Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam diễn ra vào tháng 10/2023, nhiều trường dự kiến mở ngành/chuyên ngành đào tạo liên quan đến vi mạch, bán dẫn từ năm 2024.
Tuy nhiên, lo ngại đặt ra là trường đại học khi mở ngành phải chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên đủ trình độ để đảm bảo chất lượng đào tạo lĩnh vực bán dẫn, vi mạch và đáp ứng yêu cầu tuyển dụng khắt khe của doanh nghiệp.
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thời điểm này, các cơ sở giáo dục dự kiến mở ngành/chuyên ngành liên quan đến bán dẫn, vi mạch đang nỗ lực chuẩn bị cơ sở vật chất, tận dụng nguồn nhân lực giảng viên có sẵn (từ các ngành gần của chính cơ sở đào tạo) và đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp để đầu tư phòng thí nghiệm, thực hành trong đào tạo vi mạch, bán dẫn.
Được biết, từ năm học 2024-2025, Trường Đại học Phenikaa dự kiến mở chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu - Phó Hiệu trưởng, Trưởng khoa Khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Phenikaa chia sẻ, thời điểm này, nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ đội ngũ giảng viên để tham gia giảng dạy chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn.
Cụ thể, đội ngũ giảng viên này đến từ: giảng viên có kinh nghiệm giảng dạy đại học ngành Kỹ thuật điện tử và các ngành gần; trường tuyển dụng giảng viên cơ hữu (kể cả người nước ngoài và người Việt Nam) có trình độ và kinh nghiệm thực tế thiết kế, kiểm thử, sản xuất, đóng gói vi mạch được đào tạo từ các nước phát triển; đội ngũ chuyên gia quốc tế, đặc biệt là Việt kiều có kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực vi mạch; chuyên gia có kinh nghiệm đang làm việc tại các công ty liên quan đến bán dẫn tại Việt Nam dưới dạng hợp đồng thỉnh giảng và hướng dẫn thực hành.
"Với trang thiết bị hiện đại, đồng bộ cho toàn bộ quá trình thiết kế với mức lương đủ cạnh tranh, trường đã chuẩn bị đầy đủ đội ngũ giảng viên cho quá trình đào tạo đảm bảo đầu ra có chất lượng đáp ứng yêu cầu làm việc của các doanh nghiệp bán dẫn"
_Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu_
Theo Phó Hiệu trưởng nhà trường, với mục tiêu đào tạo sinh viên có năng lực tốt và khả năng thích ứng nhanh với môi trường doanh nghiệp, chương trình đào tạo chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn sẽ tích hợp các học phần có bản quyền được xây dựng bởi các doanh nghiệp thiết kế vi mạch.
Ngoài ra, nhà trường cũng được tiếp cận khung chương trình đào tạo và học liệu số về thiết kế vi mạch ở các bậc đại học và sau đại học của Synopsys – một tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn.
Về cơ sở vật chất, ngoài các phòng thí nghiệm điện tử cơ bản, phòng thí nghiệm FPGA (FPGA viết tắt của Field Programmable Gate Array, được dùng để chỉ một loại mạch tích hợp) nhà trường đã hoàn thành dự án đầu tư giai đoạn 1 mua sắm máy chủ và phần mềm thiết kế chuyên nghiệp của Synopsys (một công ty tự động hóa thiết kế điện tử của Mỹ có trụ sở tại Sunnyvale, California-PV).
Hiện nay, nhà trường đang triển khai đầu tư cho giai đoạn 2 xây dựng cơ sở hạ tầng đảm bảo việc triển khai thực hiện các khâu thiết kế và phát triển sản phẩm vi mạch bán dẫn, đủ để đáp ứng nhu cầu của các công ty Spin-off của trường.
Trước thực tế từ năm học 2024-2025, nhiều cơ sở giáo dục cũng dự kiến mở ngành/chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn, thầy Hiếu nhận định, sinh viên học chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn của trường có điểm khác biệt.
Theo đó, Tập đoàn Phenikaa sẽ tham gia vào chuỗi cung ứng về vi mạch bán dẫn nên sẽ đầu tư tương xứng cho lĩnh vực này. Trường cũng đã thành lập Trung tâm Đào tạo, Nghiên cứu và Phát triển về vi mạch bán dẫn, đầu tư thành lập công ty bán dẫn có tên S-Phenikaa để đào tạo và phát triển sản phẩm vi mạch bán dẫn.
Vì vậy, sinh viên học chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn tại Trường Đại học Phenikaa sẽ có rất nhiều điều kiện để trải nghiệm, thực hành và thực tập trong quá trình học. Điểm khác biệt lớn nhất là sinh viên/học viên được tham gia các công đoạn thiết kế sau khi được đào tạo các học phần cơ bản tiên quyết.
Để chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn thu hút sinh viên và đáp ứng chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cung ứng cho ngành công nghiệp vi mạch, bán dẫn, thầy Hiếu đề xuất: "Chính phủ cần có các giải pháp, chính sách hỗ trợ để hình thành các doanh nghiệp của Việt Nam về thiết kế vị mạch bán dẫn, đặc biệt là các công ty Spin-off của các trường đại học.
Đồng thời, một điều đặc biệt quan trọng nữa đó là cần có chính sách phù hợp trong việc thúc đẩy và phát triển các doanh nghiệp sản xuất thiết bị tiêu dùng điện tử ở trong nước".
Năm 2024, Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn mở chuyên ngành Thiết kế vi mạch với chỉ tiêu dự kiến là 50. Trao đổi với phóng viên về lý do mở chuyên ngành Thiết kế vi mạch, Thạc sĩ Cao Quảng Tư - Giám đốc tuyển sinh Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn chia sẻ: “Công nghệ vi mạch, bán dẫn đang phát triển với tốc độ nhanh và đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của nhiều ngành khác.
Đặc biệt, dự báo nhu cầu tuyển dụng ngành này cũng rất lớn trong vài năm tới. Do đó, nắm bắt cơ hội này, năm 2024, nhà trường sẽ đào tạo chuyên ngành Thiết kế vi mạch, góp phần tăng cường đội ngũ chuyên gia cho khu vực phía Nam và cả nước”.
Để tuyển sinh và đào tạo chuyên ngành, Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn đã chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên trình độ cao. Cụ thể, về cơ sở vật chất, nhà trường đang đầu tư và đưa vào sử dụng Lab vi mạch; phối hợp với một số doanh nghiệp hàng đầu để đào tạo và thiết kế vi mạch như Renesas, ICFPGA Academy,…
Hiện, giảng viên cơ hữu của trường có 1 giáo sư, 1 phó giáo sư và 9 tiến sĩ đào tạo chuyên ngành; và 5 tiến sĩ, chuyên gia quốc tế cùng giảng dạy. Trong thời gian tới, nhà trường tiếp tục tăng cường thêm đội ngũ giảng viên đúng chuyên ngành.
Về chương trình học của chuyên ngành này, theo thầy Tư, để tạo ra con chip liên quan đến nhiều khâu và nhà trường sẽ có hướng đi riêng phù hợp. Theo đó, ngoài đào tạo cho sinh viên có kiến thức tổng quan toàn bộ quy trình thiết kế vi mạch, nhà trường tập trung nhiều vào kỹ năng ở khâu lập trình Front-End của quy trình thiết kế vi mạch - khâu có nhu cầu cao tại các công ty thiết kế vi mạch. Ngoài ra, nhà trường tạo điều kiện để sinh viên khởi nghiệp với lĩnh vực Thiết kế vi mạch phù hợp với thời đại công nghệ số hiện nay.
Thứ nhất, chuyên ngành đào tạo sinh viên có kiến thức nền tảng điện tử vi mạch vững chắc kết hợp với đào tạo thực hành. Nhà trường kết hợp với các doanh nghiệp đào tạo thêm về kỹ năng làm việc thực tế cho sinh viên trong 2 tháng thực tập hướng nghiệp để bảo đảm chất lượng đầu ra chuyên ngành Thiết kế vi mạch.
Thứ hai, đào tạo cho sinh viên đã tốt nghiệp các chuyên ngành thuộc khối ngành công nghệ thông tin (từ 1 năm đến 18 tháng), đặc biệt là sinh viên Khoa học máy tính và AI để phối hợp 2 công nghệ AI và IoT.
Thứ ba, định hướng phát triển các sản phẩm ứng dụng đáp ứng nhu cầu xã hội về vi mạch IoT, vi mạch AI để việc đào tạo mang tính ứng dụng cao, đạt hiệu quả về đào tạo.
Thạc sĩ Cao Quảng Tư cho rằng, trong bối cảnh ngành công nghiệp vi mạch, bán dẫn phát triển như hiện nay, việc cơ sở giáo dục mở ngành/chuyên ngành đào tạo liên quan đến vi mạch, bán dẫn là hướng đi phù hợp.
Tuy nhiên, cần tiếp tục tính toán, dự báo nhu cầu nhân lực thực tế để tránh tình trạng mở ngành ồ ạt, đào tạo tràn lan, sinh viên ra trường không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Lưu ý khi chọn ngành/chuyên ngành học liên quan đến vi mạch, bán dẫn, Thạc sĩ Cao Quảng Tư nhắn nhủ, thí sinh cần tìm hiểu kỹ để có niềm yêu thích và tâm huyết; chú ý đến các ứng dụng của ngành học để có hướng đi đúng trong học tập và chọn ngành. Để học tốt, sinh viên cũng cần đầu tư về thời gian, kiên trì theo đuổi thì mới đạt được kết quả vì chuyên ngành có khối lượng kiến thức khá lớn, đòi hỏi kỹ năng thực hành cao.