Mở nút thắt trong đấu thầu mua sắm thiết bị, hóa chất: Thông thoáng nhưng phải giám sát chặt chẽ!
Các chuyên gia đánh giá rất cao các quy định mới trong Nghị quyết 30 và Nghị định 07 của Chính phủ trong việc 'cởi trói' chính sách, tạo điều kiện cho các bệnh viện mua sắm, sử dụng trang thiết bị y tế, hóa chất, thuốc… tuy nhiên cũng có những cảnh báo lo ngại về những tiêu cực có thể xảy ra nếu không được giám sát chặt chẽ.
Giải pháp mang tính “cấp cứu”
Thời gian qua, nhiều bệnh viện tuyến cuối như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy gặp khó khăn trong mua sắm hóa chất, thuốc, trang thiết bị y tế dẫn đến hoạt động bị ngưng trệ, ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích của người bệnh.
Trong bối cảnh đó, ngày 4/3, Chính phủ đã ký và ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế nhằm giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế từng bước hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Trước đó, Nghị định số 07/2023/NĐ-CP ngày 03/3/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 98/2021/NĐ-CP tháo gỡ vướng mắc về quản lý trang thiết bị y tế hiện nay.
Đón nhận những quy định mới, nhiều lãnh đạo bệnh viện đã bày tỏ sự ủng hộ. Với Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, do thiếu hụt vật tư y tế, hóa chất, Bệnh viện này đã phải dừng mổ phiên để ưu tiên mổ cấp cứu kể từ ngày 1/3. Khi Nghị định 07 và Nghị quyết 30 được ban hành, Giáo sư Trần Bình Giang - Giám đốc bệnh viện cho rằng sẽ nhanh chóng thực hiện theo hướng dẫn mới sớm tháo gỡ những vấn đề khó khăn đang gặp phải nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân. Mặt khác, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng xem xét để việc phẫu thuật cho các bệnh nhân thuộc diện mổ phiên trở lại bình thường.
Cũng liên quan đến chính sách mới này, ông Nguyễn Văn Thường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cho rằng: Nghị định 07 và Nghị quyết 30 giống như “cấp cứu” kịp thời đối với các bệnh viện. Cụ thể, hai quyết sách này đã tháo gỡ và giải quyết được nhiều vấn đề căn cơ ngay trước mắt mà các bệnh viện đang gặp khó, nhất là đối với những bệnh viện tuyến cuối, có nhiều xét nghiệm chuyên sâu và đặc thù, hay với những bệnh viện có máy đặt, máy mượn… Trong nhiều điểm mới được quy định tại Nghị quyết 30, điều mà vị lãnh đạo bệnh viện này tâm đắc chính là việc bỏ “3 báo giá” khi xây dựng giá đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế.
Đồng quan điểm, ông Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai phân tích, Nghị quyết 30 ra đời hết sức cần thiết và cấp bách lúc này. Bởi Nghị quyết đã tháo gỡ được những vấn đề mang tính “cấp cứu”, cấp bách hiện nay của nhiều bệnh viện như vấn đề về máy xét nghiệm, vật tư đi theo máy. Nghị quyết đã cho phép tiếp tục thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) đối với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất. Sau khi trúng thầu các hóa chất, vật tư thì các công ty phải có trách nhiệm đưa máy vào để thực hiện xét nghiệm và các kỹ thuật đi liền với vật tư, hóa chất của mình và bảo hiểm y tế phải có trách nhiệm thanh toán cho người bệnh. “Đây là tháo gỡ cực kỳ lớn cho các bệnh viện và từ đó các bệnh viện sẽ thuận lợi để thực hiện các kỹ thuật trong xét nghiệm, khám chữa bệnh” - ông Đào Xuân Cơ cho biết.
Cần giám sát chặt chẽ
Cũng liên quan đến quy định mới trong Nghị quyết 30 và Nghị định 07 nhiều chuyên gia ngoài ngành y tế cũng có những bình luận, nhận định. Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, ông Lê Như Tiến - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng Nghị định 07, Nghị quyết 30 của Chính phủ có tháo gỡ khó khăn trong việc mua sắm, sử dụng trang thiết bị y tế, thuốc, máy móc, hóa chất… Vì trong thời gian vừa qua, tình trạng thiếu trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất… xảy ra tại nhiều bệnh viện. Khó khăn xuất phát từ các văn bản chồng chéo, có khi “trói tay” ngành y tế.
“Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ đã “cởi trói” tạo điều kiện cho ngành Y. Tuy nhiên tôi thấy cái gì cũng có hai mặt. Thông thoáng đi liền với việc dễ bị lạm dụng. Do đó, “cởi trói” cần phải đi liền với thanh tra, kiểm tra kịp thời. Phải có quy định rất ngặt nghèo nếu không cứ “cởi trói” lại tiếp tục tiêu cực tham nhũng” - ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.
Theo ông Lê Như Tiến, trong thời gian vừa qua thông tin đại chúng đưa nhiều về chuyện trong ngành y tế có nhiều tiêu cực như thuốc chống ung thư giả, mua thiết bị y tế không phù hợp, cũ nát về tính tiền đối với bệnh nhân với giá trên trời. Một số bệnh viện lợi dụng việc mua thiết bị và sinh phẩm y tế để tham nhũng.
“Tôi cho rằng “cởi trói” nhưng vẫn thực hiện các quy định phải chặt chẽ theo Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp…Còn “cởi trói” nhưng chỉ định thầu để lợi dụng đút túi cá nhân hoặc một vài người thì rõ ràng sẽ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng rất bất cập. “Cởi trói” nhưng đồng thời quản lý nhà nước phải rất chặt chẽ. Việc thanh tra, kiểm tra phải kịp thời tránh việc “cởi trói” rồi phát sinh tiêu cực, tham nhũng” - ông Lê Như Tiến bày tỏ quan điểm.
Trong khi đó, bà Bùi Thị An - Nguyên Đại biểu Quốc hội cho rằng, Chính phủ đã tháo gỡ cho ngành y tế trong lúc đỉnh điểm thiếu thiết bị, hóa chất, thuốc là rất hoan nghênh. Đã dập tắt được “đám cháy” để ưu tiên cứu người. Tuy nhiên, bà Bùi Thị An cho rằng các giải pháp trên đang mang tính tình thế. Còn về lâu dài cần phải nghiên cứu các giải pháp mang tính dài hơi, chặt chẽ hơn.
Như vậy qua trao đổi với các chuyên gia có thể thấy, việc Chính phủ sớm ban hành Nghị quyết 30 và Nghị định 07 là rất hoan nghênh vì kịp thời, tạo điều kiện cho ngành Y trong việc mua sắm, sử dụng trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất… Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra việc thông thoáng, “cởi trói” có tính chất hai mặt, đặc biệt nguy cơ xảy ra tiêu cực. Do đó, cần có giám sát của các cơ quan cấp trên, thanh tra, kiểm tra, giám sát để không xảy ra tình trạng lợi dụng thông thoáng của chính sách để trục lợi.
Những điểm mới đáng chú ý
Theo ông Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, Nghị quyết 30 đã đi vào vấn đề đấu thầu trong khi việc mua sắm vật tư đang hết sức khó khăn có nhiều vướng mắc vẫn chưa sửa xong. Nghị quyết đã đưa ra các quy định hết sức cần thiết, thuận lợi cho việc tổ chức mua sắm đấu thầu, nhất là quy định về báo giá đã rất rõ ràng để các bệnh viện thực hiện. Bên cạnh đó, vấn đề liên quan đến các loại máy móc được cho, tặng, máy liên doanh, liên kết đã hết hợp đồng nay đã được cho phép đi vào hoạt động để đảm bảo phục vụ công tác khám chữa bệnh nhất là chưa cần phải làm đảm bảo sở hữu toàn dân ngay lập tức trong lúc này, và BHYT vẫn phải thanh toán những kỹ thuật này. Nghị định 07 đã làm được việc cho phép nhập khẩu thông quan, cấp phép cho các thiết bị vật tư, hóa chất một cách rất thuận lợi. Để có thuốc, vật tư, hóa chất thì trước hết khâu thông quan, nhập khẩu phải thuận lợi, thông thoáng và đã được giải quyết; những vướng mắc với doanh nghiệp cũng đã được Nghị định 07 tháo gỡ.