Mở ồ ạt mà không hiệu quả, trường đào tạo sư phạm sẽ phải co cụm lại
Trước tình trạng đào tạo tràn lan khiến ngành sư phạm mất sức hút với người giỏi đã buộc các trường đang phải đối mặt với việc co cụm lại thành phân viện, vệ tinh.
Nở rộ các trường đào tạo sư phạm
Thống kê của Bộ GD-ĐT cho biết, giai đoạn trước năm 1980, cả nước chỉ có chục trường ĐH sư phạm lớn có trách nhiệm đào tạo giáo viên toàn quốc như: Sư phạm Hà Nội 1, Sư phạm Hà Nội 2, Sư phạm Vinh, Sư phạm Việt Bắc, Sư phạm TP.HCM, Sư phạm Huế, Sư phạm Đà Nẵng...
Tuy nhiên, viện vào lý do đáp ứng nhu cầu giáo viên tại chỗ, nhiều địa phương đã xin mở trường, khoa đào tạo sư phạm khiến hệ thống các trường này nở rộ. Đối với nhóm trường sư phạm và đào tạo giáo viên, hiện cả nước có 58 trường ĐH, 57 trường CĐ, 40 trường trung cấp có ngành đào tạo giáo viên. Điều này khiến cho việc tuyển sinh đầu vào ngành sư phạm phân chia thành mức cao - thấp rõ rệt.
Theo số liệu thống kê đợt 1 xét tuyển đại học, cao đẳng sư phạm chính quy 2017, trong số 673 ngành đào tạo sư phạm có thí sinh trúng tuyển có 302 ngành lấy điểm xét tuyển từ 15,5 đến dưới 20 điểm (điểm trúng tuyển trung bình là 20 điểm). Đặc biệt có 197 ngành lấy điểm xét tuyển dưới 15,5 điểm.
Bộ GD-ĐT thừa nhận, việc một số trường đưa ra mức điểm chuẩn đầu vào sư phạm thấp đã khiến cho xã hội lo ngại về chất lượng đội ngũ giáo viên trong tương lai.
Ông Nguyễn Hữu Tuyến - Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Bắc Ninh, cơ sở gây sốc với việc công bố điểm đầu vào một số ngành sư phạm 9 điểm/3 môn cho biết, trường lấy mức điểm chuẩn thấp ở một số ngành để tạo cơ hội cho học sinh đến với trường bằng nguyện vọng 2, 3 và cũng dành cơ hội cho những thí sinh bị loại ở các khoa lấy điểm cao hơn như Giáo dục Mầm non, Giáo dục Tiểu học được vào các ngành sư phạm cơ bản. Hơn nữa, Bộ
GD-ĐT không quy định điểm sàn đối với tuyển sinh các trường CĐ. Trước tình trạng này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã nhấn mạnh, từ năm 2018, Bộ sẽ quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) riêng đối với các trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm và các ngành đào tạo giáo viên.
Khó giải thể nhưng sẽ chuyển đổi hoạt động
Trước biện pháp được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đặt ra là đẩy nhanh việc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng việc giải thể các trường sư phạm không thể làm ngay, điều này ảnh hưởng cả hệ thống xã hội về nhân văn, nên cần chuyển đổi sang công tác bồi dưỡng.
Hướng đi tới đây là những trường sư phạm có chất lượng cao, có uy tín sẽ được chọn làm trung tâm, các trường khác sẽ chuyển đổi hoạt động để trở thành phân hiệu hay “vệ tinh” của các trường trung tâm để trước mắt tập trung vào nhiệm vụ đào tạo lại đội ngũ giáo viên. GS.TS Nguyễn Văn Minh cho rằng cần sớm có đề xuất mô hình trường, số lượng, chức năng cơ chế chính sách và tuyển dụng để xác định trường nào là trọng tâm, trường nào là “vệ tinh”.
Bàn về việc quy hoạch, GS.TS Nguyễn Văn Minh cũng đánh giá, việc tuyển sinh của các trường sư phạm địa phương cũng như tuyển dụng giáo viên ở các cơ sở đang vượt khỏi tầm kiểm soát của Bộ GD-ĐT. Do đó, dù Bộ GD-ĐT có nhận ra nhưng khi bắt tay vào những việc cụ thể mà không có sự chung tay của các địa phương thì khó thực hiện. Bên cạnh đó, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội cũng lý giải việc ngành sư phạm thiếu hấp dẫn do nghề giáo viên có chế độ đãi ngộ thấp, lương và điều kiện làm việc không đảm bảo.
“Một cử nhân khi ra trường với mức lương 85% của hệ số 2,34 sẽ không thể tồn tại được ở thành phố. Nếu tình trạng này tiếp diễn, khó có những học sinh giỏi khác tiếp tục con đường sư phạm” - Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội đề xuất cần cải cách chế độ lương và làm việc của giáo viên bên cạnh việc siết chặt chất lượng đào tạo giáo viên để đảm bảo cả đầu vào lẫn đầu ra với ngành sư phạm trong tình hình thực tế hiện nay.