Mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ chuỗi siêu đô thị vùng Đông Nam Bộ

Theo đánh giá của chuyên gia, nếu TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Dương sáp nhập với nhau sẽ giúp phát huy thế mạnh của từng địa phương trong một tổng thể cùng liên kết tiểu vùng mạnh mẽ hơn.

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Dương về nhiều nội dung, trong đó có công tác sắp xếp địa giới hành chính, tổ chức bộ máy.

Quá trình nghiên cứu chủ trương sáp nhập tỉnh đang được các cơ quan, đơn vị, địa phương xem xét, chưa công bố chính thức, tuy nhiên nhiều chuyên gia đánh giá ba địa phương này là những địa bàn giáp ranh, có thể kết hợp để bổ sung cho nhau các tiêu chí về diện tích, dân số. Đồng thời, tạo nên hạt nhân mạnh nhất cả nước về kinh tế - văn hóa - xã hội. Chính vì vậy, câu chuyện kết nối giữa TP.HCM với các địa phương lân cận đang được Trung ương cũng như chính quyền các địa phương có tính toán.

TSKH - kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch, cho rằng đây là đề xuất khả thi, giúp phát huy thế mạnh của từng địa phương trong một tổng thể với liên kết tiểu vùng mạnh mẽ hơn. Trong đó, vai trò của TP.HCM hoàn toàn đủ sức để là nơi đặt thủ phủ hành chính, lấy chính tên TP.HCM để đặt cho địa phương mới sau sáp nhập.

 Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn.

Tầm nhìn mới

. Phóng viên: Có nhiều đánh giá cho rằng TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu có thể kết hợp với nhau để giúp các địa phương này cùng cất cánh đi lên. Quan điểm của ông về việc này thế nào?

+ Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn: Trên thế giới, các nước sắp xếp cấp tỉnh thường dựa vào các tiêu chí về tổ chức bộ máy, hiệu quả kinh tế, tương đồng về phong tục tập quán và xã hội…

Nhiều năm qua, TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Nai đều nằm trong nhóm các tỉnh, TP đóng góp nhiều nhất cho ngân sách trung ương nên được xem là khu tứ giác kinh tế quan trọng trong vùng đô thị TP.HCM. Cả bốn địa phương này đều có GRDP cao, có hoạt động kinh tế - xã hội năng động và đều có trình độ dân trí cao, rất thuận lợi cho việc sáp nhập và tái cơ cấu.

Nếu có sự sáp nhập của ba tỉnh, TP, thậm chí cả bốn tỉnh, TP nêu trên lại với nhau thì đó có thể là một cơ hội thúc đẩy liên kết phát triển vùng tứ giác kinh tế này lên tầm cao mới. Từ đó, giúp đơn giản hóa mục tiêu tăng hiệu quả hợp tác liên kết hợp tác vùng, so với quá trình thương lượng hợp tác vùng khá phức tạp giữa bốn tỉnh, TP trước kia.

. Với sự sáp nhập đó, chính quyền của chuỗi đô thị khủng TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu cần có những chuẩn bị gì trước mắt?

+ Nếu phương án sáp nhập ba tỉnh được thông qua thì việc đầu tiên cần chuẩn bị là đánh giá lại toàn diện “cục diện mới” này, để làm cơ sở định đoạt các định hướng chiến lược quy hoạch phù hợp hơn cho tổng thể tỉnh, TP mới.

Cần lưu ý gần đây Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch chung của ba tỉnh, TP này. Trong bối cảnh toàn bộ tỉnh, TP khác trên cả nước phải điều chỉnh lại quy hoạch chung theo hướng tích hợp đa ngành của luật quy hoạch mới năm 2017 thì ba hồ sơ quy hoạch đã được phê duyệt không thể chỉ đơn giản ráp lại với nhau, mà chỉ có thể dùng tham khảo để thực hiện một quy hoạch chung mới cho “TP.HCM sau sáp nhập” với tầm nhìn mới mang tính đột phá.

 Bà Rịa-Vũng Tàu được coi là một trong những cửa ngõ đi quốc tế vì tiếp giáp biển và có cảng Cái Mép - Thị Vải. Ảnh: HÀ THANH

Bà Rịa-Vũng Tàu được coi là một trong những cửa ngõ đi quốc tế vì tiếp giáp biển và có cảng Cái Mép - Thị Vải. Ảnh: HÀ THANH

Chuỗi đô thị biển Cần Giờ - Vũng Tàu

. Ông nghĩ gì về các cơ hội phát triển kinh tế biển từ việc sáp nhập TP.HCM với Bà Rịa-Vũng Tàu?

+ Từng có cơ hội tham gia tư vấn quy hoạch cho nhiều tỉnh, TP trên cả nước, tôi nhận thấy nếu các tỉnh trong vùng còn tách biệt thì quá trình bàn thảo câu chuyện liên kết, hợp tác vùng, mỗi tỉnh sẽ có xu hướng ưu tiên hơn cho những lợi ích của địa phương mình và ít nhiều vẫn còn e ngại sự cạnh tranh của các địa phương lân cận. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh, TP đó sau sáp nhập có lẽ sẽ có nhận định thoáng hơn về lợi ích chung của “liên kết vùng nội bộ”.

Trong quy hoạch chung TP.HCM, cảng Cần Giờ trong tầm nhìn quy hoạch trước đây chỉ là cảng trung chuyển, nay có thể nâng tầm thành cảng quốc tế hoàn chỉnh, thuộc cụm cảng Thị Vải - Cái Mép - Cần Giờ, có hạ tầng kết nối đến các khu công nghiệp trong tứ giác kinh tế.

Khu đô thị biển Cần Giờ hiện cũng nằm biệt lập, chỉ có kết nối với nội thành TP.HCM. Do vậy, nếu TP.HCM kết hợp với Bà Rịa-Vũng Tàu thì khu đô thị biển Cần Giờ có thể kết nối với Vũng Tàu thành chuỗi đô thị sinh thái và du lịch biển. Đồng thời, trở thành cực phát triển phía nam của TP.HCM, được bổ sung thêm các kết nối với đô thị sân bay Long Thành và với các tỉnh, TP trong vùng đô thị TP.HCM.

 Nếu TP.HCM kết hợp với Bà Rịa-Vũng Tàu thì khu đô thị biển Cần Giờ có thể kết nối với Vũng Tàu thành chuỗi đô thị sinh thái và du lịch biển. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Nếu TP.HCM kết hợp với Bà Rịa-Vũng Tàu thì khu đô thị biển Cần Giờ có thể kết nối với Vũng Tàu thành chuỗi đô thị sinh thái và du lịch biển. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Tính toán metro từ TP.HCM xuống Vũng Tàu

. Vậy còn TP.HCM với Bình Dương thì sao?

+ Như tôi nói ở trên, Bình Dương có nhà ga xe lửa lớn nhất của vùng đô thị và có vị trí ở vùng đất cao, có thể phát triển đô thị công nghiệp và công nghệ cao. Vậy nếu kết hợp, chúng ta có thể nghĩ đến chuyện nâng tầm ga xe lửa Sóng Thần thành ga trung tâm kết nối vùng của TP.HCM. Từ đó, xây dựng tiếp đường sắt xuống cụm cảng Cái Mép - Thị Vải - Cần Giờ, đi các khu công nghiệp ở phía bắc Bình Dương, đi vào khu trung tâm nội thành Thủ Thiêm, đi Cần Thơ và các tỉnh phía Nam, đi Mộc Bài (Tây Ninh)...

Quy hoạch metro TP.HCM cũng cần bổ sung thêm kết nối đến cực bắc ở Bình Dương và kết nối đến cực nam gồm chuỗi đô thị biển Cần Giờ - Bà Rịa-Vũng Tàu.

. Ông có nói đến việc xây dựng đường sắt kết nối Bình Dương đi cảng Cái Mép - Thị Vải - Cần Giờ. Liệu có kết nối nào với Đồng Nai để phát huy tứ giác kinh tế?

+ Tôi hình dung sẽ có một trục kinh tế biển tầm quốc gia và quốc tế trong mối liên kết giữa TP.HCM (sau sáp nhập) với Đồng Nai, đặc biệt là nối đến khu đô thị sân bay Long Thành và các khu đô thị công nghiệp, khu đô thị nông nghiệp tại Đồng Nai, thông qua hệ thống hạ tầng đa phương tiện đường bộ, đường cao tốc, đường sắt, cảng biển, cảng sông, đường hàng không…

Qua đó, kết nối không gian kinh tế của khu tứ giác kinh tế này với vùng đô thị TP.HCM và với hệ thống giao thông kết nối quốc gia và quốc tế.

Đó sẽ là tiền đề quan trọng cho việc thúc đẩy tăng trưởng hai con số cho vùng đô thị TP.HCM, sớm vươn lên ngang tầm với các vùng đô thị quốc tế trong khu vực châu Á.

. Xin cảm ơn ông.

Hai hạ tầng trọng điểm tăng tính liên kết

Nếu TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu được nhập với nhau thì sẽ có nhiều yếu tố mới, bao hàm nhiều thử thách và cơ hội mới cho TP.HCM.

Thứ nhất, tỉnh mới sau sáp nhập sẽ có quy mô diện tích tăng hơn gấp ba, trong khi dân số chỉ tăng khoảng gấp rưỡi, đồng nghĩa với việc quỹ đất phát triển gia tăng mạnh mẽ. Do đó, TP.HCM sẽ phải phát triển đô thị đa trung tâm theo hướng đa cực, nối lên vùng đất cao phía bắc và nối ra biển phía đông nam.

Thứ hai, TP.HCM sẽ có hai hạ tầng trọng điểm quy mô lớn mà trước đây TP chưa có, bao gồm cảng biển lớn nhất của vùng đô thị là cảng Cái Mép - Thị Vải ở Bà Rịa-Vũng Tàu và ga xe lửa lớn nhất của Việt Nam là ga Sóng Thần ở Bình Dương.

Điều này mở ra các cơ hội phát triển đô thị công nghiệp và công nghệ cao về phía bắc, cũng như phát triển chuỗi đô thị cảng biển và đô thị du lịch biển về phía nam và đông nam.

Thứ ba, TP.HCM sẽ có điều kiện thuận lợi để phối hợp phát triển đô thị liên kết với các hạ tầng trọng điểm của vùng đô thị gồm đường bộ, đường thủy, đường sắt với hạ tầng sân bay quốc tế Long Thành.

TSKH - kiến trúc sư NGÔ VIẾT NAM SƠN

LÊ THOA thực hiện

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/mo-ra-co-hoi-phat-trien-manh-me-chuoi-sieu-do-thi-vung-dong-nam-bo-post841859.html