Mở ra hướng đi mới trong việc quản lý bệnh thận mạn
* Bệnh thận mạn là 1 trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam
Ngày 23-9, tại Hà Nội, buổi tọa đàm với chủ đề “Góc nhìn đa chiều trong ứng dụng tiến bộ y khoa về quản lý bệnh thận mạn” do Tổng hội Y học Việt Nam và Công ty TNHH AstraZeneca phối hợp tổ chức đã thu hút trên 50 chuyên gia y tế và đại diện Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế); đại diện Ban giám hiệu các trường đại học… tham dự.
Buổi tọa đàm “Góc nhìn đa chiều trong ứng dụng tiến bộ y khoa về quản lý bệnh thận mạn” được tổ chức như một diễn đàn chia sẻ và trao đổi về định hướng cũng như cách ứng dụng kết quả các nghiên cứu lâm sàng và kinh tế y tế vào công tác quản lý bệnh thận mạn.
Thực tế hiện nay, gánh nặng toàn cầu của bệnh thận mạn đang gia tăng nhanh chóng và được dự đoán trở thành nguyên nhân thứ 5 gây mất số năm sống trên toàn thế giới vào năm 2040. Một điều đáng lưu ý là gánh nặng của bệnh thận mạn tăng nhanh hơn ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, trong đó có Việt Nam.
Tại Việt Nam, ước tính có hơn 10 triệu người mắc bệnh thận mạn, chiếm 10,1% dân số. Tử vong do bệnh thận mạn đứng thứ 8 trong số 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam. Số ca mới được chẩn đoán mỗi năm khoảng 8.000 ca. Số ca bệnh cần lọc máu khoảng 800.000 bệnh nhân nhưng hiện tại Việt Nam mới chỉ có 5.500 máy phục vụ 33.000 bệnh nhân. Theo thống kê, 50% bệnh nhân chạy thận nhân tạo tử vong trong vòng 5 năm, với chi phí y tế cho điều trị lọc máu tăng gấp 3 lần chi phí quản lý bệnh thận mạn ở giai đoạn sớm.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khoa Diệu Vân, Phó Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, là một gánh nặng cho y tế toàn cầu, nhưng bệnh thận mạn chưa được quan tâm đúng mức. Trên thực tế, việc chẩn đoán, điều trị sớm bệnh thận mạn vẫn còn nhiều khó khăn. Về phía bệnh nhân, không thấy triệu chứng rõ rệt ở giai đoạn sớm, không hiểu vể nguy cơ bệnh thận của mình, nên hầu hết đến viện trong giai đoạn muộn.
Tỷ lệ bệnh được phát hiện ở giai đoạn 3 mới chỉ có 5% số người trưởng thành mắc bệnh, phần lớn bệnh được phát hiện khi đã ở giai đoạn 4 và 5 phải điều trị thay thế thận. Dự kiến đến năm 2030, có 5 triệu người cần thay thế thận. Do đó, việc chẩn đoán và can thiệp sớm bệnh thận mạn có ý nghĩa rất quan trọng đối với toàn xã hội.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia y tế cũng đã thảo luận nhiều cách tiếp cận khác nhau để áp dụng những tiến bộ y khoa gần đây trong quản lý bệnh thận mạn từ chẩn đoán sớm đến kiểm soát bệnh ở giai đoạn sớm. Các thử nghiệm lâm sàng lớn được công bố trên thế giới về kiểm soát bệnh thận mạn cũng đã được các chuyên gia đưa ra phân tích và đánh giá chi tiết, trong đó có nhóm thuốc ức chế SGLT-2i.
Các chuyên gia cũng nhìn nhận rằng, sau 20 năm, các nghiên cứu như nghiên cứu DAPA-CKD (một thử nghiệm lâm sàng toàn cầu khảo sát tác dụng của thuốc Dapagliflozin thuộc nhóm thuốc này trên bệnh nhân mắc bệnh thận mạn đến từ các quốc gia khác nhau trong đó có cả bệnh nhân Việt Nam) đã mở ra hướng đi mới trong việc quản lý bệnh thận mạn từ lúc bệnh còn ở giai đoạn sớm.
Hiện thuốc này đã được Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt sử dụng cho bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính với chỉ định từ bác sĩ điều trị. Bên cạnh đó, các giải pháp tăng cường việc chẩn đoán bệnh thận mạn ở giai đoạn sớm bằng các xét nghiệm có độ phát hiện cao cũng đã được đưa ra phân tích tại buổi tọa đàm, trong đó cũng có kiến nghị xem xét triển khai những giải pháp này từ các tuyến y tế cơ sở để có thể phát hiện và can thiệp bệnh sớm hơn.
Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/mo-ra-huong-di-moi-trong-viec-quan-ly-benh-than-man-post283939.html