Mở ra kỷ nguyên thay đổi?

Đúng như dự đoán, chiến thắng vang dội của Công đảng trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua ở Vương quốc Anh đã đưa lãnh đạo Keir Starmer trở thành tân Thủ tướng, chấm dứt 14 năm cầm quyền đầy sóng gió của đảng Bảo thủ… Tuy nhiên, thắng lợi từ cuộc bầu cử không phải cây đũa thần và vị lãnh đạo mới của Vương quốc Anh sẽ không dễ dàng hóa giải mọi khó khăn của đất nước trong một sớm một chiều.

Lịch sử lặp lại với Công đảng

Theo Reuters, kết quả bầu cử sơ bộ cho thấy Công đảng đã giành được hơn 390/650 ghế trong Hạ viện Anh, trong khi đảng Bảo thủ đến nay chỉ giành được 99 ghế. Kết quả này là thành tích tồi tệ nhất trong lịch sử của đảng, khi cử tri Anh tức giận với khủng hoảng chi phí sinh hoạt, dịch vụ công không như mong đợi, cùng hàng loạt bê bối dưới thời Thủ tướng Rishi Sunak.

Lãnh đạo Công đảng Keir Starmer trở thành tân Thủ tướng Vương quốc Anh. Nguồn: Reuters

Lãnh đạo Công đảng Keir Starmer trở thành tân Thủ tướng Vương quốc Anh. Nguồn: Reuters

Ở Hạ viện Anh, 326 ghế là con số tối thiểu để bảo đảm cho Công đảng chiếm đa số. Vì vậy, lãnh đạo Keir Starmer, 61 tuổi, chắc chắn trở thành vị chủ nhân tiếp theo của ngôi nhà số 10 phố Downing ở London. Bản thân ông Sunak đã thừa nhận thất bại và cho biết đã gọi điện chúc mừng ông Starmer.

Theo giới quan sát, đây là cột mốc đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên và bắt đầu một kỷ nguyên khác, khi lần đầu tiên Công đảng “lật đổ” được đảng Bảo thủ kể từ năm 1997. Lúc ấy, đảng này dưới sự lãnh đạo của ông Tony Blair cũng giành chiến thắng oanh liệt, đạt đa số áp đảo trong Hạ viện để giành được quyền lực sau 18 năm đứng ở vị trí đối lập. Thực tế, Công đảng còn tiếp tục giành chiến thắng trong hai cuộc bầu cử sau đó vào năm 2001, 2005, và ông Tony Blair trở thành Thủ tướng đầu tiên của Công đảng tại vị 3 nhiệm kỳ liên tiếp.

Chân dung tân Thủ tướng

Được đặt theo tên người sáng lập Công đảng, Keir Hardie, ông Starmer được nuôi dưỡng trong một gia đình cánh tả thuộc tầng lớp lao động ở vùng ngoại ô London. Lúc còn vận động tranh cử, ông từng tự giới thiệu về gia đình mình: “Mẹ tôi là y tá, bố tôi là thợ chế tạo công cụ”. Ông cũng kể về quãng thời gian lớn lên với những hóa đơn chưa thanh toán và điện thoại bị cắt. Theo cuốn tiểu sử về Starmer được chấp bút bởi nhà báo Tom Baldwin, mỳ ống là món ăn xa lạ trong gia đình ông và họ cũng không đi du lịch nước ngoài.

Mặc dù cuộc sống khó khăn, song Starmer luôn đạt điểm cao trong các bài kiểm tra và được nhận vào một trường trung học ưu tú. Ông thậm chí là người đầu tiên trong gia đình học đại học, đầu tiên là Đại học Leeds, rồi sau đó một năm học luật tại Đại học Oxford. Khi trở thành luật sư nhân quyền và từng là trưởng công tố viên của Anh và xứ Wale, ông thường bào chữa cho những ai yếu thế và nỗ lực giúp nhiều người thoát khỏi án tử hình trên khắp thế giới.

Ông trở thành nhà lập pháp của Công đảng vào năm 2015, một năm sau khi được phong tước hiệp sĩ vì đã cống hiến tốt khi phục vụ luật pháp và tư pháp hình sự, đồng thời được bổ nhiệm làm lãnh đạo Công đảng vào năm 2020 sau cuộc bầu cử tồi tệ nhất của đảng này kể từ năm 1935.

Kỳ vọng mang lại tương lai tích cực hơn

Đằng sau niềm vui chiến thắng sẽ là nhiều thách thức mà vị lãnh đạo mới của Vương quốc Anh phải đối mặt, từ các vấn đề an ninh toàn cầu như cuộc khủng hoảng ở Gaza hay Ukraine đến các vấn đề đối nội. Thực tế, ông Keir Starmer lên nắm quyền với một danh sách những khó khăn dài nhất mà một tân Thủ tướng Anh phải đối mặt, trong khi có rất ít nguồn lực để giải quyết chúng.

Mặc dù tranh cử với khẩu hiệu "Thay đổi bắt đầu", bản thân ông trong cuộc tranh luận với người tiền nhiệm Rishi Sunak trước bầu cử cũng từng thừa nhận: “Tôi không đứng đây và nói rằng sẽ có cây đũa thần cho tôi vẫy sau cuộc bầu cử để tìm ra số tiền vốn không có ở đó”, bởi “thiệt hại to lớn đã xảy ra với nền kinh tế của chúng ta và cần mất nhiều thời gian để giải quyết”.

Ông Starmer từng cho biết, ông sẽ không tăng thuế thu nhập, mức đóng góp bảo hiểm quốc gia của người lao động, thuế giá trị gia tăng hoặc thuế doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp bày tỏ mong muốn có khoảng thời gian bình lặng sau 14 năm điều hành đầy biến động của Chính phủ Bảo thủ, được đánh dấu bằng cuộc trưng cầu dân ý rời Liên minh châu Âu của Anh vào năm 2016, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt sau đại dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine.

Nhưng đối với cử tri bình thường, những khó khăn trong đời thực mới là mối quan tâm cấp bách hơn, khi mọi người kêu gọi Công đảng giải quyết dịch vụ y tế ốm yếu, quá tải khiến thời gian chờ được khám chữa bệnh lâu kỷ lục, mở rộng cơ hội giáo dục và cải thiện mức sống. Thực tế, đây chính là những ưu tiên chính sách của Thủ tướng Starmer trong thời gian tới. Ông từng chia sẻ mong muốn giúp các gia đình trẻ có được khoản vay mua nhà đầu tiên vì ngôi nhà dù khiêm tốn của cha mẹ ông từng là tất cả, mang đến sự ổn định cho cuộc sống của mình. Theo ông, mọi gia đình đều xứng đáng có được điều tương tự. Hơn nữa, việc mẹ ông từng là y tá và vợ công tác ở Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) đã cho ông cái nhìn sâu sắc về những vấn đề tồn đọng trong hệ thống y tế của đất nước.

Trong phát biểu gần đây, ông Starmer cho biết ông có một kế hoạch lớn và táo bạo trong dài hạn cho nước Anh. Những biện pháp đó bao gồm hạn chế việc trốn thuế, giảm thời gian hẹn khám bệnh, cắt giảm hóa đơn tiền điện ngày một tăng cao với việc thành lập một nhà máy điện xanh do nhà nước điều hành… Nói chung, phần lớn trọng tâm của ông sẽ là chính trị trong nước - cố gắng củng cố nền kinh tế Anh và giải quyết cảm giác của người dân rằng chi phí hàng ngày đã trở nên không thể kiểm soát được.

Trong khi đó, theo các nhà quan sát, chính sách đối ngoại của Vương quốc Anh sẽ hầu như không thay đổi dưới thời Chính phủ Công đảng. Ông Starmer cho biết, Anh sẽ vẫn là một thành viên mạnh mẽ của NATO dù “ai sẽ trở thành tổng thống Mỹ” và ông dự kiến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Mỹ vào ngày 9-11.7 tới. Xứ sở sương mù cũng hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến với Nga (dự kiến Anh sẽ viện trợ quân sự trị giá 3 tỷ bảng Anh cho Ukraine trong năm nay và sẽ tiếp tục những năm tới). Đối với cuộc khủng hoảng tại Gaza, chính quyền mới ủng hộ quyền tự vệ của Israel trước Hamas, đồng thời kêu gọi ngừng bắn. Ông Starmer bày tỏ muốn công nhận nhà nước Palestine độc lập, song nói thêm rằng động thái như vậy sẽ cần phải đến đúng thời điểm trong tiến trình hòa bình.

Mặc dù Brexit được coi là thất bại và không mặn mà với việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý khác, nhưng nước Anh dưới thời Thủ tướng Công đảng Starmer có thể sẽ tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với khối lên minh lá cờ xanh, hướng tới dỡ bỏ một số rào cản thương mại để giúp đỡ các công ty vừa và nhỏ của Vương quốc Anh đang phải vật lộn với chi phí cao và thủ tục giấy tờ nhiều hơn. Bên cạnh đó, Công đảng cũng muốn tìm kiếm một thỏa thuận thú y nhằm giảm bớt việc kiểm tra biên giới đối với các sản phẩm động vật, một trở ngại đáng kể đối với người Anh.

Chiến thắng của Công đảng được kỳ vọng sẽ mang lại tương lai tích cực hơn cho Vương quốc Anh. Như lời ông phát biểu trước những người ủng hộ mới đây: “Hôm nay, chúng ta bắt đầu chương tiếp theo, bắt đầu công cuộc thay đổi, sứ mệnh đổi mới và bắt đầu xây dựng lại đất nước”.

Ngọc Minh (Theo Reuters, Washington Post)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/mo-ra-ky-nguyen-thay-doi-i378544/