Báo Nga nhận định về hội nghị thượng đỉnh NATO tại Mỹ

Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Mỹ sẽ tập trung vào cuộc đối đầu với Nga, xung đột ở Ukraine. Những người tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO cũng sẽ kỷ niệm 75 năm thành lập liên minh. Tuy nhiên, lễ kỷ niệm sẽ bị lu mờ bởi hai sự kiện.

Cờ NATO và quốc kỳ các quốc gia thành viên tại trụ sở ở Brussels, Bỉ. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Cờ NATO và quốc kỳ các quốc gia thành viên tại trụ sở ở Brussels, Bỉ. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Theo hãng thông tấn TASS của Nga ngày 9/7, đối đầu với Nga và hỗ trợ quân sự cho Ukraine sẽ là những chủ đề chính của hội nghị thượng đỉnh NATO kéo dài 3 ngày tại Mỹ. Đặc biệt, những người tham gia sẽ nói về việc tăng cường tiềm lực quân sự của liên minh quân sự do Washington đứng đầu, tăng quy mô quân đội của các nước thành viên, mua vũ khí mới, bao gồm hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa, cũng như các yêu cầu mới để tăng chi tiêu quốc phòng của các quốc gia châu Âu.

Ukraine, như đại diện của các nước thành viên NATO đã nhiều lần tuyên bố, sẽ không nhận được lời mời gia nhập NATO hoặc lời hứa gia nhập cụ thể về thời gian. Thay vào đó, các nhà lãnh đạo NATO sẽ lại đưa ra tuyên bố chính trị chung rằng họ có ý định chấp nhận Ukraine trong tương lai, sau khi xung đột với Nga kết thúc. Dưới danh nghĩa "bảo đảm an ninh" cho Kiev, một số quyết định sẽ được đưa ra để kéo dài cuộc xung đột, đặc biệt là liên quan đến việc cung cấp vũ khí, huấn luyện quân sự và trao đổi thông tin tình báo.

Đối với các nước đối tác NATO, ngoài Ukraine, các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand đã được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh để thảo luận về phản ứng quân sự-chính trị đối với Trung Quốc và Triều Tiên. NATO coi cuộc đối đầu này là một phần của cuộc xung đột với Nga. Brussels và Washington tin rằng Trung Quốc và Triều Tiên, cùng với Iran, là những đồng minh chính của Nga, giúp Moskva đối phó với áp lực kinh tế của phương Tây và tập trung các nguồn lực quân sự cần thiết để tiếp tục chiến dịch quân sự ở Ukraine, bất chấp việc tất cả các quốc gia phương Tây cung cấp vũ khí cho Kiev.

TASS lưu ý, những người tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO sẽ kỷ niệm 75 năm thành lập liên minh. Tuy nhiên, lễ kỷ niệm sẽ bị lu mờ bởi hai sự kiện.

Đầu tiên là màn tranh luận không thành công của Tổng thống Mỹ Joe Biden với cựu tổng thống và đối thủ chính trị chính thuộc đảng Cộng hòa Donald Trump. Ngay cả trong số những người ủng hộ trung thành nhất của ông Biden, điều này cũng làm dấy lên nghi ngờ về khả năng lãnh đạo Mỹ và NATO của Tổng thống Mỹ hiện tại. Như tờ Politico đưa tin, các đồng minh NATO nghi ngờ triển vọng tái đắc cử của ông Biden, vì vậy Tổng thống Mỹ sẽ phải thể hiện phẩm chất lãnh đạo và chứng minh năng lực của mình tại hội nghị thượng đỉnh của liên minh lần này.

Thứ hai là chuyến thăm gần đây của Thủ tướng Hungary Viktor Orban tới Nga, chuyến thăm mà EU và NATO coi là làm suy yếu nỗ lực chung của liên minh nhằm hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Trước đó ngày 31/5, phát biểu tại một cuộc họp báo ở Praha (CH Séc) sau cuộc họp không chính thức của những người đứng đầu cơ quan đối ngoại của các nước NATO, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết: tại hội nghị thượng đỉnh ở Washington D.C, họ "sẽ thực hiện các bước cụ thể để đưa Ukraine đến gần hơn với NATO và đảm bảo có cầu nối để trở thành thành viên". Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề châu Âu và Á-Âu, James O'Brien, sau đó lập luận rằng phương Tây coi con đường gia nhập NATO của Ukraine là "không thể đảo ngược".

Tuy nhiên, ngay trước thêm hội nghị thượng đỉnh, một đại diện cấp cao của chính quyền Mỹ đã không xác nhận rằng, tuyên bố cuối cùng sẽ bao gồm luận điểm về tính không thể đảo ngược của việc Kiev gia nhập liên minh. Quan chức này chỉ nhấn mạnh rằng thông cáo dự kiến sẽ chứa "những tín hiệu rất mạnh mẽ về sự ủng hộ của các đồng minh đối với Ukraine trên con đường hội nhập Đại Tây Dương, và cũng sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Ukraine tiến hành cải cách dân chủ, kinh tế và quốc phòng".

Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg trong cuộc họp báo ở Budapest, Hungary ngày 12/6/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg trong cuộc họp báo ở Budapest, Hungary ngày 12/6/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Trang bị vũ khí cho Ukraine

Cũng ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết liên minh không muốn có thỏa thuận "Minsk 3", nhưng có ý định đảm bảo rằng Ukraine "có được khả năng kiềm chế Nga". Do đó, theo ông Stoltenberg, để đạt được giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Ukraine tại bàn đàm phán, Kiev phải được cung cấp nhiều vũ khí hơn nữa.

Ông Stoltenberg xác nhận rằng tại hội nghị thượng đỉnh, NATO sẽ nhận vai trò tổ chức chuyển giao vũ khí cho Kiev từ nhóm liên lạc quốc phòng cho Ukraine do Mỹ đứng đầu để điều phối nguồn cung cấp vũ khí cho Ukraine. Đối với các đồng minh trong liên minh, những nguồn cung cấp này sẽ phải trở thành bắt buộc thay vì tự nguyện. Trên thực tế, NATO sẽ không điều phối việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine, nhưng sẽ quản lý quá trình này. Theo ông Stoltenberg, đối với những nhu cầu này, một cơ cấu chỉ huy gồm gần 700 sĩ quan đã được thành lập tại Wiesbaden, Đức.

Tổng thư ký NATO thừa nhận rằng dự thảo chương trình dài hạn nhiều năm mà ông đề xuất vào mùa xuân để tài trợ cho việc cung cấp vũ khí và đạn dược cho Kiev liên quan đến hội nghị thượng đỉnh đã không được chấp thuận. Ban đầu, ông ủng hộ việc tạo ra một quỹ 100 tỷ USD/năm, sau đó tham vọng đã được cắt giảm xuống còn 40 tỷ đô la Mỹ một năm.

Kết quả là, các nước liên minh cho đến nay đã đạt được thỏa thuận sơ bộ rằng vào năm 2025, họ sẽ phân bổ 40 tỷ USD cho những nhu cầu này. Ông Stoltenberg tuyên bố rằng những người tham gia hội nghị thượng đỉnh sẽ gọi con số này là mức tối thiểu cho nguồn cung cấp quân sự cho Kiev trong những năm tiếp theo, nhưng cách diễn đạt điều này trong thực tế sẽ chỉ rõ ràng sau khi công bố thông cáo cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh.

Những cam kết cung cấp mới cũng có thể được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh. Đặc biệt, ông Stoltenberg tuyên bố rằng sẽ cung cấp thêm đạn pháo và tên lửa cùng hệ thống phòng không mới, và sẽ đưa ra quyết định mở rộng đào tạo quân nhân Ukraine tại Ba Lan.

Toàn cảnh hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brussels, Bỉ ngày 14/6/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Toàn cảnh hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brussels, Bỉ ngày 14/6/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Quân sự hóa công nghiệp và phòng thủ tên lửa

Nhân dịp này, các nhà lãnh đạo NATO cũng sẽ thảo luận các biện pháp xây dựng năng lực quân sự của riêng họ tại châu Âu như một phần của cuộc đối đầu với Nga. Trong số các biện pháp ưu tiên, ông Stoltenberg chỉ rõ việc tăng cường hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa của NATO, bao gồm cả việc sử dụng khu vực phòng thủ tên lửa AEGIS Ashore tại Ba Lan. Đây là một trong hai hệ thống được Mỹ triển khai tại châu Âu kể từ khi rút khỏi Hiệp ước ABM vào năm 2002.

Các nhà lãnh đạo liên minh cũng dự kiến thảo luận về các kế hoạch quân sự nhằm tăng số lượng đơn vị được triển khai hoặc sẵn sàng triển khai gần biên giới Nga. Việc phát triển hậu cần quân sự sẽ được thảo luận, bao gồm hiện đại hóa và xây dựng đường bộ, đường sắt, đường hầm, cầu, cảng và sân bay để nhanh chóng triển khai quân tiếp viện đến sườn phía Đông của NATO. Đại diện của các nước trong khối sẽ thảo luận về các kế hoạch nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển tổ hợp công nghiệp quân sự và tăng sản lượng vũ khí cũng như đạn dược để cung cấp cho Ukraine và để bổ sung cho dự trữ của riêng họ, vốn đã cạn kiệt nghiêm trọng do viện trợ cho Kiev.

Mỹ thậm chí còn có ý định công bố các bước đi mới để tăng cường khả năng phòng không và quân sự của Ukraine, một quan chức chính quyền Mỹ cho biết. Trong hội nghị thượng đỉnh, Washington cũng có thể công bố thông tin mới về việc cung cấp máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ cho Ukraine.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo TASS)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/bao-nga-nhan-dinh-ve-hoi-nghi-thuong-dinh-nato-tai-my-20240709173036654.htm