Mở ra nhiều không gian phát triển mới
Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đang được TP Hà Nội khẩn trương triển khai để đồng bộ với lập Quy hoạch Thủ đô.
Đồ án được đánh giá là rất cấp thiết và có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển. Dự kiến tiến độ báo cáo Chính phủ để báo cáo Bộ Chính trị và Quốc hội vào cuối năm 2023.
Điều chỉnh 10 nội dung
Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt vào ngày 16/6/2023. Theo Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy (đơn vị tổ chức lập điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội) cho biết, Hà Nội đang triển khai song song thực hiện hai quy hoạch lớn là Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Trong bối cảnh đó, để triển khai tốt nhiệm vụ, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội (đơn vị tổ chức lập Quy hoạch Thủ đô) cũng như các sở, ngành, địa phương để có nghiên cứu đánh giá, rà soát, đưa ra những định hướng quan trọng cho phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới.
Theo ông Lưu Quang Huy, qua rà soát, đánh giá việc thực hiện Quy hoạch chung 1259, có đưa ra vấn đề cần nghiên cứu điều chỉnh 10 nội dung gồm: dự báo về phát triển kinh tế - xã hội; chỉ tiêu về dân số và mật độ cư trú; mô hình cấu trúc đô thị; hoàn chỉnh lại cấu trúc không gian các chức năng về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật; nghiên cứu quy hoạch xây dựng phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, các khu vực huyện dự kiến lên quận; xác định lại tỷ trọng cơ cấu đất phát triển đô thị và nông thôn; mô hình và lộ trình phát triển các đô thị vệ tinh; định hướng phát triển giao thông theo mô hình TOD; hoàn chỉnh hệ thống giao thông đô thị; cuối cùng là dự báo nguồn lực đầu tư.
Đặc biệt, nội dung “Định hướng phát triển không gian và hạ tầng đô thị Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065” gần đây nhất được báo cáo tại Kỳ họp thứ 12, HĐND TP Hà Nội khóa XVI.
“Quy hoạch chung Thủ đô là nội dung cụ thể hóa, chi tiết về tổ chức không gian cũng như hạ tầng đô thị trên định hướng của Quy hoạch Thủ đô.Chính vì vậy, trong quá trình triển khai thực hiện cũng phải bám sát rất kỹ những bất cập liên quan đến các địa phương, sở, ngành để có cập nhật kịp thời” – ông Lưu Quang Huy cho hay.
Thêm hai trục không gian, hai thành phố mới
Về định hướng phát triển không gian và hạ tầng đô thị toàn TP, trong đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 tầm nhìn 2065 có một số điểm mới so với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô năm 2011 (quy hoạch chung 1259). Cụ thể, quy hoạch cũ có ba trục không gian gồm sông Hồng, Hồ Tây - Ba Vì và Hồ Tây - Cổ Loa.
Điều chỉnh lần này bổ sung thêm hai trục là Nhật Tân - Nội Bài (đường Võ Nguyên Giáp lên Sân bay Nội Bài) và trục phía Nam nối trung tâm Hà Nội với các tỉnh phía Nam TP.
Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho hay, trục Nhật Tân – Nội Bài đã hình thành nhưng không gian hai bên đường chưa phát triển nhiều. Thời gian tới đây sẽ hình thành trục động lực lớn, có các đô thị thông minh, công trình lớn như Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia, tổ hợp công trình thương mại, tài chính cấp quốc tế, không gian xanh công viên, vui chơi giải trí... tạo hình ảnh Thủ đô hiện đại. Trục không gian phía Nam TP hình thành trong tương lai gắn với trục văn hóa Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính, kết nối di sản Thăng Long - Hoa Lư gắn với di tích Hương Sơn - Tam Chúc.
Quy hoạch chung 1259 xác định Hà Nội được hình thành bởi chùm đô thị gồm đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, ba thị trấn sinh thái và các thị trấn. Quy hoạch lần này cơ bản giữ nguyên mô hình nhưng điều chỉnh để hình thành hai TP trực thuộc Thủ đô ở phía Bắc và phía Tây. Trong đó, TP phía Bắc sông Hồng rộng 633km2, gồm ba huyện Đông Anh, Sóc Sơn và Mê Linh, dân số đến năm 2045 khoảng 3,25 triệu người. Trong quy hoạch 1259, Sóc Sơn là một trong 5 đô thị vệ tinh nhưng nay TP phía Bắc bao trùm đô thị vệ tinh này.
TP khai thác lợi thế Sân bay Nội Bài, các khu công nghiệp tạo dựng hình ảnh đô thị mới hiện đại gắn với dịch vụ cấp vùng. TP phía Tây rộng 251km2, bao trùm hai đô thị vệ tinh Hòa Lạc và Xuân Mai, phát triển mở rộng ra đến sông Tích và sông Bùi, dự kiến dân số đến năm 2045 khoảng 1,2 triệu người. TP này sẽ phát triển khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo theo hướng hiện đại, sinh thái. Còn lại hai đô thị vệ tinh Sơn Tây, Phú Xuyên và các thị trấn sinh thái, thị trấn vẫn thực hiện theo cấu trúc trước đây. Phần nông thôn và đô thị được cơ cấu lại tỷ lệ là 40 – 60, thay vì 30 – 70 theo Quy hoạch chung 1259.
Đồng thời với việc nghiên cứu định hướng không gian, cũng sẽ phân bổ lại dân số theo từng khu vực để bảo đảm phát huy hiệu quả quỹ đất. Trước đây việc phân bổ dân số không được đồng đều, chỗ thì rất cao nhưng chỗ lại rất thấp nên hiệu quả sử dụng đất không cao. “Như tại khu vực huyện Đan Phượng, Hoài Đức đất thì rộng nhưng tỷ lệ đất phát triển xây dựng và dân số rất ít dẫn đến việc khai thác quỹ đất chưa hiệu quả” – ông Lưu Quang Huy nêu ví dụ.
Lưu ý trong việc nghiên cứu phát triển không gian, tại Hội nghị triển khai lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được tổ chức mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng, theo định hướng quy hoạch điều chỉnh đang nghiên cứu, Hà Nội sẽ có mô hình đô thị vệ tinh, TP trong Thủ đô và các huyện trở thành quận. "Nhất là quá trình đưa các huyện lên quận, nghe thì tưởng rằng đơn giản nhưng chính vì câu chuyện này mà dường như chúng ta đang cố tình nén dân số vào khu vực một số huyện, cưỡng bức dồn mật độ dân cư để nhằm đạt được tiêu chí thành quận, làm như vậy chắc chắn sẽ không còn đô thị xanh.
Do đó, khi nghiên cứu để lập đồ án điều chỉnh, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và đơn vị tư vấn cần nêu rõ quan điểm, các khu vực huyện lên quận và hai TP mới sẽ để phát triển theo đúng quy luật, từ thị trấn lên thị xã rồi khi nào đủ điều kiện thì sẽ thành quận, TP trong TP chứ tuyệt đối không được phát triển cưỡng bức” – Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đã tập trung thực hiện các thủ tục để lập hồ sơ yêu cầu lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch. Dự kiến trong tháng 7 này, sẽ phát hành hồ sơ đấu thầu trên mạng đấu thầu quốc gia. Sau khi lựa chọn được đơn vị tư vấn lập quy hoạch, sẽ triển khai quy trình theo Luật Quy hoạch đô thị, báo cáo các cấp gồm TP, các bộ, ngành T.Ư (từ tháng 8 đến cuối năm 2023) để sang năm 2024 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Chương trình hành động của Thủ tướng Chính phủ thực hiện Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị.Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/mo-ra-nhieu-khong-gian-phat-trien-moi.html