Mở rộng cả Blacklist và Whitelist để lành mạnh thị trường quảng cáo trực tuyến
Kêu gọi sự chủ động của các bên nhằm lành mạnh hóa thị trường quảng cáo trực tuyến, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, nên mở rộng cả Whitelist - Nội dung khuyến nghị quảng cáo và Blacklist - Nội dung vi phạm yêu cầu không quảng cáo.
Số kênh nội dung phản động, xấu độc bị chặn đã tăng gấp 5 lần
Chiều ngày 26/3, tại Hà Nội, Bộ TT&TT tổ chức hội nghị triển khai các giải pháp quản lý quảng cáo trên mạng chủ đề “Tuân thủ - An toàn – Trách nhiệm”, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm.
Được tổ chức với mục đích đánh giá thực trạng hoạt động quảng cáo trên mạng tại Việt Nam và bàn giải pháp cần tập trung triển khai thời gian tới, hội nghị có sự tham gia của đại diện các nhãn hàng, thương hiệu, doanh nghiệp quảng cáo trong và ngoài nước cùng đại diện một số bộ, ngành, hiệp hội liên quan.
Nhấn mạnh mục tiêu chung, đảm bảo nội dung trên mạng là lành mạnh, thay đổi để hoạt động quảng cáo trực tuyến tốt hơn, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm mong muốn các doanh nghiệp, đơn vị làm quảng cáo là những ‘người trong cuộc’ đóng góp các ý tưởng, đề xuất những phương pháp, cách làm phù hợp, hiệu quả, thể hiện trách nhiệm với ngành quảng cáo và xã hội.
Thông tin về kết quả trong hơn một năm triển khai các giải pháp chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên không gian mạng, đặc biệt là bộ giải pháp Whitelist – Nội dung được xác thực khuyến nghị quảng cáo và Blacklist – Nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật yêu cầu không quảng cáo, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) cho biết: “Giải pháp Blacklist đã có hiệu quả, nhưng Whitelist thì chưa!”.
Cụ thể, tất cả các doanh nghiệp quảng cáo lớn đều đã chú trọng sử dụng Blacklist, tự chủ động xây dựng và Blacklist do Bộ TT&TT khuyến cáo. Các doanh nghiệp, đại lý quảng cáo và các nhãn hàng đã đồng hành ủng hộ Bộ trong việc không hợp tác quảng cáo với những KOL, người nổi tiếng có hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, các đơn vị làm quảng cáo cũng đã hợp tác với Bộ TT&TT, trực tiếp là Cục PTTH&TTĐT để đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới, yêu cầu các nền tảng này muốn hoạt động tại Việt Nam thì phải đảm bảo an toàn cho thương hiệu, cho các nhà quảng cáo; Phải tăng cường các bộ lọc, biện pháp kỹ thuật để doanh nghiệp yên tâm khi quảng cáo trên nền tảng.
“Nhờ sự đấu tranh quyết liệt của các doanh nghiệp quảng cáo, thời gian qua, các nền tảng xuyên biên giới đã có sự thay đổi. Họ gặp gỡ, trao đổi với cơ quan quản lý nhiều hơn, triển khai các thuật toán mới để quét, chặn gỡ được nhiều kênh xấu độc. Trong năm 2023, YouTube đã chặn gỡ 25 kênh nội dung phản động, xấu độc, gấp 5 lần so với năm 2022”, ông Lê Quang Tự Do cho biết.
Cũng trong năm ngoái, Cục PTTH&TTĐT đã xử phạt 10 doanh nghiệp và nhắc nhở 15 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo có hành vi sai phạm. Điểm mới so với các năm trước là thông tin về kết quả xử lý vi phạm với các doanh nghiệp quảng cáo đã được công bố công khai, truyền thông rộng rãi trên báo chí. Thời gian tới, Cục PTTH&TTĐT sẽ tiếp tục kiểm tra, xử lý vi phạm của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo.
Mở rộng Whitelist để 'quảng cáo tìm đến những nội dung sạch'
Trao đổi tại hội nghị, đại diện Cục PTTH&TTĐT cũng cho biết, trong năm 2023, Whitelist khuyến nghị cho hoạt động quảng cáo đã được xây dựng và công bố, đến nay đã có khoảng 4.000 trang, kênh của cả báo chí, mạng xã hội và các trang tin điện tử tổng hợp.
Tại hội nghị gặp gỡ cộng đồng các nhà sáng tạo nội dung trên mạng hồi tháng 5/2023, Bộ đã truyền đi thông điệp “Làm nội dung sạch sẽ nhận được quảng cáo, và quảng cáo sẽ tìm đến những nội dung sạch”. Tuy nhiên, đến nay thông điệp này chưa đi vào thực tế, Whitelist cũng chưa phát huy hiệu quả như kỳ vọng, đa số doanh nghiệp không sử dụng danh sách này dù Bộ TT&TT đã nhiều lần khuyến nghị.
Từ thực tế trên, Cục PTTH&TTĐT đề xuất giải pháp xây dựng và triển khai Whitelist mở rộng nhằm gia tăng số lượng các trang tin, kênh đăng ký, từ đó mở rộng độ phủ tiếp cận quảng cáo, đồng thời tạo điều kiện cho cơ quan chức năng dễ dàng quản lý.
“Whitelist mở rộng là danh sách “động”, được cập nhật và quét liên tục để loại bỏ những kênh vi phạm. Việc thông tin chủ kênh được đăng ký đầy đủ giúp cơ quan chức năng quản lý tốt hơn so với những kênh trôi nổi khác”, đại diện Cục PTTH&TTĐT thông tin thêm.
Các công ty, doanh nghiệp quảng cáo và nhãn hàng tham gia hội nghị đều bày tỏ sự nhất trí cao với giải pháp Whitelist mở rộng và mong muốn giải pháp này sớm được triển khai.
Đại diện Công ty TNHH Truyền thông WPP, đơn vị được ví như “ông trùm” ngành quảng cáo, chia sẻ: Việc tiếp thị cần tập trung vào người dùng, với thái độ đúng đắn để tạo ra một không gian mạng xã hội an toàn trên các khía cạnh tuân thủ pháp luật, bảo vệ người dùng và đảm bảo nội dung quảng cáo sạch. Vì thế, WPP cam kết sẽ tích cực phối hợp để xây dựng Whitelist mở rộng.
Đại diện VCCorp, FPT Online nhận định Whitelist mở rộng có tính khả thi cao khi công nghệ hiện tại đã có thể rà quét liên tục nội dung video và âm thanh, nhưng cần có giải pháp đảm bảo về quy mô. Đại diện Vinamilk đánh giá mở rộng Whitelist là giải pháp phù hợp, đảm bảo an toàn thương hiệu và cho biết thời gian tới công ty sẽ cụ thể hóa những yêu cầu về Blacklist, Whitelist trong các hợp đồng dịch vụ tiếp thị.
Theo Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Nguyễn Ngọc Hồi, cần đảm bảo đẩy mạnh công bằng giữa những nền tảng trong nước và nước ngoài, giữa những nhà sáng tạo nội dung tốt và những người lợi dụng trend bẩn để thu hút quảng cáo. “Ngoài việc tăng cường xử phạt, Sở TT&TT TP.HCM cũng truyền thông nhãn hàng vi phạm và đẩy mạnh tuyên truyền lợi ích khi doanh nghiệp áp dụng danh sách Whitelist, từ đó giúp mở rộng danh sách này”, ông Nguyễn Ngọc Hồi cho hay.
Gợi mở phương án các đơn vị, doanh nghiệp cùng chung tay để xây dựng một bộ quy tắc ứng xử chung cho ngành quảng cáo trực tuyến, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cũng cho rằng nên mở rộng không chỉ Whitelist mà cả Blacklist. “Chúng ta hướng đến cùng thay đổi thực trạng hiện nay, để tương lai thị trưởng nội dung, quảng cáo trực tuyến là câu chuyện win - win, với người hưởng lợi cuối cùng là xã hội, là khách hàng, người dùng. Cùng với đó, các giá trị văn hóa cũng phải được bảo vệ, lan tỏa trên không gian mạng”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Các Sở TT&TT thời gian tới cần cùng Bộ TT&TT và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo để mở rộng Blacklist và Whitelist. Trong đó, Blacklist cần mở rộng theo hướng bao gồm cả những nội dung chia sẻ trên mạng dù không thuộc phạm vi cấm nhưng không phù hợp với giá trị, đạo đức, không đúng chuẩn mực.
Yêu cầu Cục PTTH&TTĐT coi việc mở rộng Whitelist là nhiệm vụ quan trọng, Thứ trưởng chỉ đạo cơ quan này mở rộng nhanh song cũng phải thông tin rõ Whitelist là danh sách khuyến cáo, là danh sách mà các cơ quan quản lý nhà nước phối hợp với các đơn vị, hiệp hội đưa ra tại một thời điểm nhất định. Vì thế, không có nghĩa là “vào danh sách này là có thể muốn làm gì thì làm”.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cũng kêu gọi các các công ty trong nước đang làm quảng cáo cho nước ngoài sử dụng công nghệ để xác thực kênh Whitelist nhanh, phải nhận biết kênh Whitelist bằng công nghệ để đẩy quảng cáo vào nhanh và giá tốt nhất. “Đây là cơ hội để các doanh nghiệp giúp khách hàng tối ưu hóa chi phí, quản trị rủi ro”, Thứ trưởng nhận định.