Mở rộng cánh cửa hợp tác Việt Nam-Pháp
Năm 2024 đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử mối quan hệ hợp tác tốt đẹp Việt Nam-Pháp, với việc hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, khẳng định sự tin cậy lẫn nhau và mở ra những cơ hội kết nối mới về kinh tế, quốc phòng, văn hóa, giáo dục…

Tọa đàm xúc tiến đầu tư Việt Nam-Pháp diễn ra tại Paris. Ảnh TTXVN.
Những thành tựu này là hành trang quan trọng để hai nước tiếp tục vững bước trên con đường phát triển trong thế giới nhiều biến động như hiện nay.
Dù nằm ở hai châu lục, Việt Nam và Pháp đã trải qua một chặng đường dài gắn kết, vượt qua mọi biến cố, thăng trầm của lịch sử.
Pháp là nước đóng vai trò quan trọng trong quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Tháng 4/1973, Việt Nam và Pháp chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra một chương mới của quan hệ song phương.
Với việc hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2024, Pháp đã trở thành quốc gia đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) có quan hệ ở cấp đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam.
Theo TTXVN, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng từng nhấn mạnh, lịch sử đã tạo nên mối quan hệ gắn bó giữa hai nước Việt Nam và Pháp, với sự gắn kết đặc biệt về chính trị, văn hóa, kiến trúc, ẩm thực, ngôn ngữ và giao lưu nhân dân.
Đại sứ khẳng định, quan hệ Việt Nam-Pháp đã phát triển về chiều sâu trên mọi lĩnh vực và kết quả của sự hợp tác này mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Kinh tế là một trụ cột quan trọng trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện song phương.
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet cho biết, Việt Nam là một trong những đối tác ưu tiên quan trọng của Pháp tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Trong khi đó, Pháp là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại EU. Năm 2024, kim ngạch thương mại song phương đạt 5,42 tỷ USD, tăng 12,9% so với mức năm 2023.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, tiềm năng thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư giữa Việt Nam và Pháp còn rất rộng mở.
Tại buổi tọa đàm xúc tiến đầu tư Việt Nam-Pháp, do Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và Diễn đàn Kinh tế Pháp ngữ (FFA) phối hợp tổ chức mới đây, nhiều doanh nghiệp cho rằng, trong bối cảnh thương mại thế giới có nhiều biến động, với nền kinh tế tiếp tục vững bước phát triển và nguồn nhân lực chất lượng, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến thu hút các doanh nghiệp Pháp tới đầu tư.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, các doanh nghiệp Pháp đang sẵn sàng tiếp cận thị trường Việt Nam để có thể khai thác hiệu quả những cơ hội hợp tác trong tất cả lĩnh vực mà Pháp có thế mạnh như năng lượng, phát triển bền vững, hạ tầng cơ sở, chất bán dẫn cũng như các lĩnh vực khác như nông nghiệp, giao thông vận tải, y tế.
Hợp tác giữa các địa phương Việt Nam-Pháp, được đặt nền móng từ năm 1989 với việc thành lập quan hệ đối tác giữa thành phố Hà Nội và Vùng Ile-de-France, đã trở thành nét đặc trưng và là một điểm sáng trong quan hệ hai nước.
Đến nay, 12 Hội nghị hợp tác giữa các địa phương đã được luân phiên tổ chức thành công tại Việt Nam và Pháp.
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng cho biết, hai bên đang xúc tiến công tác chuẩn bị cho Hội nghị hợp tác giữa các địa phương lần thứ 13, dự kiến tổ chức tại Pháp vào năm 2026. Trong đó, có các dự án hợp tác tập trung vào các lĩnh vực phù hợp với nhu cầu của địa phương Việt Nam và thế mạnh của Pháp như văn hóa, ngôn ngữ, du lịch, bảo tồn-bảo tàng di sản, đào tạo nghề, y tế, phát triển bền vững, môi trường, phát triển nông nghiệp và nông thôn…
Với nền tảng vững chắc và nỗ lực thúc đẩy mạnh mẽ từ cả hai phía, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Pháp hứa hẹn ngày càng phát triển sâu rộng, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Mối quan hệ bền chặt Việt Nam-Pháp chính là một trong những yếu tố quan trọng giúp cả hai nước xây dựng sức mạnh, vị thế của mình trong một thế giới nhiều biến động - nơi xu hướng hợp tác, liên kết để ứng phó thách thức chung trở nên tất yếu.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/mo-rong-canh-cua-hop-tac-viet-nam-phap-post882024.html