Mở rộng chế độ thai sản cho phụ nữ ở Việt Nam: Không chỉ phụ nữ hưởng lợi
Chế độ thai sản ở Việt Nam nằm trong số những hệ thống ưu việt trong khu vực về thời gian nghỉ và tỷ lệ thụ hưởng. Tuy nhiên, vẫn có điểm hạn chế là diện bao phủ thấp. Chỉ có người tham gia BHXH bắt buộc mới được hưởng chế độ thai sản, với tỷ lệ thụ hưởng chỉ chiếm khoảng 30% lực lượng lao động.
Gia đình, phụ nữ chịu áp lực nếu phụ nữ không có chế độ thai sản
Chính vì thế đã và đang tồn tại hai thực tế hoàn toàn khác biệt giữa phụ nữ được hưởng chế độ thai sản khi sinh con và phụ nữ không được hưởng chế độ thai sản khi sinh con.
Theo khảo sát của Hội LHPN Việt Nam, khi phụ nữ không được hưởng chế độ thai sản thì để có được khoản tiền lo cho việc sinh nở sau này nhiều trường hợp vẫn tham gia lao động nặng nhọc khi mang thai, dẫn đến thai yếu, thai chết lưu, sảy thai...
Không chỉ thế, họ thường xuyên cắt giảm chi tiêu trong thời kỳ mang thai và sinh nở, hoặc ứng phó với việc không có thu nhập khi nghỉ sinh con bằng việc rút BHXH một lần gây ảnh hưởng đến an sinh xã hội tuổi già của họ sau này...
Nếu được hưởng chế độ thai sản phụ nữ phụ nữ sẽ quay trở lại làm việc muộn hơn, thường thì sau 4 hoặc 6 tháng nghỉ sinh, chăm sóc con. Nếu không được hưởng, họ sẽ làm việc sớm hơn, hầu hết sau khoảng 2 tháng thì quay trở lại làm việc 100% như trước khi nghỉ. Điều này gây ảnh hưởng đến cả sức khỏe mẹ và con và tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em.
Ở góc độ gia đình, với những phụ nữ không được hưởng chế độ thai sản thì người chồng lao động bị dồn gánh nặng kinh tế, nhiều nam giới phải đi làm thêm, tăng ca để có tiền nuôi vợ con, không có thời gian chăm sóc, chơi cùng con.
Cũng theo Hội LHPN Việt Nam, ước tính số phụ nữ không hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con hoặc nhận con nuôi năm 2021 trên cả nước là 935.700 người/1.551.133 người phụ nữ sinh con; phụ nữ không được hưởng chế độ bù đắp thu nhập khi sinh con chiếm tỷ lệ 60,3%; 21 tỉnh, thành phố có trên 80% phụ nữ sinh con, nhận con nuôi không được hưởng chế độ trợ cấp thai sản.
Chính sách nhân văn, đảm bảo quyền lao động chính đáng của lao động nữ
Những thông tin trên được đưa ra tại hội thảo “Mở rộng diện bao phủ chế độ thai sản tại Việt Nam” do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phối hợp tổ chức ngày 18/10.
Ghi nhận những chính sách ưu việt của Việt Nam về thời gian nghỉ thai sản và chế độ thai sản đối với lao động được đóng bảo hiểm xã hội, bà Caroline Nyamayemobe, Quyền Trưởng Văn phòng UN Women tại Việt Nam lưu ý cần nghiên cứu chính sách phù hợp đối với phụ nữ không thuộc phạm vi điều chỉnh của BHXH bắt buộc, bao gồm cả lao động phi chính thức, không được tiếp cận với chế độ thai sản. Bởi nếu không có thu nhập thay thế thông qua trợ cấp tiền thai sản, việc phụ nữ phải nghỉ làm và chi tiêu gia tăng do mang thai, sinh con và chăm sóc trẻ em sẽ gây khó khăn về tài chính cho hầu hết các gia đình.
Chia sẻ về tiêu chuẩn an sinh xã hội quốc tế về bảo vệ thai sản, ông Andre Gama, Giám đốc Chương trình an sinh xã hội của ILO lưu ý quyền được hưởng trợ cấp thai sản đối với phụ nữ, hướng tới mục tiêu là bảo vệ sức khỏe và sự an toàn cho bà mẹ và trẻ em, bảo vệ phụ nữ trước tình trạng dễ tổn thương về mặt kinh tế gây ra bởi những rủi ro mất thu nhập và sức khỏe từ việc mang thai và sinh con.
Trong đó, bảo vệ thai sản gồm bảo trợ việc làm, không phân biệt đối xử khi phụ nữ nghỉ thai sản; có trợ cấp tiền mặt và y tế cho người mẹ trong thời gian cho con bú; đồng thời, bảo vệ sức khỏe tại nơi làm việc cho phụ nữ khi trở lại làm việc sau thời kỳ nghỉ thai sản…
Có thể nói nếu chế độ thai sản cho phụ nữ ở Việt Nam được mở rộng thì không chỉ phụ nữ hưởng lợi. Anh Lê V. C. nghề nghiệp tự do, sinh sống ở tỉnh Thanh Hóa khi trả lời khảo sát của Hội LHPN Việt Nam đã cho biết: “Vợ tôi sinh cháu đứa thứ 2 khi đang làm công ty nên được hưởng chế độ thai sản. So với lần sinh đầu tiên khi vợ tôi không tham gia BHXH thì lần này kinh tế gia đình vững vàng hơn hẳn. Vợ tôi rất vui vì nghỉ vẫn có thu nhập”.
Vấn đề mở rộng diện bao phủ chế độ thai sản tại Việt Nam trước đó cũng đã được đề cập tại hội nghị do Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức để phản biện xã hội về Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) dưới góc độ bình đẳng giới.
Hiện nay, theo Luật BHXH hiện hành, người lao động tham gia BHXH tự nguyện không được hưởng chế độ thai sản. Từ thực tế này, trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), chế độ thai sản được thiết kế theo hướng “mở rộng các chế độ BHXH tự nguyện, tạo điều kiện chuyển đổi thuận lợi giữa BHXH tự nguyện và BHXH bắt buộc...”.
Theo bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, dự thảo đã quy định một mức trợ cấp thai sản là 2 triệu đồng cho một con mới sinh đối với lao động nữ khi sinh con và lao động nam có vợ sinh con. Khoản trợ cấp thai sản này sẽ do ngân sách nhà nước đảm bảo. Đây là một chính sách vô cùng nhân văn, đảm bảo quyền lao động chính đáng của lao động nữ và thu hẹp dần khoảng cách giữa BHXH bắt buộc và tự nguyện trong thụ hưởng bảo hiểm xã hội của lao động nữ.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, mức hỗ trợ 2 triệu/trẻ là chưa đủ hấp dẫn để thu hút lao động nữ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Theo khuyến nghị của Tổ chức quốc tế, mức trợ cấp một lần nên đạt ít nhất 3,6 triệu/trẻ và lý tưởng là 7 triệu/trẻ tương đương mức Trung Quốc và Philippines đang áp dụng...
Việt Nam là quốc gia có tốc độ già hóa dân số đang diễn ra rất nhanh. Phụ nữ chiếm đa số với 60% dân số ở nhóm người cao tuổi (từ 65 tuổi). Tỷ lệ đóng BHXH ở phụ nữ vào khoảng 31,3% năm 2019 và đang có xu hướng ngừng tham gia BHXH nhanh hơn nam giới. Năm 2021, Việt Nam có 14,8 triệu lao động nữ làm việc phi chính thức, chiếm 65% tổng số lao động nữ. Điều này cũng có nghĩa họ không được tiếp cận với BHXH cũng như bảo hiểm thai sản.
Theo thông tin từ Bộ LĐTBXH, trong lần sửa đổi này, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện. Dự thảo quy định người lao động khi tham gia BHXH tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và nam) khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện thì được hưởng chế độ trợ cấp thai sản do ngân sách Nhà nước đảm bảo. Việc bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện không những làm tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện, thu hút người dân (đặc biệt là nhóm lao động trẻ tuổi) tham gia BHXH tự nguyện, mà còn đảm bảm vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng pháp luật về BHXH.