Mở rộng chỉ dẫn địa lý sâm củ Ngọc Linh

Ngày 16-8, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum tổ chức họp báo công bố Quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) về sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với sâm củ Ngọc Linh.

Cây sâm Ngọc Linh trồng tại độ cao 1.700m trên núi Ngọc Linh thuộc xã Măng Ri, tỉnh Kon Tum.

Cây sâm Ngọc Linh trồng tại độ cao 1.700m trên núi Ngọc Linh thuộc xã Măng Ri, tỉnh Kon Tum.

Theo đó, tỉnh Kon Tum có thêm bảy xã, tỉnh Quảng Nam có thêm sáu xã được công nhận có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, quy trình sản xuất, giống sâm... tương đồng với Giấy chứng nhận trước đó.

Hiện nay, tỉnh Kon Tum có chín xã, gồm: Mường Hoong, Ngọc Linh, xã Xốp (huyện Đác Glây; Đác Na, Ngọc Yêu, Ngọc Lây, Văn Xuôi, Tê Xăng, Măng Ri, thuộc huyện Tu Mơ Rông. Tỉnh Quảng Nam có bảy xã, gồm: Trà Nam, Trà Linh, Trà Cang, Trà Dơn, Trà Don, Trà Leng và Trà Tập, thuộc huyện Nam Trà My.

Cây sâm Ngọc Linh được Đoàn điều tra dược liệu của Ban dân y Khu V phát hiện năm 1973 tại núi Ngọc Linh, thuộc hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Đây là loài đặc hữu của hệ thực vật Việt Nam, thuộc chi Panax L, họ nhân sâm (Araliaceae) và đặt tên khoa học là Panax vietnamensis Ha et Grushv (theo Trung tâm Sâm Việt Nam - 1993), thuộc 250 loài quý hiếm trong Sách đỏ Việt Nam.

Đến nay, cây sâm Ngọc Linh đã được hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam trồng tại vùng núi Ngọc Linh ở độ cao từ 1.800 - 2.500m. Riêng tại tỉnh Kon Tum đã trồng được hơn 300ha.

ĐINH SỸ TẠO

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/khoahoc/item/37328602-mo-rong-chi-dan-dia-ly-sam-cu-ngoc-linh.html