Mở rộng chỉ tiêu, ngành nghề đào tạo cho quân nhân

Bộ Quốc phòng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Dương do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 655/BDN ngày 2-8-2024, với nội dung: 'Tại điểm b khoản 1 Điều 6 Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng có quy định về quyền được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, quân sự, pháp luật và chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ phù hợp với vị trí, chức danh đảm nhiệm.

Tuy nhiên, hiện nay hệ thống các trường Quân đội chỉ chiêu sinh hoặc liên kết chiêu sinh đào tạo giới hạn ở một số ngành, nghề nhất định; chỉ tiêu chiêu sinh hằng năm còn ít, trong khi nhu cầu học tập, nâng cao trình độ của đội ngũ quân nhân chuyên nghiệp tại địa phương ngày càng nhiều, nhất là các ngành như công nghệ thông tin, hành chính quân sự, chuyển đổi số. Bên cạnh đó công tác tuyển chọn, tuyển dụng quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng từ nguồn hạ sĩ quan, binh sĩ và các công dân có trình độ cao gặp khó khăn do mặt bằng, chế độ chính sách còn khá thấp so với khu vực tư nhân. Cử tri kiến nghị Bộ Quốc phòng nghiên cứu, mở rộng chỉ tiêu chiêu sinh, ngành nghề đào tạo, tạo điều kiện để sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”.

Ngày 17-9-2024, Bộ Quốc phòng trả lời như sau:

Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 26-11-2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016; việc ban hành Luật đã bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành về quân sự, quốc phòng, cùng với các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để quản lý Nhà nước về quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; đảm bảo quyền lợi, chế độ, chính sách đối với đội ngũ quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; góp phần xây dựng đội ngũ quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại.

Thực hiện Luật, hằng năm, căn cứ vào biểu tổ chức, biên chế và thực lực của đội ngũ nhân viên chuyên môn kỹ thuật hiện có, dự báo tăng, giảm các năm tới; Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu phối hợp với các đơn vị, cơ quan chức năng rà soát, nghiên cứu, đề xuất, xây dựng kế hoạch đào tạo bảo đảm nguồn thay thế, bổ sung nhân viên chuyên môn kỹ thuật, trình Thủ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định giao chỉ tiêu đào tạo hằng năm cho các đơn vị và các cơ sở đào tạo sát với yêu cầu, nhiệm vụ. Việc liên kết đào tạo đối với những ngành Quân đội chưa đào tạo hoặc các ngành Quân đội có thế mạnh mà các bộ, ngành cần hiện nay được thực hiện theo hình thức gửi đào tạo hoặc đào tạo đối đẳng...

Tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ Quốc phòng tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với Bộ tư lệnh Quân khu 7 chỉ đạo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Dương rà soát nhu cầu, bố trí sử dụng nhân viên chuyên môn kỹ thuật; tính toán cụ thể đề xuất kế hoạch đào tạo, tuyển chọn hằng năm, báo cáo Bộ Quốc phòng bảo đảm quân số và chỉ tiêu đào tạo cho đơn vị.

Trên đây là nội dung trả lời của Bộ Quốc phòng đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Dương; trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương để trả lời cử tri.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/mo-rong-chi-tieu-nganh-nghe-dao-tao-cho-quan-nhan-795405