Mở rộng chuỗi liên kết trồng thanh long
Mới gần 2 năm thành lập, Hợp tác xã (HTX) Cây ăn trái thanh long Nam Hà, huyện Lâm Hà đã hình thành mô hình chuỗi liên kết sản xuất thanh long trên tổng diện tích 20 ha với kết quả bước đầu mang lại lợi nhuận ổn định cho 21 hộ thành viên của mình.
Nhà nông Trần Văn Diên (54 tuổi) đưa phóng viên tham quan diện tích 1,6 ha thanh long ruột đỏ, tọa lạc bên đường nhựa lớn thuộc thôn Nam Hà, xã Nam Hà trong một ngày đầu tháng 4/2021. Lúc này đã hơn 9 giờ sáng, ông Diên vừa thu hoạch xong sản lượng thanh long trong ngày khoảng hơn 100 kg đưa vào khu vực nhà kho phân loại, chuẩn bị giao cho thương lái đưa đi phân phối đến thị trường trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng. Bởi vậy, trên từng luống cây thanh long đang còn lại những hàng trái xanh chen lẫn những hàng trái đang chuyển màu đỏ tím, dự báo bội thu cho những chuỗi ngày tiếp theo. Chủ vườn Trần Văn Diên cho biết, khu vườn thanh long rộng 1,6 ha của hộ gia đình ông đang bước sang năm tuổi thứ 10. Trong đó, thời gian thu trái bói hơn 8 năm và thu chính vụ gần 7 năm. Tính ra từ năm tuổi thứ 3 trở đi, cứ mỗi năm thu hoạch từ 6-7 lứa, năng suất trung bình 40 tấn/ha/năm. Nhân thời điểm giá thị trường tháng 4/2021 với 20.000 đồng/kg thành tổng doanh thu 800 triệu đồng/ha/năm.
“Vụ mùa cao điểm từ tháng 7 đến tháng 9 hàng năm, mỗi tháng hộ gia đình chúng tôi thu hoạch rộ liên tục 10 ngày, mỗi ngày lên đến 400 - 500 kg thanh long ruột đỏ trên tổng diện tích 1,6 ha. Thu hoạch đầu giờ buổi sáng thì thường đến buổi chiều trong ngày, thương lái đến đóng thùng chở đi. Chừng 2 tuần sau, thương lái thanh toán đầy đủ khoản tiền tương ứng với sản lượng thu hoạch thanh long ruột đỏ cho gia đình chúng tôi…”, chủ vườn Trần Văn Diên cho hay.
Dừng lại ở cuối vườn thanh long của mình tiếp giáp khu vườn thanh long của các hộ gia đình khác, hợp thành một khu vực chuyên canh thanh long rộng lớn, nhà nông Trần Văn Diên kể rằng nơi đây từ 7-10 năm trước đều độc canh cây cà phê robusta, năng suất đạt cao nhất 4 tấn nhân/ha/năm. Tính ra với giá cà phê nhân hiện nay khoảng 35.000 đồng/kg thì mới đạt doanh thu 140 triệu đồng/ha/năm, chỉ bằng 17,5% so với doanh thu từ cây thanh long. Đây là kết quả của những năm cùng nhau vượt khó đối với nhà nông Trần Văn Diên đồng hành cùng những nhà nông khác mạnh dạn tìm kiếm cây giống thanh long từ miền đồng bằng đưa về miền núi khu vực xã Nam Hà, huyện Lâm Hà thay thế cây cà phê trồng từ những năm 90 của thế kỷ trước. Cụ thể, từ 10 năm trước, ông Diên quyết định bán 1,8 ha cà phê robusta ở xã Nam Hà xuống tỉnh Bình Thuận mua 1,1 ha thanh long để canh tác tiếp cận, đúc kết kinh nghiệm và quy trình kỹ thuật. Sau khi nắm bắt cơ bản các giải pháp chăm sóc cây thanh long đạt năng suất cao, ông Diên đưa những lô mầm cây giống đầu tiên về trồng trên diện tích 2.000 m2 cây cà phê chuyển đổi tại xã Nam Hà, huyện Lâm Hà. 2 năm tiếp theo, ông Diên chuyển đổi thêm 2.000 m2 cây cà phê để sang trồng cây thanh long. Và đợt chuyển đổi cuối cùng 1,2 ha cà phê để trồng loạt thanh long của hộ gia đình ông Diên tiến hành vào giữa năm 2014…
Được biết, ông Trần Văn Diên là 1 trong 4 thành viên tiên phong chuyển đổi diện tích cà phê robusta sang trồng thanh long. Đến tháng 6/2019, 4 thành viên vận động thêm 13 thành viên thành lập HTX Cây ăn trái thanh long Nam Hà với tổng diện tích 15 ha. Và đến thời điểm tháng 4/2021, HTX Cây ăn trái thanh long Nam Hà đã phát triển lên 21 hộ thành viên với tổng diện tích 20 ha thanh long ruột đỏ trong thời kỳ kinh doanh, năng suất trên dưới 40 tấn/ha, đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Ước tính sơ bộ lợi nhuận hàng năm trồng cây thanh long ruột đỏ của HTX từ 400-500 triệu đồng/ha.
Giám đốc HTX Cây ăn trái thanh long Nam Hà, ông Trần Văn Dũng cho biết, HTX phát triển theo chuỗi liên kết trao đổi, chuyển giao kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất và cùng tổ chức xây dựng đầu mối tiêu thụ sản phẩm ổn định hàng ngày. Bên cạnh đó, HTX sản xuất tập trung mầm giống cây thanh long cung ứng cùng với các loại vật tư, hệ thống thiết bị tưới nước, bón phân tự động cho hộ thành viên theo nhu cầu. “Mục tiêu từ nay đến cuối năm 2021, HTX chúng tôi phát triển thêm 20 hộ thành viên sản xuất theo chuỗi liên kết trên 10 ha thanh long ruột đỏ ở địa bàn các xã Nam Hà, Tân Văn, Phi Tô, Gia Lâm… thuộc huyện Lâm Hà”, Giám đốc Trần Văn Dũng thông tin thêm.
Đánh giá về HTX Cây ăn trái thanh long Nam Hà, ông Trương Quốc Khánh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lâm Hà cho rằng, đây là mô hình liên kết chuỗi được khuyến khích nhân rộng trên tổng diện tích khoảng 100 ha thanh long đang phát triển trên địa bàn.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202104/mo-rong-chuoi-lien-ket-trong-thanh-long-3051259/