Mở rộng cơ hội phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã
Kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) với tư cách là một thành phần kinh tế, luôn đóng vai trò quan trọng, đóng góp tích cực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy vậy, so với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu của nền kinh tế, khu vực này phát triển còn chậm, tỷ lệ đóng góp GDP chưa đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi cần phải có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt để tháo gỡ.
Kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) với tư cách là một thành phần kinh tế, luôn đóng vai trò quan trọng, đóng góp tích cực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy vậy, so với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu của nền kinh tế, khu vực này phát triển còn chậm, tỷ lệ đóng góp GDP chưa đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi cần phải có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt để tháo gỡ.
Bài 1: Đột phá hợp tác xã kiểu mới
KTTT, HTX đã và đang trở thành phương thức tổ chức hoạt động kinh tế, đời sống của xã hội văn minh, phù hợp xu thế. Các thành viên trong xã hội đều hưởng lợi, không ai bị bỏ lại phía sau. Trong đó, các mô hình HTX kiểu mới đã đạt được nhiều thành công bước đầu, được coi là một trong những giải pháp quan trọng hiện nay nhằm tạo tính lan tỏa, thu hút thêm thành viên, người lao động cùng tham gia, góp phần ổn định phát triển kinh tế - xã hội.
Nhân rộng mô hình HTX
Với địa thế ven biển, có hệ thống ao hồ, sông ngòi dày đặc, những năm gần đây, hoạt động nuôi trồng thủy sản tại tỉnh Nam Định đã có những bước phát triển mạnh mẽ, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Ông Lê Văn Bản (sống tại xóm 15, xã Xuân Hòa, huyện Xuân Trường) sau nhiều năm loay hoay tìm kế sinh nhai, năm 2006 được UBND xã Xuân Hòa tạo điều kiện cho đấu thầu gần 3 ha vùng đất bãi ven sông Sò để đào ao, đưa cá vược vào nuôi thả. Thế nhưng, do thiếu kinh nghiệm và thời tiết “không chiều lòng người”, gia đình ông đã nhiều lần gặp thất bại. Không nản chí, từ năm 2009, ông tiếp tục nuôi thả giống cá vược xen lẫn cá lăng, cá trắm đen, trắm cỏ, chép, tôm sú… và bước đầu đem lại thành công. Trung bình mỗi năm, gia đình ông thu 1,5 tỷ đồng, lãi từ 500 đến 700 triệu đồng. Ông nhận thức được những khó khăn đến từ yếu tố thời tiết, dịch bệnh, thị trường, con giống, thức ăn,… nếu tiếp tục sản xuất đơn lẻ, từng hộ sẽ khó có thể chống chọi và đem lại hiệu quả cao. Vì vậy, cuối năm 2014, ông Bản và một số hộ dân khác trong xã đã cùng nhau thành lập HTX sản xuất, kinh doanh và dịch vụ nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa để cùng nâng cao tính cộng đồng trong bảo vệ môi trường vùng nuôi, đồng thời chia sẻ “vui buồn” trong kinh doanh.
HTX do ông Lê Văn Bản làm đại diện theo pháp luật, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc, đến nay đã phát triển lên 25 thành viên với số lao động thường xuyên khoảng 35 người, vốn điều lệ gần 6,7 tỷ đồng. Từ khi mới thành lập, HTX có 15 ha diện tích nuôi trồng thủy sản của thành viên, đến thời điểm hiện tại có tổng diện tích nuôi trồng là 25 ha, tổng số ao nuôi là 70 ha và được quy hoạch thành vùng nuôi trồng thủy sản của UBND tỉnh Nam Định. Năm 2019, tổng doanh thu của HTX đạt 21,7 tỷ đồng, thu nhập bình quân 8,5 triệu đồng/thành viên/tháng và 7,5 triệu đồng/người lao động/tháng.
Đến nay có thể nói, mô hình HTX nuôi trồng thủy sản ở tỉnh Nam Định như HTX Xuân Hòa đã đem lại hiệu quả cao cho các hộ xã viên, tạo sự liên kết giữa các hộ gia đình trong toàn xã, tương trợ nhau trong ứng dụng công nghệ, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Qua hợp tác sản xuất, các hộ nuôi ở Xuân Hòa đã tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, bảo đảm về số lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Trong quá trình đó, HTX đã đứng ra giám sát về con giống, thức ăn, thuốc thú y và đối phó dịch bệnh, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các hộ thành viên… và quan trọng hơn là tạo thu nhập ổn định cho các thành viên trong HTX.
Liên kết, hợp tác cùng phát triển
Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, có thể nói liên kết, hợp tác trở thành một xu hướng phát triển tất yếu của HTX. Luật HTX năm 2012 được ban hành đã thể hiện tư duy mới về mô hình HTX kiểu mới với hạt nhân là “hợp tác”, góp phần hoàn thiện quan hệ sản xuất, phù hợp với cơ chế thị trường cũng như bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cạnh tranh thị trường ngày càng gay gắt. Thời gian qua, mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động, nhất là đại dịch Covid gây ảnh hưởng nặng nề toàn diện đến mọi mặt kinh tế - xã hội, nhưng nhìn chung khu vực HTX vẫn hoạt động khá ổn định. Số lượng HTX tăng dần theo từng năm, phát triển khá đồng đều trên khắp các vùng miền, chất lượng hoạt động được nâng lên.
Theo báo cáo từ Liên minh HTX Việt Nam, sáu tháng đầu năm 2020, cả nước thành lập mới được 752 HTX, 10 liên hiệp HTX, 3.000 tổ hợp tác (THT), đạt 30% kế hoạch; các vùng miền trên cả nước đều có HTX thành lập mới. Trong đó, vùng Tây Bắc 120 HTX, Đông Bắc 161 HTX, đồng bằng Sông Hồng 152 HTX, Bắc Trung Bộ 46 HTX, Tây Nguyên 65 HTX, Đông Nam Bộ 48 HTX, đồng bằng sông Cửu Long 109 HTX. KTTT, HTX phát triển đa dạng trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ... Tính chung đến tháng 6-2020, cả nước có 25.282 HTX, tăng 2.002 HTX so cùng kỳ năm 2019; thu hút 7,2 triệu thành viên và 2,5 triệu lao động. HTX, liên hiệp HTX nâng cao năng lực quản trị, thu hút lao động trẻ, nhân rộng mô hình HTX sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao; các THT, HTX, liên hiệp HTX cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra, mang lại lợi ích cho các thành viên (21,5% tổng số HTX cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra và tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, 13% tổng số HTX liên kết sản xuất, kinh doanh với doanh nghiệp). Nhiều HTX bị thiệt hại do đại dịch Covid-19 đã tự huy động nguồn lực để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến nay, KTTT, HTX đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, mang lại nhiều lợi ích cho thành viên; thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia. Theo tính toán sơ bộ, đóng góp trực tiếp của khu vực KTTT, HTX vào GDP cả nước trung bình đạt khoảng 4,8%; đem lại giá trị gia tăng cho kinh tế hộ thành viên, tác động thúc đẩy phát triển kinh tế cá thể, hộ gia đình, gián tiếp đóng góp hơn 30% GDP cả nước. Khu vực này cũng cung cấp dịch vụ sản xuất và đời sống cho thành viên, tích lũy khoảng 18.600 tỷ đồng lợi nhuận để tái đầu tư, mở rộng sản xuất. Đồng thời cũng là “hạt nhân” quan trọng thực hiện xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Nhiều HTX có tổ chức đảng và tổ chức chính trị - xã hội, góp phần ổn định đời sống cho người dân và địa phương.
Tuy vậy, theo đánh giá của Liên minh HTX Việt Nam, bên cạnh những đóng góp quan trọng, khu vực KTTT, HTX phát triển còn chậm so với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu của nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác; tỷ lệ đóng góp GDP chưa đáp ứng yêu cầu. Phần lớn HTX quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, năng lực tài chính và quản trị yếu, phát triển chưa đồng đều giữa các vùng, địa phương, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp, khả năng huy động nguồn lực và áp dụng công nghệ cao còn hạn chế. Bên cạnh đó, Liên hiệp HTX chưa làm tốt vai trò “đầu kéo” hỗ trợ HTX thành viên; THT hoạt động chưa ổn định. Sự liên kết hình thành chuỗi giá trị giữa HTX, THT với các loại hình kinh tế khác còn hạn chế... Do đó, việc nhìn nhận rõ bất cập, hạn chế cũng như dự báo đúng xu hướng phát triển, tìm ra được những giải pháp tháo gỡ kịp thời sẽ trở thành chìa khóa giúp mở rộng cánh cửa hội nhập, hỗ trợ khu vực KTTT, HTX song hành phát triển bền vững cùng các thành phần khác trong nền kinh tế.