Mở rộng con đường tìm lại chính mình cho những người lầm lỡ

Được thành lập và duy trì nhằm thực hiện một số chức năng, nhiệm vụ góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn ma túy, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, 30 năm qua, Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Hòa Bình luôn nỗ lực không ngừng để giúp những người làm lỡ tìm lại chính mình.

Được thành lập và duy trì nhằm thực hiện một số chức năng, nhiệm vụ góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn ma túy, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, 30 năm qua, Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Hòa Bình luôn nỗ lực không ngừng để giúp những người làm lỡ tìm lại chính mình.

Cán bộ, viên chức Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Hòa Bình biểu diễn văn nghệ chào mừng kỷ niệm 30 năm ngày thành lập cơ sở.

Cán bộ, viên chức Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Hòa Bình biểu diễn văn nghệ chào mừng kỷ niệm 30 năm ngày thành lập cơ sở.

Dự lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập, ông Bùi Văn Vang, Giám đốc Cơ sở giai đoạn 1994 – 2006, người đầu tiên được giao trọng trách điều hành hoạt động của trung tâm khi đó chia sẻ: Vào đầu những năm 1990, tình hình nghiện chất ma túy ở tỉnh Hòa Bình diễn biến hết sức phức tạp. Theo thống kê thời điểm đó tỉnh Hòa Bình có khoảng 3.000 đối tượng nghiện ma túy và hàng trăm gái mại dâm gây mất trật tự an toàn xã hội. Khi Nghị quyết số 05 và Nghị quyết số 06, ngày 29/01/1993 của Chính phủ về "Tăng cường kiểm soát ma túy và phòng, chống mại dâm” ra đời, tháng 9/1994 UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Quyết định số 472/QĐ-UB về việc thành lập Trung tâm phòng, chống tệ nạn xã hội Hòa Bình trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh. Trung tâm có chức năng, nhiệm vụ tổ chức tiếp nhận cai nghiện, chữa trị, giáo dục, dạy nghề, phục hồi sức khỏe, hành vi, nhân cách cho người nghiện ma túy, người hoạt động mại dâm được đưa vào trung tâm (theo quy trình quy định của pháp luật). Trung tâm vừa ra đời đã tiếp nhận trên 200 học viên. Những ngày đầu thành lập, cơ sở gặp muôn vàn khó khăn, gian khổ; cơ sở vật chất nghèo nàn với mái nhà dột, tường vôi tự trát và không có công trình vệ sinh cho khu học viên. Kinh phí hoạt động hết sức eo hẹp nên học viên phải ăn theo chế độ phạm nhân, cán bộ, nhân viên thì không có chế độ đặc thù, không có bảo hộ…

Ông Vang nhấn mạnh: Đó là thực trạng chung. Bởi ở thời điểm đó cả nước mới có 5 - 7 cơ sở cai nghiện ma túy, tất cả đều mới và chưa có kinh nghiệm. Chưa có phác đồ điều trị cắt cơn, phục hồi, cán bộ trung tâm vừa làm vừa nghiên cứu để thực hiện tốt nhiệm vụ. Với sự hỗ trợ của 4 - 6 chiến sỹ công an, cán bộ trung tâm thường xuyên phải trong tình trạng "đánh vật” để hỗ trợ học viên cắt cơn nghiện ma túy và không ít đêm phải dầm trong mưa giông, giá rét để truy tìm học viên trốn trại… Nhưng vượt lên những khó khăn đó, cán bộ, viên chức người lao động trung tâm đã thực hiện tốt nhiệm vụ được cấp ủy, chính quyền địa phương, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, Bộ Công an ghi nhận. Bởi thế, ngoài việc quản lý, điều trị đối tượng nghiện ma túy trong tỉnh, có thời điểm trung tâm còn được giao nhiệm vụ điều trị cai nghiện theo hình thức tự nguyện cho hàng trăm người nghiện ma túy ở các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Thái Bình… và một số tỉnh bạn. Với những kết quả thiết thực đó, năm 2005, trung tâm (nay là Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Hòa Bình) đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng ba và 2 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vào các năm 2001, 2003 cùng nhiều danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng khác. Trong lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập, cơ sở đã được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về những đóng góp trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

Sau 30 năm, cơ sở vật chất đã được đầu tư xây dựng khang trang, đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động được đào tạo cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của cơ sở. Đồng chí Bùi Đức Minh, Giám đốc cơ sở cho biết: Với đội ngũ 66 cán bộ, viên chức, người lao động, hằng năm, cơ sở tiếp nhận, điều trị cai nghiện bắt buộc và tự nguyện cho khoảng 300 người nghiện. Cơ sở đang quản lý, chữa bệnh, cai nghiện cho 243 học viên diện cai nghiện bắt buộc, trong đó 22 học viên bị nhiễm HIV/AIDS và 17 học viên đang điều trị ARV. Từ khi Trung tâm được đổi tên thành cơ sở, phương châm hoạt động cai nghiện đã chuyển mạnh từ quản lý cưỡng chế sang phương thức phục vụ. Theo đó, tăng cường hàm lượng y tế trong hoạt động điều trị. Để điều trị cắt cơn, giải độc, chăm sóc sức khỏe cho học viên, Phòng Y tế và Điều trị Methadone, thực hiện liệu pháp tâm lý, vật lý trị liệu, truyền thông giáo dục sức khỏe cho học viên mới vào cắt cơn nghiện ma túy an toàn. Bên cạnh đó, học viên có cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế để điều trị các bệnh phát sinh, các bệnh nhiễm trùng cơ hội và bệnh thông thường khác. Quá trình điều trị, hầu hết các học viên hồi phục sức khỏe tốt, tham gia đầy đủ các hoạt động trong quy trình cai nghiện. Công tác điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cho 45 người nghiện trên địa bàn TP Hòa Bình được quan tâm thực hiện chặt chẽ, chu đáo, tận tình. Để mở rộng con đường cho các học viên tái hòa nhập cộng đồng hằng năm, cơ sở tổ chức cho 60% học viên tham gia lao động trị liệu với các hoạt động như đan giỏ, may túi xách siêu thị, sản xuất chổi chít, chăm sóc vườn hoa cây cảnh… 100% học viên được tư vấn tâm lý trước khi về địa phương và được tham gia các hoạt động sinh hoạt tập thể.

Dẫu còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vất chất, trang thiết bị và cả cán bộ, viên chức phục vụ cho công tác quản lý, chữa bệnh, giáo dục, dạy nghề và chăm lo, đảm bảo đời sống, sinh hoạt cho học viên, nhưng với tinh thần quyết tâm cao, cán bộ, nhân viên cơ sở tiếp tục nỗ lực để làm tròn sứ mệnh. Qua đó, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn ma túy, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh; giúp những học viên một thời lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng hiệu quả.

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/193936/mo-rong-c111n-duong-tim-lai-chinh-minh-cho-nhung-nguoi-lam-lo.htm