'Mơ rồng' của Việt Nam gây ấn tượng tại Đại hội Sân khấu thế giới
Tiết mục 'Mơ rồng' của Việt Nam với thông điệp về hòa bình và mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, đã tạo ấn tượng sâu sắc tại Đại hội Sân khấu thế giới lần thứ 36.
Diễn ra từ ngày 20 đến 25/2, Đại hội Sân khấu thế giới lần thứ 36 tại thành phố Fujairah của Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) đã thành công tốt đẹp.
Đại hội lần này có chủ đề "Hội ngộ nghệ thuật biểu diễn thế giới cùng nhân loại". Đại hội do Hiệp hội Sân khấu thế giới (ITI) tổ chức dưới sự bảo trợ của UNESCO và sự hỗ trợ của chính quyền thành phố Fujairah.
Tại Đại hội lần này, đoàn Việt Nam mang đến tiết mục "Mơ rồng" do đạo diễn Lê Quý Dương dàn dựng, các nghệ sĩ của Nhà hát múa rối Việt Nam tham gia biểu diễn.
"Mơ rồng" là tiết mục duy nhất đại diện cho sân khấu khu vực châu Á - Thái Bình Dương biểu diễn trong đêm khai mạc cùng tiết mục của đại diện sân khấu đến từ châu Âu, châu Phi, Mỹ Latin, châu Đại Dương và khu vực Trung Đông.
Các tiết mục biểu diễn trong Lễ khai mạc: "Họ là nghệ sĩ Malada" (Nhóm sân khấu Fujairah Malada của UAE); "Jade Rojo Pakal" (Nhóm Teatro Studio T của Mexico); "Hành trình cuộc sống" (Nhóm Những chú lừa hoang dã của Pháp); "Mơ Rồng" (Trung tâm ITI Việt Nam); "Phục hưng" (Trung tâm ITI Burkina Faso).
Các tiết mục biểu diễn tại Đại hội cho thấy sự đa dạng, độc đáo của các nền sân khấu và xu thế phát triển, sáng tạo và hội nhập của sân khấu thế giới. Trong đó, "Mơ rồng" đã nhận được sự mến mộ và những lời khen ngợi của bạn bè quốc tế.
Theo đạo diễn Lê Quý Dương, “Mơ rồng” là sự kết hợp và thăng hoa của nghệ thuật trống chèo truyền thống mang sức sống mới cho màn biểu diễn rối chân đặc sắc của Nhà hát Múa rối Việt Nam, do NSND Nguyễn Tiến Dũng đã dựng trước đó, cộng hợp nghệ thuật sân khấu hình thể diễn viên với múa Rồng tạo nên một tổng thể vừa đậm đặc bản sắc sân khấu truyền thống Việt Nam, vừa mang tính quốc tế với hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, hình ảnh và phương pháp dàn dựng hiện đại.
Màn trình diễn phát triển từ từng chi tiết cụ thể tới một nhận thức khái quát mang tính biểu tượng, gửi thông điệp hòa bình sâu sắc tới nhân loại hôm nay, đó là chiến tranh có thể vẫn đang diễn ra đâu đó trên trái đất, nhưng sự sống, tình yêu và khát vọng hòa bình hạnh phúc của nhân loại sẽ mãi mãi vẫn còn.
Trước đó, đạo diễn Lê Quý Dương là người Việt Nam đầu tiên giữ cương vị Chủ tịch Diễn đàn Festival Quốc tế. Ông được bầu vào Ủy viên Ban Chấp hành của Hiệp hội Sân khấu Thế giới trực thuộc UNESCO với hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên - ITI/UNESCO.
Được thành lập từ năm 1948, Hiệp hội Sân khấu Thế giới với hơn 70 năm lịch sử hình thành và phát triển đã thực sự trở thành một mái nhà chung của các nền sân khấu và các nghệ sĩ trên khắp năm châu lục.