'Mơ Rồng' cùng thông điệp hòa bình

Trải qua bao năm tháng chiến tranh khốc liệt và những thăng trầm của lịch sử, văn hóa Việt Nam đã cho thấy sức sống mãnh liệt, thể hiện đậm đà bản sắc dân tộc và tinh thần yêu chuộng hòa bình. Đó cũng là thông điệp mà tiết mục múa rối 'Mơ Rồng' do đạo diễn Lê Quý Dương dàn dựng với mong muốn lan tỏa những giá trị nhân văn và quảng bá văn hóa, du lịch Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Cảnh trong tiết mục rối “Mơ Rồng”.

Cảnh trong tiết mục rối “Mơ Rồng”.

Tiết mục “Mơ Rồng” do Trung tâm ITI Việt Nam phối hợp Nhà hát múa rối Việt Nam thực hiện, đã được biểu diễn tại lễ khai mạc Đại hội Sân khấu Thế giới lần thứ 36 của Hiệp hội Sân khấu Thế giới (ITI) vào tối qua 21/2 tại thành phố Fujairah của Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) với chủ đề: “Hội ngộ nghệ thuật biểu diễn thế giới cùng nhân loại”.

Đây cũng là tiết mục duy nhất đại diện cho sân khấu khu vực châu Á-Thái Bình Dương tham gia cùng tiết mục của các đại diện sân khấu đến từ châu Âu, châu Phi, Mỹ La-tinh, châu Đại dương và khu vực Trung Đông.

Câu chuyện “Mơ Rồng” kể về làng quê thanh bình, yên ả với các thôn nữ xinh đẹp, duyên dáng, cần cù, chăm chỉ lao động trên đồng lúa, được khắc họa qua những chi tiết biểu diễn độc đáo của nghệ thuật múa rối và hình thể.

Trong đó, nhân vật rối chú Tễu được giới thiệu như một biểu tượng sinh động của văn hóa dân gian, thể hiện tâm hồn và tình cảm của con người Việt Nam vốn hiền lành, chất phác, nhưng cũng rất đỗi thông minh và hóm hỉnh. Cuộc sống yên lành của họ đã bị vùi dập bởi các thế lực ngoại xâm. Đồng lúa, xóm làng tan hoang, nhưng trong mưa bom, bão đạn, con người vẫn gắn bó, cưu mang và đùm bọc nhau để vượt lên những hy sinh mất mát. Hình tượng Rồng thân thuộc trong truyền thuyết người Việt, hiện thân cho sức mạnh quật khởi của dân tộc xuất hiện trên sân khấu, bao bọc, chở che và mang lại hòa bình.

Những chú Tễu bị dập vùi bởi lửa đạn chiến tranh đã hồi sinh trong nhịp trống chèo khoan nhặt, rộn ràng và cuộc sống, tình yêu lại đơm chồi, nảy lộc trên những vườn cây, đồng lúa bao la cũng như nội lực và sức mạnh trỗi dậy trường tồn của văn hóa dân tộc, tiếp tục được trao truyền qua các thế hệ từ hình ảnh những lứa Rồng con được ấp ủ, trưởng thành.

Theo đạo diễn Lê Quý Dương, “Mơ Rồng” là sự kết hợp và thăng hoa của nghệ thuật trống chèo truyền thống mang sức sống mới cho màn biểu diễn rối chân đặc sắc của Nhà hát múa rối Việt Nam. Ở đây, tiết mục rối chân ngày mùa của Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Tiến Dũng đã được nâng cao và đạo diễn dựng thêm phần múa Rồng.

Những trích đoạn, trò múa rối thuần túy, đơn lẻ, đã được kết hợp, xâu chuỗi lại để tạo nên câu chuyện mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc: Chiến tranh bạo tàn sẽ không thể hủy diệt được tình yêu, khát vọng hòa bình hạnh phúc, không thể hủy diệt được bản sắc dân tộc và các giá trị văn hóa, tinh thần, nghệ thuật.

Gọi là mới, nhưng thật ra tiết mục được kế thừa, dựa trên các di sản nghệ thuật âm nhạc và múa rối truyền thống, có thêm phần sáng tạo phát triển khi kết hợp với sân khấu hình thể và hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, hình ảnh cùng phương pháp dàn dựng hiện đại. Tất cả tạo nên một tổng thể tiết mục vừa đậm đà bản sắc sân khấu truyền thống Việt Nam, vừa mang tính hiện đại, hội nhập sân khấu quốc tế.

Đạo diễn đã không sử dụng quá nhiều kỹ thuật biểu diễn, tối giản đạo cụ, thiết bị, trang phục. Điều độc đáo và có phần khác biệt so với những tiết mục từ trước đến nay của Nhà hát múa rối Việt Nam là những con rối nước nguyên bản được tận dụng đưa lên sân khấu rối cạn và thay vì cầm sào điều khiển, các nghệ sĩ trực tiếp điều khiển bằng tay, chân, cho thấy sự tương tác khi con rối thể hiện tâm hồn của con người và con người góp phần tăng thêm hiệu ứng hình thể của rối, mang tính biểu tượng, khái quát cao hơn.

Tham gia diễn xuất “Mơ Rồng” có các nghệ sĩ diễn viên trẻ: Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Thị Kim Thoa, Nguyễn Thị Thu Hương, Nguyễn Lan Hương, Cao Thị Huyền.

Để dàn dựng tiết mục này, đạo diễn Lê Quý Dương đã dành cho chúng tôi sự chủ động sáng tạo trong diễn xuất, phát huy tối đa khả năng của từng diễn viên chứ không chỉ máy móc làm theo chỉ đạo.

Tuy nhiên, đạo diễn cũng đòi hỏi rất cao khi góp ý đến chi tiết nhỏ, cụ thể của từng động tác, nhấn vào những yếu tố hình thể mang tính biểu cảm, làm sao toát lên được nội dung muốn thể hiện trong từng màn diễn, tạo nên một tiết mục mang tính tập thể.

Đặc biệt xuất sắc là sự đóng góp của nghệ sĩ trống chèo Trần Đình Quang khi một mình độc diễn trống chèo kiêm luôn cả vai trò diễn viên trên sân khấu. Từ nền tảng của các nhịp điệu trống chèo cổ, Trần Đình Quang đã thăng hoa và sáng tạo nên những âm điệu mới cho trống chèo, đưa tiếng trống chèo của mình trở thành một nhân vật đồng hành trực tiếp và dẫn dắt toàn bộ câu chuyện.

Không cần đến lời thoại hay giới thiệu, nhưng chỉ qua điệu trống và diễn xuất của nghệ sĩ rối, khán giả có thể hiểu nội dung và không gian, hoàn cảnh mà các nghệ sĩ đang thể hiện.

Nghệ sĩ Lan Hương

Với việc “Mơ Rồng” được lựa chọn biểu diễn khai mạc ở một đại hội đỉnh cao của sân khấu thế giới, một lần nữa đạo diễn Lê Quý Dương và các nghệ sĩ Nhà hát múa rối Việt Nam tiếp tục khẳng định năng lượng sáng tạo với đẳng cấp chuyên nghiệp khi có thể năng động mở rộng ngôn ngữ diễn tả của sân khấu múa rối truyền thống bằng phương pháp dàn dựng hiện đại, thể hiện sự hội nhập nghệ thuật biểu diễn quốc tế.

TIẾN CƯỜNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/mo-rong-cung-thong-diep-hoa-binh-post739812.html