Mở rộng diện bao phủ BHXH tự nguyện
BHXH Việt Nam đang thiết kế lại chính sách BHXH tự nguyện theo hướng tích hợp thêm chính sách BHYT để người tham gia BHXH tự nguyện có thẻ BHYT để khám chữa bệnh
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, trong năm 2021, có hơn 1,4 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 2,94% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức. Để nâng độ bao phủ BHXH tự nguyện, các chuyên gia khuyến nghị điều chỉnh tăng mức đóng BHXH và bổ sung các chế độ.
Tăng mức hỗ trợ
Ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết BHXH tự nguyện là chính sách an sinh xã hội mang tính nhân văn, tạo điều kiện cho lao động phi chính thức được tham gia vào lưới an sinh để khi hết tuổi lao động có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng, được cấp thẻ BHYT miễn phí để bảo đảm cuộc sống và chăm sóc sức khỏe. Mọi người dân từ đủ 15 tuổi trở lên đều có quyền tham gia đóng BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu hằng tháng khi có đủ 20 năm tham gia. "Việc tham gia loại hình bảo hiểm này là hoàn toàn tự nguyện, với mục đích giúp những người lao động tự do có lương hưu hằng tháng sau khi hết tuổi lao động, ổn định cuộc sống, bớt phải phụ thuộc vào con cháu" - ông Ánh cho biết.
Mới đây, Nghị định số 07/2021/NĐ-CP, ngày 27-1-2021, của Chính phủ quy định về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 đã quy định từ ngày 1-1-2022, mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất là 330.000 đồng/tháng, tăng 176.000 đồng/tháng so với mức đóng BHXH tự nguyện năm 2021 là 154.000 đồng/tháng, còn mức đóng BHXH tự nguyện tối đa là 29,8 triệu đồng/tháng. Trước đây, để chia sẻ với những đối tượng lao động tự do, thu nhập không ổn định, nhà nước có chính sách hỗ trợ với 30% mức đóng cho những đối tượng thuộc hộ nghèo, 20% cho hộ cận nghèo và 10% cho các đối tượng khác. Nay để khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện, khi điều chỉnh tăng mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu, Chính phủ cũng đã tăng mức hỗ trợ tiền đóng đối với người tham gia BHXH tự nguyện tùy loại đối tượng. Cụ thể, số tiền hỗ trợ đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo từ 46.200 đồng lên 99.000 đồng/tháng (tăng 52.800 đồng); hộ cận nghèo được hỗ trợ tăng từ 38.500 lên 82.500 đồng/tháng (tăng 44.000 đồng) và các đối tượng khác là từ 15.400 lên 33.000 đồng/tháng (tăng 17.600 đồng).
Theo BHXH Việt Nam, khi Chính phủ điều chỉnh mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn trong thời gian mà người tham gia BHXH tự nguyện đã đóng trước đó theo phương thức đóng 3 tháng, 6 tháng hay 12 tháng hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau, thì người tham gia không phải điều chỉnh mức chênh lệch số tiền đã đóng.
Kiến nghị điều chỉnh tăng quyền lợi
Thời gian qua, chính sách BHXH tự nguyện đang được đánh giá là có sự phát triển vượt bậc, hai năm vừa qua lượng người tham gia BHXH tự nguyện tăng mạnh. Tuy nhiên, thống kê cho thấy tỉ lệ người tham gia BHXH tự nguyện hiện nay còn rất thấp so với 35 triệu lao động phi chính thức đang là đối tượng tham gia BHXH tự nguyện theo quy định của pháp luật.
Một nghiên cứu được chia sẻ tại tọa đàm "BHXH tự nguyện và cơ hội tiếp cận của lao động phi chính thức", mới đây, PGS-TS Giang Thanh Long, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách Công và Quản lý - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết với các tiêu chuẩn và kinh nghiệm quốc tế, hệ thống chính sách BHXH Việt Nam đã tương đối đầy đủ và đáp ứng xu thế chung. Tuy vậy, tỉ lệ tham gia BHXH tự nguyện của lao động phi chính thức là chủ cơ sở, lao động tự làm và lao động gia đình rất thấp. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng có những rào cản lớn về chính sách làm cho người lao động đắn đo khi tham gia BHXH tự nguyện.
"Mặc dù chế độ hưu trí và tử tuất trong chính sách BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện về cơ bản là khá tương đồng nhưng vẫn có một số khác biệt như chế độ hưu trí của BHXH tự nguyện không có hưu trước tuổi, hưu do suy giảm khả năng lao động; chế độ tử tuất của BHXH tự nguyện không có chế độ tuất hằng tháng mà chỉ có tuất một lần. Quyền lợi của người tham gia BHXH tự nguyện ít hơn BHXH bắt buộc khi không có các chế độ ngắn hạn khác như chế độ thai sản, ốm đau bệnh tật và tai nạn lao động/bệnh nghề nghiệp" - báo cáo nêu rõ.
Các chuyên gia cho rằng với nhóm lao động di cư cần có những chính sách hỗ trợ để tiếp cận được với BHXH tự nguyện, chính sách hỗ trợ bao gồm hỗ trợ về việc làm, vốn để họ có được công việc ổn định, từ đó tham gia vào hệ thống an sinh xã hội. Để khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện, hiện BHXH Việt Nam đang thiết kế lại chính sách BHXH tự nguyện theo hướng tích hợp thêm chính sách BHYT để khi người dân tham gia BHXH tự nguyện thì có luôn thẻ BHYT để khám chữa bệnh; đồng thời nghiên cứu bổ sung chế độ thai sản và ốm đau vào chính sách này nhằm tăng tính hấp dẫn. Về thời gian thụ hưởng, ngành BHXH cũng xem xét giảm thời gian chờ thụ hưởng từ 20 năm xuống còn 15 hoặc 10 năm, hoặc cho mua theo gói với nguyên tắc đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít. Khi người dân thấy quyền lợi được bảo đảm tương ứng với dịch vụ, họ sẽ tự nguyện tham gia.
Theo ông Đào Việt Ánh, từ khi Nghị quyết số 28 được ban hành, số người tham gia BHXH tự nguyện không ngừng tăng, kể cả trong tình hình kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng toàn diện bởi dịch Covid-19. Năm 2018 - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết số 28, toàn quốc có hơn 277.000 người tham gia, tăng hơn 52.900 người (23,6%) so với năm 2017. Đến năm 2020, đã có trên 1,128 triệu người, tăng gấp 2 lần so với năm 2019, bằng cả 12 năm trước cộng lại.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/mo-rong-dien-bao-phu-bhxh-tu-nguyen-20220119184358528.htm