Mở rộng điều tra các 'chuyến bay giải cứu'
Việc Bộ Công an yêu cầu các tỉnh, thành cung cấp hồ sơ, tài liệu các chuyến bay giải cứu công dân nhằm phục vụ điều tra vụ án liên quan xảy ra tại nhiều bộ, ngành, địa phương
Liên quan đến vụ án "Đưa hối lộ, nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Bộ Ngoại giao và một số bộ, ngành, địa phương, Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an vừa có văn bản yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố có tiếp nhận các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước cung cấp thông tin, tài liệu... phục vụ công tác điều tra.
Đã khởi tố 21 bị can
Theo đó, Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an yêu cầu UBND các tỉnh, thành cung cấp tài liệu thể hiện quá trình giải quyết từ khi tiếp nhận hồ sơ đến khi ban hành quyết định lựa chọn địa điểm cách ly, danh sách những cá nhân tham gia quá trình xét duyệt hồ sơ của khách sạn, resort.
Đối với việc xin chủ trương cách ly, Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an yêu cầu thống kê và cung cấp toàn bộ hồ sơ doanh nghiệp nộp xin chủ trương cách ly để đưa chuyên gia, nhân công từ nước ngoài về nước cách ly tại địa phương; cung cấp địa chỉ các cá nhân đăng ký sau khi kết thúc thời gian cách ly. Đồng thời cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu thể hiện quá trình tiếp nhận, tham mưu, đề xuất giải quyết hồ sơ của doanh nghiệp từ khi tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp đến khi ban hành quyết định chủ trương cách ly và phải nêu rõ danh sách những cá nhân tham gia giải quyết từng hồ sơ của doanh nghiệp.
Đối với việc tổ chức chuyến bay đưa công dân về cách ly, phải cung cấp hồ sơ của doanh nghiệp báo cáo xin tổ chức chuyến bay sau khi được cấp phép thực hiện; cung cấp danh sách đoàn giám sát, kiểm tra hoạt động cách ly; cung cấp cam kết, công khai bảng giá dịch vụ.
Theo hồ sơ vụ án, năm 2021, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) tổ chức 173 chuyến bay, đưa hơn 50.000 công dân thuộc diện ưu tiên về nước. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao phối hợp với bộ, ngành tổ chức hơn 400 chuyến bay đưa về nước trên 70.000 người. Tổng số chuyến bay về nước trong năm 2021 là gần 600 chuyến với khoảng 120.000 công dân hồi hương.
Liên quan đến sai phạm trong các "chuyến bay giải cứu" tính từ cuối tháng 1-2022 đến nay, Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 21 bị can. Trong số này có các bị can: Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; Nguyễn Thị Hương Lan, Cục trưởng Cục Lãnh sự; Đỗ Hoàng Tùng, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự; Lê Tuấn Anh, Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự; Lưu Tuấn Dũng, Phó Phòng Bảo hộ công dân (Cục Lãnh sự); Nguyễn Quang Linh, Trợ lý Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Trần Văn Dự, nguyên Cục phó Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an)…, cùng bị khởi tố về tội "Nhận hối lộ".
Nhiều khách sạn, resort làm địa điểm cách ly
Trong số các tỉnh, thành được yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu phục vụ điều tra vụ án có TP Hà Nội và các tỉnh Thanh Hóa, Hải Dương, Quảng Nam…, là những địa phương có tiếp nhận các "chuyến bay giải cứu" công dân.
Ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết sau khi tiếp nhận văn bản của cơ quan trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo, giao các sở Ngoại vụ, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Giao thông Vận tải, Tài chính, Công an tỉnh và UBND các TP, thị xã (Thanh Hóa, Sầm Sơn, Nghi Sơn) và các đơn vị có liên quan khẩn trương rà soát, tổng hợp, cung cấp toàn bộ thông tin, tài liệu có liên quan đến việc tổ chức thực hiện các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước cách ly trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, gửi Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an trước ngày 1-11.
Trước đó, vào đầu tháng 11-2020, khi dịch COVID-19 đang bùng phát trên toàn cầu, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức đón tiếp, cách ly hàng ngàn công dân về nước từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… theo hình thức tự nguyện trả phí. Công dân về nước được cách ly tập trung tại 20 địa điểm ở một số huyện, thị xã, TP mà Thanh Hóa đã lựa chọn. Trong đó có một số khách sạn như: khách sạn FLC Sầm Sơn (TP Sầm Sơn), khách sạn Anh Phát 3 (thị xã Nghi Sơn), khách sạn Vinpearl (TP Thanh Hóa).
Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cũng xác nhận lãnh đạo tỉnh đã có chỉ đạo, giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Ngoại vụ cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an. Quảng Nam là địa phương đón số lượng công dân từ nước ngoài về cách ly khá đông, với khoảng 40.000 người.
Bước đầu ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, thông tin có tất cả 36 cơ sở lưu trú ở Quảng Nam đăng ký làm địa điểm cách ly. Trong số 31 đơn vị đủ điều kiện được cấp phép làm địa điểm cách ly có khu nghỉ dưỡng Hoiana, khách sạn Mỹ Sơn Heritage (huyện Duy Xuyên); khách sạn Tui Blue Nam Hội An (huyện Núi Thành); khách sạn ÊÊM Hội An, Victoria Hội An, Fivitel Hội An, Citadines Pearl Hoi An, Le Pavillon Hoi An Gallerry Hotel & Spa, Silkotel Hoi An, Silk Sense Hoi An River Resort, Beachside Boutique Resort Hoi An (TP Hội An)…
Trục lợi hàng chục tỉ đồng
Tại cuộc họp báo hồi cuối tháng 6-2022, lãnh đạo Cơ quan An ninh Điều tra cho biết kết quả điều tra bước đầu đã chứng minh các bị can nhận hàng chục tỉ đồng và hàng trăm ngàn USD. Trước đó, người phát ngôn Bộ Công an cũng cho biết có gần 2.000 "chuyến bay giải cứu" người Việt từ nước ngoài về trong các đợt dịch COVID-19. Có chuyến bay sau khi trừ chi phí, lợi nhuận vài tỉ đồng.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/mo-rong-dieu-tra-cac-chuyen-bay-giai-cuu-20221024220509249.htm