Mở rộng độ bao phủ người tham gia bảo hiểm xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh
Thành phố Hồ Chí Minh, thị trường lao động được xem là lớn nhất cả nước nhưng chính sách an sinh, đặc biệt là chế độ Bảo hiểm xã hội (BHXH) cũng như các chế độ khác... đối với người lao động còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập.
Quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng, khó mở rộng mạng lưới an sinh
Không ít doanh nghiệp dùng nhiều cách để trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động hay khi bị người lao động khiếu nại, cơ quan chức năng thanh tra thì doanh nghiệp tìm cách “né tránh, đóng cửa”... Đây là ghi nhận thực tế được nhiều đại biểu đưa ra tại Hội nghị chuyên đề “Giải pháp thúc đẩy mở rộng độ bao phủ người tham gia bảo hiểm xã hội ở những nơi có quan hệ lao động trên địa bàn Thành phố”, hội nghị do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (Sở LĐTBXH) phối hợp Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 30/7.
Theo Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, công tác tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội; việc chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội là khó khăn kéo dài nhiều năm chưa có giải pháp hiệu quả khắc phục. Điều này tác động trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, khiến họ thiếu niềm tin vào bảo hiểm xã hội, từ đó, khó mở rộng mạng lưới an sinh.
Bà Lượng Thị Tới - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH TPHCM cho biết, đến hết năm 2023, TPHCM có 2,76 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, đạt tỉ lệ trên 54% ở những nơi có quan hệ lao động, số người tham gia BHXH tự nguyên đạt 2% so với lực lượng lao động từ đủ 15 tuổi trở lên.
Qua đó, số người tham gia BHXH đạt 56% so với lực lượng lao động. Tuy nhiên, do một số doanh nghiệp gặp khó khăn duy trì việc làm cho NLĐ vì giảm đơn hàng, doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động hoặc phải cắt giảm lao động làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của NLĐ, không thể tiếp tục tham gia BHXH và NLĐ có xu hướng nhận BHXH một lần tăng cao.
Ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tính đến nay, số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trên toàn Thành phố là hơn 6.870 tỷ đồng. Nếu trừ số tiền chậm đóng dưới 1 tháng và số chậm đóng khó thu thì tổng số tiền chậm đóng còn lại là hơn 4.470 tỷ đồng.
Theo số liệu đăng ký mã số tham gia bảo hiểm xã hội, hơn 461.600 doanh nghiệp với gần 2,54 triệu lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Tuy nhiên, trong số này có hơn 348.200 doanh nghiệp có số lao động bằng 0, tức là không có người đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Qua rà soát, Bảo hiểm xã hội Thành phố phát hiện có gần 8.000 doanh nghiệp có đăng ký thuế nhưng chưa tham gia bảo hiểm xã hội; 49.433 doanh nghiệp đã tham gia bảo hiểm xã hội nhưng tham gia chưa đầy đủ cho người lao động.
“Căn cứ dữ liệu thuế năm 2023, toàn Thành phố có 57.345 đơn vị với 1.473.939 lao động cần phải rà soát. Lý do là những đơn vị này có sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng thường "lách luật" để không tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động”, ông Thanh cho biết.
Liên quan đến vấn đề này, Thượng tá Ngô Thuận Lăng, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ năm 2020 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận nhiều nguồn tin từ cơ quan bảo hiểm xã hội nhưng chưa khởi tố được vụ án nào liên quan đến đơn vị sử dụng người lao động có hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội. Nguyên nhân là theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 về tội: “Trốn đóng bảo hiểm xã hội hay bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn cho người lao động” thì bắt buộc người vi phạm phải bị xử lý hành chính về hành vi này mới có đủ căn cứ xử lý hình sự.
Tuy nhiên, các hồ sơ kiến nghị khởi tố của cơ quan bảo hiểm xã hội chuyển đến chỉ bị xử lý vi phạm hành chính các hành vi: Chậm đóng, đóng không đúng mức quy định theo quy định tại Khoản 5, 6 Điều 39, Nghị định 12/2022/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17/1/2022 (về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng). Để phục vụ công tác điều tra, xác minh, cơ quan điều tra cần phải thu thập toàn bộ hồ sơ thanh tra, các quy định liên quan đến bảo hiểm xã hội cũng như bản kết luận của hội đồng giám định chuyên môn…
Giải pháp nâng số người tham gia bảo hiểm xã hội
Ở góc độ đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị cần có chế tài mạnh mẽ hơn, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự nhằm răn đe, kéo giảm tình hình vi phạm pháp luật bảo hiểm xã hội, chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Còn bà Trịnh Thị Huyền Thanh - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM - thì đề nghị cần phải có đợt cao điểm, thậm chí kéo dài cả năm để xử lý dứt điểm tình trạng doanh nghiệp trốn đóng BHXH vì những lợi ích mà doanh nghiệp đóng góp không đủ để khắc phục hậu quả đối với quyền lợi của NLĐ và an sinh xã hội do doanh nghiệp trốn đóng BHXH gây ra.
Từ thực tiễn, Thượng tá Ngô Thuận Lăng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cũng kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước sớm có hướng dẫn chi tiết về hành vi gian dối và thủ đoạn khác để cấu thành hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn (theo Quy định tại Khoản 7, Điều 39, Nghị định 12/2022/NĐ-CP), từ đó có cơ sở xử lý vi phạm hành chính và xử lý hình sự khi tái phạm.
“Ngoài ra, trong quá trình xử lý vi phạm hành chính, cơ quan bảo hiểm xã hội cần lập biên bản giao quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho người vi phạm, có tài liệu thể hiện việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế của cơ quan bảo hiểm xã hội đã áp dụng đối với đơn vị vi phạm, khẩn trương cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan điều tra. Sau khi thanh tra, cơ quan bảo hiểm xã hội phải làm rõ được tiền trốn đóng, tiền chậm đóng và tiền lãi nhằm xác định thiệt hại của hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn của người vi phạm”, Thượng tá Ngô Thuận Lăng đề nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng thống nhất đề nghị các cơ quan chức năng sớm có hướng dẫn chi tiết về hành vi gian dối và thủ đoạn khác; cần có hướng dẫn cụ thể hơn về việc xử lý hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn cho người lao động để không chỉ để đảm bảo việc xử lý đúng người, đúng tội mà còn đảm bảo tính nhân văn, nhưng cũng đồng thời răn đe, cảnh tỉnh các đơn vị sử dụng lao động trong quá trình thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và với người lao động góp bảo đảm quyền lợi của người lao động nói riêng và quỹ bảo hiểm xã hội nói chung./.