Mở rộng đối tượng được bình đẳng giới
Hiện nay, người đồng tính, song tính, chuyển giới và liên giới tính (LGBTI) đã không còn quá xa lạ trong xã hội Việt Nam. Với sự mở rộng khái niệm về 'giới' thì đối tượng hướng đến của 'bình đẳng giới' cũng cần phải thay đổi phù hợp, để sự bình đẳng không có biên giới, toàn diện và văn minh hơn…
Cộng đồng LGBTQ+ đã có chỗ đứng nhất định trong xã hội
Từ những năm 2010, phong trào LGBTQ+ thực sự khởi sắc và mang lại nhiều dấu ấn như: chiến dịch “Tôi đồng ý”, sự kiện VietPride (tự hào đa sắc), ngày hội “Tôn vinh sự đa dạng, hành trình hiểu về con” (của các bố mẹ có con thuộc cộng đồng LGBTQ+)… Hay các hoạt động chia sẻ, tham vấn cộng đồng cùng với Bộ Tư pháp, Bộ Y tế để soạn thảo các điều luật hỗ trợ cho cộng đồng LGBTQ+ như: Luật Hôn nhân cùng giới, dự án Luật Chuyển đổi giới tính đang được soạn thảo…
Đầu tháng 8/2022, Bộ Y tế Việt Nam đã khẳng định LGBTQ+ (cụm từ thể hiện sự đa dạng của con người dựa trên xu hướng tính dục, bản dạng giới, thể hiện giới và thiên hướng tình dục) hoàn toàn không phải là bệnh, không thể chữa, không cần chữa và không thể thay đổi theo bất cứ cách nào.
Công bố này đã tạo ra một bước tiến lớn về quyền LGBTQ+ tại Việt Nam. Có thể nói, xã hội Việt Nam những năm qua đã có cái nhìn văn minh về các giới. Bởi thế, cộng đồng LGBTQ+ đã có chỗ đứng nhất định trong xã hội. Nhiều người đã có các thành tựu nhất định trong lĩnh vực của mình, được yêu mến, trân trọng. Tuy nhiên, trong những góc khuất của cuộc sống, những người đồng tính, chuyển giới... vẫn bị đối xử bất bình đẳng, bị kỳ thị, chịu bạo lực giới từ chính trong gia đình mình cho đến nơi làm việc, nơi công cộng, ngoài xã hội. Chính vì thế, thời gian qua, khi nhắc đến bình đẳng giới, nhiều người hoạt động tích cực trong lĩnh vực này đã lên tiếng mong muốn sự bình đẳng giới toàn diện hơn, không “bỏ quên” cộng đồng LGBTQ+ vì họ thuộc một “giới tính khác” bên ngoài những khái niệm vẫn gặp ngàn năm nay về hai giới.
Bởi lẽ, những người đa dạng giới và tính dục vẫn thường xuyên phải đối mặt với sự phân biệt đối xử từ gia đình tới xã hội, những thách thức trong việc tiếp cận với các chăm sóc y tế đặc thù. Những thách thức này bao gồm việc hạn chế tiếp cận chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục, cho tới chăm sóc khẳng định giới. Theo một khảo sát năm 2016, cứ bốn người LGBTQ+ thì có một người đã nghe hoặc nhìn thấy những bình luận và hành động tiêu cực từ nhân viên y tế.
Mặt khác, dẫu cho những tiến bộ trong việc công nhận và bảo vệ sức khỏe của những người LGBTQ+ trên toàn thế giới, các liệu pháp “chữa trị chuyển đổi” vì cho rằng LGBTQ+ là bệnh tại Việt Nam không phải là hiếm. Các liệu pháp “chữa trị” này có thể bao gồm việc bị ép buộc thay đổi ngoại hình, bị buộc phải đi gặp bác sĩ hoặc pháp sư, bị ép uống thuốc, bị ép kết hôn...
Tại Việt Nam, một nghiên cứu của Viện iSEE cho thấy cứ 5 người LGBTQ+ thì có 1 người từng bị ép đi bác sĩ để được đề nghị thay đổi xu hướng tính dục, bản dạng giới. Ngay trong khuôn khổ gia đình, người LGBTQ+ phải chịu các bạo lực có thể coi là các hành vi “chữa trị” như ép buộc thay đổi cử chỉ, ngoại hình (62,9%), la mắng hoặc dùng bạo lực ngôn từ (60,2%), ngăn cấm các mối quan hệ bạn bè hay người yêu (53,8%) hay ép buộc phải kết hôn (24,3%). Sự phân biệt đối xử và bạo lực đối với người LGBTQ+ dẫn đến những tổn thương về thể chất và tinh thần không thể bù đắp được.
Đến nay, sau hơn 10 năm, từ những đám cưới đồng tính đầu tiên ở Việt Nam, vấn đề đang đặt ra hiện nay với những người song tính, liên giới tính, chuyển giới… là giấy tờ tùy thân, là con cái, tài sản, hôn nhân thực tế…
Phần lớn tất cả người chuyển đổi giới tính hiện nay đều phải dùng nickname. Nhiều bạn có tham gia biểu diễn tại Thành phố Hồ Chí Minh thì đặt các tên “nghệ danh” cho mình trong cuộc sống hàng ngày cũng như khi biểu diễn. Đặc biệt, đối với người chuyển đổi giới tính, không được đổi tên cho phù hợp với thể hiện giới bên ngoài của họ đã gây ra khó khăn khi đi lại và làm các thủ tục liên quan đến giấy tờ. Như vậy, những người đã trải qua phẫu thuật chuyển đổi cũng vẫn không thể đổi giới tính của mình trên các giấy tờ như chứng minh thư, hồ sơ lý lịch, hộ khẩu. Những người chuyển đổi giới tính cho biết việc không có giấy chứng minh thư đúng như giới tính đã thay đổi của họ khiến cho cuộc sống của họ gặp rất nhiều rắc rối, từ việc mua bán hay sở hữu tài sản.
Người trẻ đã sống thật với bản dạng giới hơn các thế hệ trước
Dù có được chấp nhận hay không, người chuyển giới, đa dạng giới là hiện tượng xảy ra ở khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, ước mơ được thừa nhận, không bị phân biệt đối xử, đặc biệt mong muốn được gia đình hiểu, thông cảm và hỗ trợ là rất lớn. Nhiều người cho biết dù cho xã hội có kỳ thị đến đâu họ cũng “không quan tâm”, nhưng việc được bố mẹ hiểu, là chỗ nương tựa tinh thần cho họ rất quan trọng. Dù là những người vẫn còn đang sống trong gia đình mà phải giấu giếm bản dạng giới của mình. Hay những người dù vẫn sống với gia đình nhưng hàng ngày phải chịu đựng sự hắt hủi, chối bỏ, hay bạo lực của bố mẹ, cho đến những bạn trẻ chuyển giới không chịu nổi áp lực gia đình phải bỏ nhà ra đi. Điều mong mỏi lớn nhất của họ là được gia đình hiểu rằng họ là như thế, họ không thể thay đổi, họ mong muốn được sự chấp nhận và yêu thương.
Vì chưa có diễn đàn dành riêng cho họ, người đa dạng giới đã và vẫn đang phải ẩn mình trong các diễn đàn dành cho đồng tính nữ và đồng tính nam. Thế nhưng, sự chia sẻ thông tin và mối quan tâm chung đã khiến người chuyển đổi giới tính trở thành một cộng đồng ngày càng rõ nét hơn, đặc biệt là với các bạn chuyển giới trẻ. Với sự hỗ trợ này, thế hệ những người chuyển đổi giới tính trẻ có sự cởi mở hơn, dám sống thật và đối mặt với xã hội nhiều hơn là thế hệ chuyển giới trung niên, những người vẫn còn dè dặt và sống ẩn mình vì ngại đối mặt với sự kỳ thị.
Vừa qua, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Sở TT&TT TP HCM, Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam đã tổ chức chương trình “Bữa sáng Ruy băng trắng - Vai trò của truyền thông trong thúc đẩy bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực giới”. Tại chương trình, bên cạnh nhắc đến tình trạng bất bình đẳng giới và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em vẫn còn khá phổ biến ở nhiều khu vực, vùng miền và các thành phần trong xã hội, các đại biểu tham dự đã có đề cập đến vấn đề bình đẳng giới bao gồm cộng đồng LGBTQ+.
Là người chuyển giới khá nổi tiếng trong cộng đồng với vai trò chuyên gia tâm lý thường xuyên tham gia các hoạt động cộng đồng, hiện nay đã lập gia đình và có cuộc sống hôn nhân êm ấm cùng chồng, Mia Nguyễn có rất nhiều trải nghiệm về đời sống của một người thuộc LGBTQ+.
Tại chương trình “Bữa sáng Ruy băng trắng”, cô đã lên tiếng đấu tranh cho quyền bình đẳng của cộng đồng LGBTQ+ trong xã hội. Theo Mia Nguyễn, khái niệm “giới” ngày nay đã khá đa dạng, không chỉ đơn thuần là nữ và nam. Một trong những đối tượng quan trọng được bảo vệ của các chiến dịch bình đẳng giới là phụ nữ. Tuy nhiên, ngày nay có cả phụ nữ chuyển giới, phụ nữ đồng tính, dị tính, phụ nữ và trẻ em không theo chuẩn giới... Thực tiễn xã hội khiến chúng ta cần có cái nhìn rộng hơn về đối tượng cho chiến dịch.
Mia Nguyễn cũng mong mỏi có thêm sự công nhận của pháp luật đối với cộng đồng LGBTQ+. Theo cô, tình yêu của những con người trong cộng đồng này hiện nay gần như “vô hình” đối với pháp luật và hôn nhân của họ vẫn chưa được pháp luật thừa nhận. Mia Nguyễn bày tỏ mong mỏi khi các phương tiện truyền thông đại chúng thông tin về ngăn chặn bất bình đẳng giới và bạo lực giới thì nên bao gồm cộng đồng LGBTQ+.
Cũng gần đây, các bạn trẻ, nhóm sinh viên Khoa Tâm lý Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM cũng đã đưa ra một số khuyến nghị trong khảo sát về LGBTQ+ (gồm đồng tính, gay, song tính, chuyển giới). Theo đó, các bạn trẻ cho rằng, về các hoạt động giáo dục, cần tuyên truyền, thúc đẩy đưa các nội dung liên quan đến LGBTQ+ trong các chương trình giáo dục trường học, giúp học sinh hiểu và chấp nhận về sự đa dạng trong xu hướng tình dục và giới tính.Với truyền thông, cần tạo điều kiện cho những câu chuyện thành công của cộng đồng LGBTQ+ xuất hiện nhiều hơn, giúp xã hội hiểu rõ hơn về cuộc sống của họ. Đặc biệt, hỗ trợ cho gia đình, người thân của người LGBTQ+ để họ hiểu và sớm chấp nhận xu hướng tính dục của con mình. Đồng thời, tạo bình đẳng thông qua việc thúc đẩy việc thực hiện các chính sách bình đẳng tại nơi làm việc, trong xã hội, bao gồm việc bảo vệ người LGBTQ+ trước những hành vi phân biệt và kỳ thị.
Với chính sách pháp luật, Nhà nước cần thúc đẩy việc thực hiện và bảo vệ các chính sách pháp luật bình đẳng và bảo vệ quyền lợi của người LGBTQ+, bao gồm việc hợp pháp hôn nhân đồng giới và việc nuôi dưỡng con cái. Đặc biệt, khảo sát nhấn mạnh, chính bản thân cộng đồng LGBTQ+ cần tự tin về bản thân và danh tính của mình, sống lành mạnh và tích cực. Từ đó không chỉ tạo được lòng tin tưởng mà còn khuyến khích sự chấp nhận từ phía người khác đối với mình…
Người chuyển giới từ 0,3% đến 0,5% dân số
Nghiên cứu trên thế giới cho thấy tỷ lệ người chuyển giới từ 0,3% đến 0,5% dân số. Nếu sử dụng con số trung bình thấp là 0,3%, Việt Nam ước đoán có gần 295.457 người chuyển giới (tính đến ngày 25/11/2021, dân số Việt Nam là 98.485.682 người), lấy con số trung bình là 0,5% thì Việt Nam có khoảng 4920.000 người chuyển giới.
Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã và đang thể hiện vai trò đi đầu trong việc thúc đẩy quyền con người của người LGBTQ+. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có những bước đi tích cực nhằm thúc đẩy quyền của người LGBTQ+ phù hợp với cam kết đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/mo-rong-doi-tuong-duoc-binh-dang-gioi-post498170.html