Mở rộng đối tượng được cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn
Bên cạnh nội dung trên, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam còn bổ sung quy định về thủ tục cấp hộ chiếu theo thủ tục rút gọn trong trường hợp nhân đạo, khẩn cấp.
Sáng 17-7, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 8 luật vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam là một trong 8 luật được công bố.
Theo đó, kể từ ngày 15-8-2023, Luật cho phép bổ sung thông tin “nơi sinh” trên giấy tờ xuất nhập cảnh và bổ sung quy định “Thông tin khác do Chính phủ quy định”.
Luật cũng bổ sung hình thức nộp hồ sơ trên môi trường điện tử đối với thủ tục đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông, báo mất hộ chiếu phổ thông, khôi phục giá trị sử dụng của hộ chiếu phổ thông và quy định Bộ Công an có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam trên môi trường điện tử.
Cùng với đó, Luật bãi bỏ quy định nộp bản chụp Chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân đối với trường hợp có sự thay đổi thông tin về nhân thân so với thông tin trong hộ chiếu đã cấp lần gần nhất; bãi bỏ quy định nộp Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh đối với người chưa đủ 14 tuổi đã được cấp mã số định danh cá nhân.
Sửa đổi các quy định về các trường hợp, trình tự, thủ tục cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn theo hướng mở rộng đối tượng được cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn và bổ sung quy định về thủ tục cấp hộ chiếu theo thủ tục rút gọn trong trường hợp nhân đạo, khẩn cấp.
Luật mới cũng quy định Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng đề xuất ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế liên quan đến tiếp nhận công dân Việt Nam không được nước ngoài cho cư trú; phối hợp Bộ Ngoại giao đề xuất ký kết điều ước quốc tế liên quan đến xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Đáng chú ý, Luật nâng thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên không quá 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần và quy định tính thời hạn thị thực theo ngày đối với các loại thị thực có thời hạn dưới 01 năm để đảm bảo thống nhất. Thời hạn tạm trú cũng được nâng từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân các nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo các quy định khác của Luật.
Cũng tại luật này, trách nhiệm của cơ sở lưu trú trong việc thực hiện khai báo tạm trú cho người nước ngoài đã được bổ sung, theo đó cơ sở lưu trú có trách nhiệm yêu cầu người nước ngoài xuất trình hộ chiếu hoặc giấy tờ giá trị đi lại quốc tế, giấy tờ liên quan đến cư trú tại Việt Nam để thực hiện khai báo tạm trú trước khi đồng ý cho người nước ngoài tạm trú.
Bổ sung quy định trường hợp đồn, trạm Biên phòng tiếp nhận khai báo tạm trú của người nước ngoài theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì đồn, trạm Biên phòng có trách nhiệm thông báo ngay cho Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi người nước ngoài tạm trú để phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết với các nước có chung đường biên giới đất liền.
Ngoài ra, Luật còn quy định cơ sở lưu trú có thể thực hiện việc khai báo tạm trú cho người nước ngoài qua môi trường điện tử hoặc phiếu khai báo tạm trú. Cơ quan tiếp nhận khai báo tạm trú của người nước ngoài từ cơ sở lưu trú trong khu vực biên giới hoặc thị trấn, thị xã, thành phố, khu du lịch, dịch vụ, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, khu kinh tế khác có liên quan đến khu vực biên giới có trách nhiệm thông báo ngay cho đồn, trạm Biên phòng nơi có cơ sở lưu trú.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài phải thông báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất. Trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm trong khu vực biên giới phải thông báo ngay cho cơ quan Công an hoặc đồn, trạm Biên phòng nơi gần nhất.
Trao đổi thêm tại buổi họp báo công bố Luật, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) nhìn nhận, việc nâng thời hạn visa lên 90 ngày và thời hạn tạm trú lên 45 ngày với các nước ta đơn phương miễn thị thực có tác động lớn đến việc thu hút khách du lịch cũng như nhà đầu tư đến Việt Nam.
Tuy nhiên, theo Thiếu tướng Nguyên, bên cạnh yếu tố này còn nhiều yếu tố khác như chế độ chính sách và cách chúng ta làm du lịch.
Trên cơ sở đánh giác tác động về cơ chế chính sách thu hút người nước ngoài, khách du lịch tới Việt Nam, theo Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Bộ Công an đã chủ động báo cáo Chính phủ và trình Quốc hội thông qua Luật sửa 2 luật xuất nhập cảnh, trong đó có nhiều chính sách quan trọng.
“Chúng tôi cho rằng việc sửa luật này có tác động rất tích cực trong việc phục hồi, phát triển kinh tế sau thời kỳ khủng hoảng của dịch” – ông Nguyên nhận định.
Vẫn theo lãnh đạo Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, việc nâng thời hạn thị thực đã tạo ra cơ chế đặc biệt thông thoáng để thu hút khách du lịch theo kết luận của Bộ Chính trị về việc thu hút, phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; thu hút nhà đầu tư khi nước ta phục hồi kinh tế sau đại dịch.