Mở rộng đối tượng hưởng chính sách người có công

Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng sẽ mở rộng đối tượng người bị địch bắt tù đày. Vợ, chồng liệt sĩ tái giá cũng được hưởng BHYT…

“Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) lần này sẽ thay đổi điều kiện, tiêu chuẩn đối với người có công, đồng thời bổ sung các chế độ ưu đãi đối với thân nhân cán bộ lão thành cách mạng, vợ liệt sĩ…”.

Ông Nguyễn Duy Kiên, Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH), khẳng định như vậy khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về những điểm mới trong quá trình sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sau đây gọi là Pháp lệnh), ngày 26-7.

Không chỉ người hoạt động kháng chiến mới bị bắt tù đày

. Phóng viên: Cụ thể hướng sửa đổi Pháp lệnh lần này như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Duy Kiên

+ Ông Nguyễn Duy Kiên: Về điều kiện xác nhận người có công, chúng ta sẽ tập trung vào đối tượng thương binh, liệt sĩ, bệnh binh. Trong đó, Pháp lệnh dùng từ ngữ bao quát hơn.

Cụ thể, trước đây quy định người bị bắt tù đày là người “hoạt động kháng chiến”. Nhưng dự thảo mở rộng định nghĩa, theo đó, người bị bắt tù đày là người tham gia cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế.

Vì không chỉ người “hoạt động kháng chiến” mới bị địch bắt tù đày mà những người nuôi giấu cán bộ cách mạng trong hầm bí mật cũng bị địch bắt tù đày… Bên cạnh đó, thời bình cũng có trường hợp không “hoạt động kháng chiến” nhưng cũng bị địch bắt tù đày… Vì vậy, việc mở rộng phạm vi để phù hợp với trước đây, hiện nay và trong tương lai…

Tương tự, Pháp lệnh cũng mở rộng điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận liệt sĩ, thương binh trong thời chiến theo hướng thay thế khái niệm “trực tiếp phục vụ chiến đấu” bằng “làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh”. Nguyên nhân, nhiều người không cầm súng chiến đấu nhưng ở vùng chiến sự bị địch tập kích bắn chết khi đang ngủ, nếu không được xem xét sẽ thiệt thòi nên lần này chúng ta đưa các quy định này vào để có cơ sở giải quyết.

Thứ hai, quy định về thời gian tính khởi điểm xác nhận người có công. Theo đó, xác định liệt sĩ là những người hy sinh từ năm 1925 trở về sau (thời điểm thành lập các tổ chức tiền thân của Đảng). Còn những năm 1925 về trước gọi là các bậc tiên liệt. Việc quy định như vậy vì thời gian qua có nhiều người thân của các bậc tiên liệt từ thời khởi nghĩa Phan Đình Phùng cũng lập hồ sơ để xác nhận liệt sĩ. Nên dự thảo lần này cần phải minh định rõ…

Chiến tranh đã kết thúc bao nhiêu năm nhưng đến nay những hài cốt liệt sĩ từ Lào, Campuchia mới được về với đất mẹ. Ảnh: THẢO TUẤN

Chiến tranh đã kết thúc bao nhiêu năm nhưng đến nay những hài cốt liệt sĩ từ Lào, Campuchia mới được về với đất mẹ. Ảnh: THẢO TUẤN

Vợ liệt sĩ tái giá cũng được cấp BHYT

. Vậy chế độ, chính sách đối với thân nhân người có công với cách mạng, chúng ta có thay đổi gì lớn không, thưa ông?

+ Trước đây cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa qua đời thì thân nhân mới được hưởng BHYT. Nhận thấy quy định trên bất cập nên dự thảo lần này quy định các đối tượng trên còn sống thì thân nhân cũng được hưởng BHYT.

Bên cạnh đó, bổ sung quy định vợ (chồng) liệt sĩ lấy chồng (vợ) khác nhưng đã có trách nhiệm chăm sóc cha, mẹ liệt sĩ, nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành được UBND cấp xã công nhận thì được hưởng trợ cấp tiền tuất hằng tháng và được Nhà nước mua BHYT.

Ngoài ra, chúng ta cũng nâng quy định trợ cấp một lần đối với thân nhân bà mẹ Việt Nam anh hùng (BMVNAH), anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến trong trường hợp được truy tặng hoặc đã chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định. Đồng thời, bổ sung trợ cấp một lần đối với thân nhân của người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, người có công giúp đỡ cách mạng đã chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi…

. Việc mở rộng đối tượng được hưởng chế độ, chính sách người có công sẽ làm tăng thêm chi phí bao nhiêu và tại sao những chính sách như ông nói lâu nay chúng ta không triển khai?

+ Thực tế trong quá trình triển khai chính sách người có công gặp khó khăn vì một số quy định không có trong Pháp lệnh. Vì vậy, chúng ta phải điều chỉnh, bổ sung vào một số thông tư, nghị định cho phù hợp với thực tiễn. Cho nên việc sửa đổi Pháp lệnh sẽ pháp điển hóa các quy định trên để nâng thành Pháp lệnh nhằm tạo ra hành lang pháp lý.

Còn về chi phí tôi nghĩ không nhiều, bởi đối tượng tăng không lớn, vì thực tế nhiều trường hợp thời gian qua đã được Nhà nước giải quyết theo các thông tư, nghị định.

. Xin cám ơn ông.

Cả nước có gần 1,2 triệu liệt sĩ

Hiện cả nước có hơn 9,2 triệu người có công được hưởng các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó có gần 1,2 triệu liệt sĩ, hơn 138.000 BMVNAH, hơn 2 triệu thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ; hàng trăm ngàn người bị địch bắt tù đày, người nhiễm chất độc hóa học; hàng ngàn người được phong tặng anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động trong kháng chiến…

Hằng năm ngân sách nhà nước dành hơn 32.000 tỉ đồng để thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Cùng với đó là phong trào “Đền ơn đáp nghĩa" thiết thực đã được thực hiện sâu rộng trong xã hội như nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc cha, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, phụng dưỡng BMVNAH. Các phong trào đã phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của cộng đồng, góp phần ổn định, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người có công…

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/mo-rong-doi-tuong-huong-chinh-sach-nguoi-co-cong-848407.html