Mở rộng đối tượng phải đấu thầu sang công ty con của DNNN: Vênh luật và lợi bất cập hại

Khi góp ý cho dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau về đối tượng áp dụng nên là những doanh nghiệp nào để bảo vệ tính hiệu quả của việc sử dụng vốn nhà nước (NN).

Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) chỉ quy định các dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thuộc đối tượng phải đấu thầu, bỏ quy định áp dụng đối với toàn bộ các dự án đầu tư có sử dụng vốn NN, vốn của DNNN từ 30% trở lên, hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án như luật hiện hành. Điều này được hiểu đối tượng áp dụng sẽ là các gói thầu thuộc dự án đầu tư của DNNN theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Hội thảo Góp ý Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) do VCCI tổ chức nhằm thu thập ý kiến sửa đổi toàn diện Luật để bảo đảm hiệu quả thực chất của hoạt động đấu thầu và phù hợp với thông lệ quốc tế. (Ảnh: Báo Đấu thầu)

Hội thảo Góp ý Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) do VCCI tổ chức nhằm thu thập ý kiến sửa đổi toàn diện Luật để bảo đảm hiệu quả thực chất của hoạt động đấu thầu và phù hợp với thông lệ quốc tế. (Ảnh: Báo Đấu thầu)

Tuy nhiên, khi đưa ra thảo luận tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách về một số vấn đề lớn trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đầu tháng 4-2023, một số ý kiến cho rằng nếu quy định như dự thảo Chính phủ trình bày thì sẽ thu hẹp đáng kể đối tượng cần đấu thầu, tạo khoảng trống pháp luật trong quản lý vốn NN, dẫn tới toàn bộ các dự án đầu tư của công ty con của các tập đoàn, tổng công ty, DNNN khác… sẽ không phải đấu thầu. Luồng ý kiến này ủng hộ đối tượng áp dụng là các gói thầu thuộc dự án đầu tư của DNNN theo quy định của Luật Doanh nghiệp và doanh nghiệp có vốn của DNNN trên 50% vốn điều lệ.

Mở rộng đến đâu là phù hợp?

Các chuyên gia cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) theo tờ trình của Chính phủ không hề thu hẹp như một số ý kiến mà thực tế là đã mở rộng đối tượng chịu ảnh hưởng so với quy định của Luật Đấu thầu hiện hành.

Theo đó, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định "DNNN là DNNN nắm giữ 100% vốn điều lệ". Đến Luật Doanh nghiệp 2020 đã mở rộng đối tượng, theo đó DNNN là doanh nghiệp do NN nắm giữ 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Do đó, việc quy định phạm vi điều chỉnh đối với dự án đầu tư của DNNN như phương án một là đã mở rộng phạm vi điều chỉnh so với Luật Đấu thầu hiện tại.

“Việc mở rộng đối tượng như tờ trình hiện nay của Chính phủ là phù hợp với mục tiêu bảo vệ tính hiệu quả của việc sử dụng vốn NN. Chúng ta không nên mở rộng phạm vi áp dụng của Luật Đấu thầu với đối tượng là doanh nghiệp có vốn của DNNN trên 50% vốn điều lệ vì sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy”, một luật sư phân tích.

Cần chú ý đến sự phù hợp giữa các quy định

Theo khoản 8 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước) quy định: “Vốn NN tại doanh nghiệp bao gồm vốn từ ngân sách NN, vốn tiếp nhận có nguồn gốc từ ngân sách NN; vốn từ quỹ đầu tư phát triển tại doanh nghiệp, quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp; vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của NN và vốn khác được NN đầu tư tại doanh nghiệp”. Như vậy, vốn của doanh nghiệp có vốn của DNNN trên 50% trở lên không được xem là vốn NN. Do đó, yêu cầu các dự án đầu tư của doanh nghiệp có vốn của DNNN trên 50% vốn điều lệ phải thực hiện theo Luật Đấu thầu là vượt quá mục tiêu bảo vệ việc sử dụng vốn NN hiệu quả, gây khó khăn, kém linh hoạt cho các doanh nghiệp.

Ngoài ra, theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp có vốn của DNNN trên 50% vốn điều lệ không được xem là DNNN và không quy định cơ chế quản lý riêng biệt đối với các doanh nghiệp này như áp dụng đối với DNNN.

Căn cứ thêm quy định tại Nghị định số 91/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư vốn NN vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp chỉ yêu cầu các DNNN phải bắt buộc tuân thủ các quy định về đấu thầu trong hoạt động đầu tư, mua sắm của các DNNN đó, mà không yêu cầu các công ty con hay công ty liên kết của các DNNN đó cũng phải tuân theo các quy định về đấu thầu đó.

Do đó, việc yêu cầu các dự án đầu tư của doanh nghiệp có vốn của DNNN trên 50% vốn điều lệ phải thực hiện theo Luật Đấu thầu giống với các dự án đầu tư của DNNN là mâu thuẫn với tinh thần của Luật Doanh nghiệp hiện hành, cũng như không đảm bảo quyền “tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh” và quyền “lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn” của doanh nghiệp theo quy định tại Điều 7 của Luật Doanh nghiệp 2020. Ngoài ra, việc quy định như vậy là không phù hợp với tinh thần chủ đạo và xuyên suốt của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước và Nghị định số 91/2015/NĐ-CP.

Các công ty liên doanh sao phải đấu thầu theo quy định nhà nước

Đối với các nhà đầu tư tư nhân là các tập đoàn đa quốc gia, theo lãnh đạo một đơn vị trong ngành FMCG, cơ chế bảo vệ lợi ích và quản lý rủi ro của họ được tiến hành trên quy mô tập đoàn. Chẳng hạn, bên cạnh tiêu chí giá cả, các tập đoàn còn yêu cầu cao về chất lượng và tính tuân thủ của nhà cung cấp chiến lược và đàm phán lựa chọn nhà cung cấp còn tận dụng được lợi thế của tập đoàn đa quốc gia. Nếu yêu cầu các công ty liên doanh cũng phải áp dụng Luật Đấu thầu trong lựa chọn nhà thầu sẽ vừa triệt tiêu hiệu quả hoạt động quản trị doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp, vừa trì hoãn tiến độ vận hành sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đó.

Đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) phát biểu tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) ngày 5-4-2023. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội)

Đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) phát biểu tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) ngày 5-4-2023. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội)

Đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) chia sẻ: “Hiện nay ở nhiều doanh nghiệp do DNNN nắm một phần vốn điều lệ cũng đã thiết kế những quy trình, thủ tục đấu thầu phù hợp, vừa đảm bảo sự nhanh nhạy kịp thời, vừa bảo đảm tốt nhất lợi ích của các cổ đông và của chính doanh nghiệp, không nhất thiết phải áp dụng một quy trình cứng nhắc mà theo yêu cầu thực tế của doanh nghiệp và cổ đông”.

Do đó, các chuyên gia cho rằng cần giữ nguyên phương án như đề xuất của Chính phủ để đảm bảo tính thống nhất trong việc giải thích và áp dụng các quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp...

HÀ PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/mo-rong-doi-tuong-phai-dau-thau-sang-cong-ty-con-cua-dnnn-venh-luat-va-loi-bat-cap-hai-post733469.html