MỞ RỘNG ĐỐI TƯỢNG TIẾP CẬN THÔNG TIN VẪN PHẢI BẢO ĐẢM QUYỀN BÍ MẬT THÔNG TIN CỦA NGƯỜI BỊ NHIỄM HIV
Thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu đề nghị cân nhắc quy định về đối tượng có thẩm quyền thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính, đồng thời phải bảo đảm quyền bí mật thông tin của người bị nhiễm HIV.
Trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Lê Thanh Long cho biết, dự thảo Luật đã bổ sung đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV để bảo đảm lợi ích của người nhiễm HIV trong việc điều trị, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho họ cũng như phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV cho người trực tiếp chăm sóc, điều trị cho họ. (Điều 30 của Luật HIV 2006).
Cụ thể: “Người đứng đầu, người được giao nhiệm vụ giám sát dịch HIV/AIDS thuộc cơ quan nhà nước có thẩm quyền về phòng, chống HIV/AIDS tại các cấp” được thông báo kết quả xét nghiệm HIV để thống kê, đánh giá nguy cơ lây nhiễm HIV ra cộng đồng của họ. “Những người được tiếp cận thông tin của người nhiễm HIV gồm: Người đứng đầu, người được giao nhiệm vụ giám sát dịch HIV/AIDS; Người đứng đầu, người được giao nhiệm vụ của cơ quan bảo hiểm xã hội khi trực tiếp thực hiện việc giám định, thanh toán, quản lý thông tin khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV; Người đứng đầu, người được giao nhiệm vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi trực tiếp thực hiện việc thanh toán, quản lý thông tin khám bệnh, chữa bệnh cho người nhiễm HIV.” Đồng thời quy định phạm vi và nội dung thông tin của người nhiễm HIV được tiếp cận để đảm bảo giữ bí mật thông tin của người nhiễm HIV, nhưng vẫn thực hiện các nhiệm vụ trong phạm vi được giao.
Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng việc mở rộng đối tượng để tiếp cận được thông tin người bị nhiễm HIV/AIDS là vấn đề cực kỳ quan trọng mà luật hiện hành chưa quy định rõ ràng, cụ thể. Trong thời gian qua, những người nhiễm HIV/AIDS có những người thân, những người tiếp cận chăm sóc sức khỏe mà chưa biết người này bị nhiễm hay không hoặc những người thân cận của người này có bị nhiễm hay không. Nếu người nhiễm HIV/AIDS không nhận thức được thì có thể làm lây lan sang cho người khác là hết sức nguy hiểm, ảnh hưởng đến toàn xã hội và ảnh hưởng đến người chăm sóc, quản lý và người thân. Do đó, việc tiếp cận được thông tin đối với người nhiễm HIV/AIDS quy định tại Điều 30 và những nội dung của khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 là hết sức cần thiết.
Đại biểu Phạm Văn Hòa dẫn chứng trường hợp cha mẹ, vợ và người chuẩn bị đăng ký kết hôn, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, người chăm sóc trực tiếp về y tế cũng như những người tham gia tư vấn cho đối tượng này cần thiết phải biết thông tin. Tuy nhiên, để đảm bảo bí mật thông tin của người nhiễm HIV/AIDS, để cho người nhiễm HIV/AIDS không mặc cảm với xã hội, với những người xung quanh, đại biểu cũng cho rằng cần phải có tư vấn, có khuyến khích về mặt tinh thần cũng như đảm bảo tuyệt đối thông tin bí mật.
Có cùng quan điểm cho rằng việc dự thảo Luật bổ sung một số chủ thể được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV là cần thiết, đại biểu Lê Thị Yến – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ cho rằng quy định này nhằm đảm bảo việc thực hiện quản lý nhà nước trong việc phòng, chống HIV/AIDS, phù hợp với thực tiễn và lợi ích của người nhiễm HIV. Đồng thời, việc bổ sung một số chủ thể được tiếp cận thông tin cũng thống nhất với các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật Bảo hiểm y tế, giúp cho người nhiễm HIV được tư vấn, chăm sóc, điều trị sớm, bảo đảm sức khỏe cho họ và dự phòng lây nhiễm HIV trong cộng đồng.
Tuy nhiên, đại biểu Lê Thị Yến cũng cho rằng quy định này có liên quan và ảnh hưởng đến quyền bảo mật thông tin của cá nhân người nhiễm HIV, quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình. Cho nên, việc điều chỉnh chính sách này cần phải thể hiện được hài hòa giữa mục tiêu bảo đảm thực hiện chức năng quản lý nhà nước và cũng không ảnh hưởng đến bí mật cá nhân, cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của người nhiễm HIV. Do đó, để đảm bảo được yêu cầu này, dự thảo luật đã quy định trách nhiệm của những người được thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính và tiếp cận thông tin người nhiễm HIV phải giữ bí mật phải thông tin người nhiễm HIV đã được tiếp cận.
Đồng tình việc bổ sung mở rộng đối tượng được thông báo và tiếp cận thông tin về người nhiễm HIV, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng quy định này có ý nghĩa trong việc góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS; kịp thời đưa ra những chính sách hoặc là biện pháp để ngăn ngừa lây nhiễm HIV trong cộng đồng; đồng thời gắn trách nhiệm của những người mà công việc của họ phải tiếp cận thông tin về tình trạng nhiễm HIV của người nhiễm HIV.
Song vấn đề mà nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn chính là chính sách mới này có nhiều ý nghĩa đối với công tác quản lý nhưng lại khá nhạy cảm vì liên quan tới quyền bảo mật thông tin của người nhiễm HIV, đặc biệt là người nhiễm HIV ở lứa tuổi trẻ em. Mặt khác, thông tin về kết quả xét nghiệm HIV dương tính là bí mật thông tin của công dân cần được bảo vệ theo quy định tại khoản 1 Điều 38 của Hiến pháp 2013. Việc tiếp cận thông tin đã được quy định trong Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 cũng như một số các quy định pháp luật liên quan khác. Trên thực tế, quy định này có thể hạn chế tính khả thi vì người dân có thể vì sợ không được bảo mật thông tin cá nhân liên quan đến HIV mà tránh không sử dụng dịch vụ tư vấn, xét nghiệm, chăm sóc và điều trị HIV. Điều này đã được khuyến cáo trong hướng dẫn quốc tế về HIV/AIDS và quyền con người của Cao ủy Liên hợp quốc về quyền con người và cơ quan phòng, chống HIV/AIDS của Liên hợp quốc. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định chặt chẽ, bảo đảm tính hài hòa giữa hiệu quả của công tác quản lý và quyền lợi của người nhiễm HIV.
Đại biểu Bùi Thu Hằng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình nêu rõ, theo quy định của Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2006, chỉ những người trực tiếp chăm sóc cho người nhiễm HIV được thông báo kết quả xét nghiệm HIV và chưa có quy định cụ thể ai được quyền tiếp cận thông tin đối với người nhiễm HIV. Điều này làm phát sinh một số những khó khăn, bất cập như nhiều người biết mình nhiễm HIV nhưng vẫn làm lây nhiễm HIV cho người khác do không tiếp cận được thông tin người nhiễm. Dự thảo Luật đã bổ sung Điều 30, những người được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV để giúp cho việc phòng ngừa lây nhiễm đạt hiệu quả. Dự thảo luật cũng đã bổ sung đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV là những người đứng đầu, người được giao nhiệm vụ của cơ quan bảo hiểm xã hội khi trực tiếp thực hiện việc giám định, thanh toán, quản lý, thông tin khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV. Để đảm bảo lợi ích cho người nhiễm HIV trong việc điều trị, thanh toán, chi phí khám, chữa bệnh cho họ cũng như phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV cho người trực tiếp chăm sóc điều trị, đây là nội dung rất cần thiết. Trước đây, nguồn thuốc kháng virus điều trị cho bệnh nhân HIV chủ yếu là từ các nguồn viện trợ và ngân sách nhà nước. Hiện nay do nguồn viện trợ cắt giảm, việc điều trị HIV/AIDS đang chuyển sang sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế, vì vậy việc bổ sung những người được tiếp cận thông tin sẽ giúp người bệnh được điều trị HIV/AIDS từ Quỹ bảo hiểm y tế thuận lợi hơn, đồng thời phù hợp với các quy định hiện hành của Luật Bảo hiểm y tế và Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Đại biểu Bùi Thu Hằng phân tích thêm, theo quy định hiện hành, người làm xét nghiệm HIV có quyền không cung cấp thông tin cá nhân của mình. Vì vậy, trong số hơn 200.000 người hiện đã có kết quả xét nghiệm nhiễm HIV thì có hơn 20%, tương đương khoảng 40.000 đến 50.000 người không có địa chỉ, thông tin liên hệ. Việc cung cấp thông tin cá nhân sẽ giúp cho cán bộ y tế tiếp cận được với người nhiễm HIV từ đó tư vấn kịp thời, hướng dẫn cách dự phòng và đặc biệt đưa vào điều trị sớm để cải thiện sức khỏe cho bản thân người nhiễm, đồng thời tránh lây nhiễm HIV cho người khác. Mặt khác, điều trị ARV sớm cho người HIV sẽ là một trong những biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV hiệu quả nhất. Người nhiễm HIV nếu được điều trị sớm, tuân thủ điều trị tốt thì chỉ sau 1 đến 3 tháng là tải lượng virus HIV trong máu giảm xuống dưới ngưỡng phát hiện, tức là không còn khả năng lây nhiễm HIV cho những người khác qua đường tình dục. Đại biểu Bùi Thị Hẳng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, nếu người bệnh dùng thẻ bảo hiểm y tế thì ngay tại thời điểm này, khi quẹt thẻ qua thiết bị đọc cũng có thể tra cứu được thông tin về họ tên, ngày, tháng, năm sinh và nơi cư trú, có nhất thiết phải dùng thêm chứng minh thư, căn cước công dân hoặc số định danh cá nhân nữa hay không, hay chỉ cần giấy tờ tùy thân có ảnh, như sử dụng hộ chiếu còn hạn sử dụng, giấy chứng minh công an, quân đội hoặc bằng lái xe.
Bên cạnh đó, liên quan đến đối tượng được thông báo kết quả xét nghiệm HIV, dự thảo Luật bổ sung đối tượng là người chuẩn bị kết hôn được xét nghiệm, đại biểu Dương Tấn Quân – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị làm rõ căn cứ xác định người chuẩn bị kết hôn là như thế nào, cần giấy tờ gì để chứng minh là người chuẩn bị kết hôn vì hiện tại pháp luật chưa quy định như thế nào là người chuẩn bị kết hôn và đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định thật rõ ràng để thực hiện dễ hơn.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về đối tượng có thẩm quyền thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính; cũng như cần phải bảo đảm quyền bí mật thông tin của người bị nhiễm HIV./.
Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=49390