Mở rộng đối tượng xét NSND, NSƯT: Đúng người và đúng thời điểm
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) vừa công bố và tiến hành lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) - Nghị định này được xây dựng trên cơ sở Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 - với nhiều quy định mới. Trong đó, việc mở rộng đối tượng xét tặng danh hiệu là điểm mới nổi bật trong dự thảo lần này.
Nghệ sĩ tự do cũng có thể được xét NSND, NSƯT
Theo dự thảo, việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT mở rộng đối tượng xét tặng dành cho “người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật” trong 9 lĩnh vực: âm nhạc, điện ảnh, kiến trúc, múa, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, văn học, văn nghệ dân gian.
Việc mở rộng đối tượng xét tặng được cho là giải quyết được một số vướng mắc trong xã hội khi cứ mỗi đợt trao giải lại xuất hiện nhiều ý kiến về tính công bằng; đồng thời cũng nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong xây dựng tiêu chí xét tặng sao cho việc vinh danh đúng và trúng để mang tính chất động viên, khích lệ, tôn vinh.
Tuy nhiên, báo cáo ghi nhận ý kiến của các hội chuyên ngành về đề xuất các nội dung liên quan đến đối tượng “người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật” trong xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT thì có đến 6/9 hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành trung ương không có đề xuất gì. Cụ thể, bao gồm: Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.
3 hội còn lại có đề xuất đối tượng xét tặng danh hiệu, cụ thể như Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam đề xuất đối tượng là tác giả kịch bản múa; Hội Nhạc sĩ Việt Nam đề xuất đối tượng là nhạc sĩ sáng tác và phối khí; Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đề xuất đối tượng là nghệ sĩ sáng tác, nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh, giảng viên giảng dạy nhiếp ảnh. Việc từ chối và chủ động đề xuất của các hội này cho thấy việc mở rộng đối tượng xét duyệt danh hiệu đang tồn tại nhiều mâu thuẫn.
Khi đó, ông Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, Hội đồng tình với đề xuất mở rộng đối tượng được trao danh hiệu. Tuy nhiên, nhà văn không phải là nghệ sĩ nên Hội Nhà văn đề xuất không xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho các nhà văn. Trong khi đó, ông Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cũng thẳng thắn cho rằng kiến trúc sư không phải là ngành biểu diễn nên việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT là không phù hợp. Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cũng nêu quan điểm: “Hội viên của hội đã có danh hiệu nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân nhằm tri ân những người đang nắm giữ vốn di sản văn hóa vô cùng quý báu của dân tộc”.
Nhìn nhận về thực tế này, PGS. TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, ông hiểu được lý do có đến 6/9 hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành trung ương không đề xuất nhóm đối tượng “người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật”. Bởi thực tế, đã có quy định rất rõ ràng trong việc đánh giá thành tích trong nghệ thuật. Cụ thể, nếu đánh giá tài năng qua nghệ thuật biểu diễn thì sẽ dành cho NSND, NSƯT. Trong khi đó, đánh giá tài năng qua tác phẩm sẽ dành cho Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước.
“Khi mọi người cùng thống nhất tài năng qua các hạng mục khen thưởng nào, điều đó sẽ dễ đánh giá, dễ nhận được sự thừa nhận của đồng nghiệp nhiều hơn. Như vậy, các nghệ sĩ biểu diễn như diễn viên, ca sĩ... sẽ hướng tới danh hiệu NSND, NSƯT; còn các nhà văn, nhà điêu khắc... sẽ hướng đến Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước. Điều này phù hợp với Điều 6. Nguyên tắc thi đua, khen thưởng trong Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) là: “Không tặng thưởng nhiều hình thức cho một thành tích đạt được”. Nếu không có sự rõ ràng đó, công tác thi đua khen thưởng sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, PGS. TS Bùi Hoài Sơn bày tỏ.
Ở góc độ làm nghề, không ít nghệ sĩ cho rằng, cơ quan quản lý cần cân nhắc rõ ràng về nhóm đối tượng “người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật” để xét duyệt NSND, NSƯT. Bởi, nếu không sẽ có sự nhập nhằng giữa đặc trưng nghề nghiệp, khó phù hợp với danh hiệu được trao tặng, thậm chí có tình trạng “bội thực” hay “ra ngõ gặp” NSND, NSƯT.
“Tôi nghĩ nên có sự thay đổi linh động nếu cần thiết. Chẳng hạn, ngoại trừ người cầm máy sáng tác nhiếp ảnh, 2 công việc còn lại làm thế nào để chứng minh tác phẩm xét duyệt? Cả hai đối tượng này cũng có thể nộp hồ sơ xin ở danh hiệu riêng. Chẳng hạn, nhà nghiên cứu lý luận phê bình thuộc đối tượng xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật; hay giảng viên giảng dạy nhiếp ảnh thuộc đối tượng xét danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú. Điều này hẳn sẽ hợp lý và đỡ gây lấn cấn hơn”, nhiếp ảnh gia Thái Phiên bày tỏ.
Làm gì để việc xét tặng chính xác, không bỏ sót?
Dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, ngoài những quy định chung, dự kiến còn có thêm một số quy định về tiêu chí xét tặng. Cụ thể, đối với danh hiệu NSND, nghệ sĩ cần có ít nhất 2 giải vàng quốc gia, trong đó 1 giải vàng cá nhân hoặc có ít nhất 3 giải vàng quốc gia nếu không có giải vàng cá nhân.
Một số trường hợp có cống hiến nổi trội, có tài năng nghệ thuật nhưng thiếu giải thưởng sẽ trình Thủ tướng quyết định. Đối với danh hiệu NSƯT, cá nhân hoạt động nghệ thuật, phải có ít nhất 2 giải vàng quốc gia (trong đó có 1 giải vàng cá nhân); hoặc có ít nhất 1 giải vàng quốc gia và 2 giải bạc quốc gia (trong đó có 1 giải vàng cá nhân); hoặc có ít nhất 3 giải vàng quốc gia (nếu không có giải vàng cá nhân). Đối với cá nhân có cống hiến nổi trội, tài năng nghệ thuật, thiếu giải thưởng do Thủ tướng Chính phủ quyết định, cá nhân là người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật phải có tác phẩm xuất sắc có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật được công chúng yêu thích và đón nhận, có 2 tác phẩm đạt ít nhất 2 giải vàng quốc gia.
Thực tế, từ năm 2016 đến nay, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức 3 đợt xét tặng danh hiệu. Kết quả đã có 186 NSƯT được phong tặng danh hiệu NSND, 686 nghệ sĩ được tặng danh hiệu NSƯT. Hiện nay, Bộ VHTTDL đang trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, xét tặng danh hiệu NSND cho 136 NSƯT và xem xét, xét tặng danh hiệu NSƯT cho 347 nghệ sĩ. Tuy nhiên, mỗi kỳ xét tặng các danh hiệu NSND, NSƯT lại trở thành đề tài gây tranh cãi trong dư luận. Có khi nhiều nghệ sĩ thâm niên, có nhiều đóng góp cho nghệ thuật lại không có tên trong danh sách, nghệ sĩ ít thâm niên hơn, ít được công chúng biết tên lại nghiễm nhiên có tên.
Còn nhớ, cách đây 5 năm, trong đợt xét tặng, việc nghệ sĩ Giang Châu, Minh Vương, Thanh Tuấn bị gạt khỏi danh sách, trong khi các nghệ sĩ xếp sau cả về thâm niên làm nghề và sản phẩm nghệ thuật lại nghiễm nhiên có tên trong danh sách gây xôn xao dư luận. Thời điểm đó, cơ quan quản lý văn hóa Nhà nước phải vào cuộc, xem xét, bỏ phiếu lại cho các nghệ sĩ. Hay như đợt xét duyệt danh hiệu lần thứ 10, không có tên NSƯT Lê Thiện, NSƯT Thoại Mỹ... khiến cả giới trong nghề và dư luận bức xúc. Một trường hợp khác là cố NSƯT Út Bạch Lan, bà được nhắc đến như một điển hình của sự bất cập trong cơ chế xét tặng danh hiệu. Mãi 6 năm sau khi qua đời, bà mới được xét tặng NSND, mà ai cũng thấy là rất xứng đáng.
Do đó, tiêu chí rõ ràng để không bỏ sót và chính xác là kỳ vọng của những người làm văn hóa đối với dự thảo lần này. Cùng với tiêu chí huy chương, tiêu chí “tác phẩm xuất sắc có giá trị cao về nội dung tư tưởng và nghệ thuật được công chúng yêu thích đón nhận” hiện nay vẫn mang tính chung chung, chưa lượng hóa được tiêu chuẩn.
Tại cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, ông Phạm Huy Giang - Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương (Bộ Nội vụ) cũng đã lưu ý, Nghị định cần đảm bảo các tiêu chí rõ ràng, minh bạch, tôn vinh đủ, đúng, không bỏ sót tài năng. “Quy định giải vàng cá nhân trong tiêu chuẩn xét tặng NSND, NSƯT phải là “cấp quốc gia”. Đây là danh hiệu vinh dự Nhà nước cao nhất, vì vậy cần đảm bảo giá trị. Mặt khác, cần cân nhắc kỹ lưỡng giữa 2 Nghị định về quy định xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và Nghị định xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT để không có sự chênh lệch. Đơn cử như Nghị định xét danh hiệu NSND, NSƯT quy định cụ thể số lượng giải thưởng, nhưng Nghị định quy định về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước lại không quy định số lượng cụ thể, như vậy dường như Giải thưởng lớn hơn nhưng điều kiện lại dễ dàng hơn?”, ông Giang bày tỏ.
Vẫn câu chuyện lấy giải thưởng, huy chương làm thước đo
NSND Lê Tiến Thọ - nguyên Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam hai khóa 7, 8 cho rằng, sở dĩ xét duyệt danh hiệu NSND, NSƯT đã qua 10 mùa xét tặng, nhưng vẫn tranh cãi là do chưa có sự thấu tình, đạt lý. Bởi, có những cuộc có giám khảo chấm thi, có hội đồng xét duyệt, nếu người nào có giải là người đó giỏi; còn nếu không được thì là lỗi ở hội đồng. Điều này có xảy ra. Cũng cần xét ở chiều ngược lại, các nghệ sĩ cũng nên xem xét, phân tích lại cho kỹ càng về những tranh cãi. Sự cống hiến, đánh giá của văn nghệ sĩ còn nhiều khía cạnh, chứ không phải là ở tấm huy chương.
“Một tiết mục đi diễn liên hoan xong là có huy chương vàng, nhưng sau đó anh có đi diễn để lan tỏa vai diễn, nhân vật của mình không? Hay, đi liên hoan xong, được huy chương vàng đưa lên mạng xã hội khoe thành tích rồi đóng vở diễn lại. Có những NSND mà khán giả không biết họ từng diễn vở gì, vai gì… Danh hiệu nghệ sĩ phải tạo ra sự cao quý, đừng có ào ào rồi chẳng ai nhớ đến, khiến cái danh đó bị mất. Để rồi, sau ồn ào thì không ai nhớ, không biết họ là ai, đóng góp cái gì thì thật là giá trị danh hiệu ngày càng giảm sút. Tôi nghĩ, đây cũng là tiêu chí nên được đưa vào quy định rõ ràng. Chẳng hạn, nghệ sĩ đã có huy chương thì phải đi diễn ở bao nhiêu địa điểm để phục vụ nhân dân. Đã định lượng, thì định lượng phải rõ ràng”, NSND Lê Tiến Thọ bày tỏ.
NSND Lê Tiến Thọ cũng khẳng định, ông hiểu việc xét duyệt vốn dĩ được thực hiện theo quy định và đang thực hiện đúng quy định. Tuy nhiên, điều này chưa thể nói là ổn khi kết quả chưa làm thỏa mãn công chúng yêu nghệ thuật và cuộc xét duyệt nào cũng gay cấn, lắm ồn ào. “Chả có ai sai cả, chỉ có cái chưa đúng thôi, kết quả chưa làm thỏa mãn thôi. Luật không sai, hội đồng không phải không đúng. Làm sao để êm thấm thì yếu tố định tính, định lượng phải phân định cho rõ ràng hơn. Chẳng hạn, làm sao để những nghệ sĩ có cống hiến vẫn được ghi nhận, đỡ bị thiệt thòi. Mà để không thiệt thòi thì phải làm đúng, phải rà lại những tiêu chí cho kỹ, không bỏ sót và chính xác”, NSND Lê Tiến Thọ khẳng định.