Mở rộng hợp tác công tư trong khoa học, công nghệ và chuyển đổi số

Mới đây Chính phủ ban hành Nghị định số 180/2025/NĐ-CP nhằm quy định cơ chế, chính sách thúc đẩy hợp tác công tư (PPP) trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Nghị định tạo hành lang pháp lý mới, đồng bộ, minh bạch để thu hút đầu tư xã hội hóa và phát triển bền vững hạ tầng công nghệ quốc gia.

Nghị định quy định về cơ chế, chính sách về: PPP để đầu tư, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; PPP tư theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; PPP theo cơ chế sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết; trách nhiệm của các bên trong hoạt động PPP...

Lĩnh vực áp dụng PPP

Theo Nghị định 180/2025/NĐ-CP của Chính phủ, PPP được triển khai trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nhằm huy động nguồn lực xã hội, thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao, phát triển hạ tầng số và đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Chính phủ mở rộng hợp tác công tư trong khoa học, công nghệ và chuyển đổi số.

Chính phủ mở rộng hợp tác công tư trong khoa học, công nghệ và chuyển đổi số.

Thứ nhất, PPP được áp dụng đối với công nghệ cao và công nghệ chiến lược theo quy định pháp luật hiện hành. Bao gồm cả đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao, công nghệ chiến lược.

Thứ hai, PPP được triển khai trong phát triển hạ tầng số nhằm phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số và Chính phủ số. Hạ tầng số được xác định theo chiến lược từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Thứ ba, nhà nước khuyến khích đầu tư phát triển các nền tảng số dùng chung, một phần quan trọng trong hạ tầng số quốc gia theo quy định tại Điều 10 của Nghị quyết 193/2025/QH15 về thí điểm cơ chế đặc biệt trong đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Thứ tư, các hoạt động đào tạo và phát triển nhân lực công nghệ số, nhân lực công nghiệp công nghệ số cũng được đưa vào phạm vi PPP. Bao gồm: đầu tư, xây dựng và vận hành nền tảng giáo dục trực tuyến, mô hình đại học số; cải tạo, nâng cấp các cơ sở đào tạo và viện nghiên cứu công nghệ chiến lược; kết nối chương trình đào tạo giữa các trường, viện, trung tâm trong và ngoài nước với các doanh nghiệp, tổ chức.

Thứ năm, tất cả các loại hình công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc hoạt động khác có mục tiêu thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đều có thể áp dụng mô hình PPP, phù hợp với định hướng chiến lược quốc gia.

Chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước

Tổ chức, cá nhân tham gia PPP trong đầu tư, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi từ Nhà nước như sau:

Thứ nhất, được áp dụng ưu đãi thuế theo quy định hiện hành. Đặc biệt, chi phí cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) được tính 200% vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Thứ hai, được miễn, giảm tiền thuê đất, sử dụng đất và hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư và các quy định liên quan.

Thứ ba, được sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo quy định pháp luật và Điều 6 của Nghị định này.

Thứ tư, được áp dụng cơ chế chấp nhận rủi ro trong hoạt động nghiên cứu, với tiêu chí đánh giá, bảo vệ người thực hiện và quy trình quản lý rủi ro theo quy định pháp luật về khoa học và công nghệ.

Thứ năm, các dự án đầu tư theo hình thức quy định tại Chương II của Nghị định được hưởng đồng thời ưu đãi tại Điều này và các quy định riêng tại Điều 17.

Thứ sáu, nếu tham gia hợp tác theo cơ chế sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết (Chương III), tổ chức, cá nhân được áp dụng chính sách ưu đãi tại Điều này và Điều 21 của Nghị định.

Thứ bảy, các hình thức hợp tác khác theo Chương IV cũng được hưởng ưu đãi tương ứng theo quy định pháp luật hiện hành và Điều này.

Thứ tám, Nhà nước có thể đặt hàng hoặc chỉ định thầu với sản phẩm là kết quả từ PPP phục vụ các nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quan trọng.

Quyền sở hữu, dữ liệu và phân chia lợi nhuận trong PPP

Quyền sở hữu, quản lý và sử dụng đối với các tài sản hình thành từ hoạt động nghiên cứu trong PPP bao gồm: phần mềm, sản phẩm, nền tảng công nghệ và ứng dụng khai thác dữ liệu sẽ được các bên xác định cụ thể trong hợp đồng hoặc thỏa thuận hợp tác, phù hợp quy định pháp luật hiện hành. Trường hợp có quy định riêng, sẽ thực hiện theo quy định tại khoản 2 của điều này.

Đối với dữ liệu hình thành trong quá trình hợp tác: Dữ liệu gốc do cơ quan nhà nước trực tiếp tạo lập hoặc số hóa sẽ thuộc quyền sở hữu của cơ quan nhà nước, trừ khi các bên có thỏa thuận khác. Dữ liệu phát sinh từ quá trình phân tích, khai thác được quản lý theo thỏa thuận giữa các bên và tuân thủ pháp luật về dữ liệu, sở hữu trí tuệ, khoa học và công nghệ.

Lợi nhuận sau thuế từ hoạt động khai thác thương mại các sản phẩm nghiên cứu được phân chia theo tỷ lệ đóng góp tài chính, công nghệ và tài nguyên của các bên. Việc phân chia này phải được thể hiện rõ trong hợp đồng hoặc thỏa thuận hợp tác, đảm bảo nguyên tắc minh bạch, công bằng và tuân thủ pháp luật liên quan.

Các hình thức PPP

Nghị định số 180/2025/NĐ-CP quy định ba hình thức PPP chính trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và chuyển đổi số là: Đầu tư theo phương thức PPP theo Luật Đầu tư đối tác công tư; Sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết nghiên cứu, đào tạo; Các hình thức hợp tác linh hoạt khác do các bên tự thỏa thuận.

Hợp tác công tư theo Luật PPP

PPP được áp dụng với các dự án xây dựng, vận hành hạ tầng khoa học - công nghệ, bao gồm: Hạ tầng nghiên cứu công nghệ cao, công nghệ chiến lược; Hạ tầng số, dịch vụ số, nền tảng dữ liệu; Hạ tầng đào tạo nhân lực công nghệ số; Hạ tầng khác liên quan đến đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Dự án PPP có thể triển khai theo các loại hợp đồng như: BOT, BTO, BOO (đối với dự án thương mại hóa); BTL, BLT (dự án phi lợi nhuận); BT (xây dựng - chuyển giao); O&M (quản lý - vận hành hạ tầng công).

Chính sách ưu đãi với dự án PPP

Dự án PPP trong lĩnh vực khoa học và công nghệ được hưởng nhiều chính sách đặc thù: Vốn nhà nước tham gia tới 70% tổng mức đầu tư để hỗ trợ xây dựng, bồi thường, giải phóng mặt bằng. Được đặt hàng, tài trợ nghiên cứu từ ngân sách nhà nước độc lập với vốn đầu tư xây dựng.

Cơ chế chia sẻ doanh thu: Trong 3 năm đầu, nếu doanh thu giảm so với phương án tài chính, nhà nước chia sẻ 100% phần giảm. Chấm dứt hợp đồng trước thời hạn nếu doanh thu thực tế quá thấp, nhà nước hoàn trả chi phí hợp pháp và tiếp nhận tài sản dự án.

Hợp tác sử dụng tài sản công

Đơn vị sự nghiệp công lập được phép sử dụng tài sản công, bao gồm cả dữ liệu, để: Liên kết với đơn vị khác hoặc doanh nghiệp trong và ngoài nước; Thực hiện nghiên cứu công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nhân lực công nghệ số.

Đáng chú ý, trong trường hợp liên doanh để thực hiện hoạt động khoa học, công nghệ chiến lược hoặc đào tạo, các đơn vị công lập được miễn nộp khoản tối thiểu 2% doanh thu, theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Riêng các quy định tại Điều 6 (về quyền sở hữu), Điều 19 (tài sản công) và Điều 22 (tài trợ đặt hàng nghiên cứu) áp dụng từ ngày 1/10/2025.

Thanh Hằng

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/mo-rong-hop-tac-cong-tu-trong-khoa-hoc-cong-nghe-va-chuyen-doi-so.html