Mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP
Ðể được công nhận là sản phẩm của chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các sản phẩm phải trải qua quy trình đánh giá, phân hạng, đạt tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều sản phẩm OCOP vẫn chưa được quảng bá rộng rãi, chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến. Ðể giải bài toán này, cần đẩy mạnh việc mở rộng các kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Ðể được công nhận là sản phẩm của chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các sản phẩm phải trải qua quy trình đánh giá, phân hạng, đạt tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều sản phẩm OCOP vẫn chưa được quảng bá rộng rãi, chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến. Ðể giải bài toán này, cần đẩy mạnh việc mở rộng các kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Với mong muốn khôi phục nghề dệt lụa truyền thống, Công ty cổ phần Thương mại Hanhsilk (trụ sở tại số 2 phố Hoa Lư, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã xây dựng quy trình sản xuất lụa tự nhiên đạt chất lượng cao. Sản phẩm lụa mang thương hiệu Hanhsilk được xuất khẩu đi Mỹ, Ca-na-đa, thị trường châu Âu... Mới đây, sản phẩm này đã được công nhận là sản phẩm OCOP của Hà Nội. Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Hanhsilk Lương Thanh Hạnh chia sẻ: "Chứng nhận OCOP đã góp phần quan trọng trong việc nhận định rõ sản phẩm và quyết định chốt đơn của khách hàng". Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh thu từ hoạt động xuất khẩu của đơn vị đã giảm từ 80% trước đây xuống còn khoảng 50%. Doanh nghiệp đang được tiếp cận các kênh phân phối của thị trường trong nước, từng bước đến gần người tiêu dùng hơn.
Mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP là mong mỏi của hầu hết các doanh nghiệp. Ðáp ứng nhu cầu này, Sở Công thương Hà Nội đã phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã, các doanh nghiệp xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Mới đây, năm điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đầu tiên của thành phố đã được khai trương tại quận Hà Ðông, bao gồm: Cửa hàng Hợp tác xã Vụn Art tại phường Vạn Phúc; cửa hàng cơ sở lụa tơ tằm Triệu Văn Mão, phường Vạn Phúc; cửa hàng Xuân Cường Hadicraft, địa chỉ tại M18, Khu đấu giá Ngô Thì Nhậm; cửa hàng rau an toàn, chợ Hà Ðông và điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tại Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp - Sở Công thương. Hàng hóa bày bán trong các điểm giới thiệu, quảng bá nêu trên đều là các sản phẩm OCOP đạt thứ hạng từ 3 sao trở lên, bao gồm các sản phẩm lụa tơ tằm, thủ công mỹ nghệ, rau, củ, quả an toàn,...
Bên cạnh đó, 20 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các huyện Gia Lâm, Quốc Oai và thị xã Sơn Tây cũng chuẩn bị được khai trương trong tháng 10-2020. Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, Trần Thị Phương Lan nhận định, từ thực tế hoạt động quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP thời gian qua cho thấy, các đơn vị sản xuất mặt hàng này chưa có chỗ trưng bày, giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng cũng như các đầu mối tiêu thụ. Do đó, Sở Công thương đã khảo sát các địa điểm để làm điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Việc hình thành các điểm bán sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp, các hợp tác xã, các làng nghề quảng bá sản phẩm OCOP, trở thành địa chỉ tin cậy khi người tiêu dùng có nhu cầu mua sắm, sử dụng các sản phẩm OCOP.
Năm 2021, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu có khoảng 60 đến 70 điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP. Ðể các điểm này hoạt động hiệu quả, Sở Công thương Hà Nội đã đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã có sản phẩm OCOP và sản phẩm đang xây dựng OCOP hướng dẫn các chủ thể sản phẩm chủ động liên hệ, làm việc với đầu mối các điểm để thống nhất phương thức quảng bá, kết nối, đưa sản phẩm OCOP vào giới thiệu, bày bán tại đây. Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan cũng tích cực rà soát, vận động các đơn vị, chủ thể OCOP có mặt bằng, cửa hàng, vị trí phù hợp để xây dựng, phát triển điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại địa phương. Yêu cầu, mỗi quận, huyện, thị xã đưa vào hoạt động ít nhất hai điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trong năm 2021.
Ngoài các điểm bán cố định, các doanh nghiệp cũng có nhu cầu được đưa sản phẩm OCOP vào các siêu thị, cửa hàng tiện ích để có kênh tiêu thụ ổn định. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này không phải dễ. Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Centra Retail, Nguyễn Thị Phương chia sẻ, hệ thống siêu thị Big C có nhu cầu kinh doanh sản phẩm OCOP, nhưng nhiều đơn vị sản xuất hoạt động nhỏ lẻ, manh mún, thiếu nhiều giấy tờ quan trọng như truy xuất nguồn gốc, chứng từ mua bán… Do đó, rất khó kết nối vào các siêu thị và chuỗi bán lẻ. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Tạ Văn Tường cho biết, để khắc phục vấn đề này, Sở sẽ tiếp tục hỗ trợ các đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP về khoa học kỹ thuật, công nghệ để sản xuất theo hướng an toàn; hoàn thiện thủ tục cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm... bảo đảm đủ điều kiện đưa hàng vào siêu thị theo yêu cầu của nhà phân phối. Ðồng thời, thành phố cũng sẽ đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua chợ thương mại điện tử của thành phố, các hội chợ, triển lãm…
"Sau gần hai năm triển khai, TP Hà Nội đã có 301 sản phẩm nông sản, làng nghề được cấp chứng nhận OCOP. Trong đó, sáu sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao, 207 sản phẩm 4 sao, 88 sản phẩm 3 sao, vượt kế hoạch đề ra. Năm 2020, mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng các đơn vị vẫn tích cực lựa chọn, đánh giá, phân hạng các sản phẩm có chất lượng để có khoảng 500 đến 700 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Những nỗ lực mở rộng kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm OCOP sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới ở Thủ đô" - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, Trần Thị Phương Lan cho biết.