Mở rộng lĩnh vực hợp tác giữa Việt Nam và Ba Lan
Hai nước có tiềm năng tận dụng tốt hơn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) để Ba Lan trở thành cầu nối cho hàng hóa Việt Nam xâm nhập và phát triển ở thị trường EU, cũng như hàng hóa Ba Lan thông qua thị trường Việt Nam tiếp cận thị trường các nước ASEAN và các nước mà Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ba Lan của Thủ tướng Phạm Minh Chính, đoàn công tác Việt Nam do Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên làm trưởng đoàn đã có cuộc họp tham vấn kinh tế song phương lần thứ 2 với đoàn đại biểu của Ba Lan do Bộ trưởng Phát triển Kinh tế và Công nghệ Krystof Paszyk dẫn đầu.
Cuộc họp tham vấn được thực hiện trong khuôn khổ các điều khoản Bản ghi nhớ giữa Bộ Phát triển Kinh tế và Tài chính Ba Lan và Bộ Công thương Việt Nam ký ngày 28/11/2017.
Tại cuộc họp, hai Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác giữa hai nước trong bối cảnh kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Ba Lan và Việt Nam. Hai bên ghi nhận mối quan hệ lâu dài và hữu nghị sâu sắc giữa hai nước và nhất trí tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế song phương, thúc đẩy thương mại và đầu tư, mở thêm những lĩnh vực hợp tác mới hai Bên cùng có lợi.
Hai Bộ trưởng đã cùng nhau thảo luận về các lĩnh vực hợp tác như thương mại, công nghiệp, khai thác khoáng sản, đổi mới sáng tạo, phát triển công nghiệp bán dẫn, chuyển đổi số, nông sản, dược phẩm và bày tỏ quan điểm về hợp tác trong tương lai trong các lĩnh vực này.
Hai bên cũng đã trao đổi thông tin về các xu hướng mới nhất trong thương mại song phương và các giải pháp để thuận lợi hóa cho thương mại, đầu tư, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường hơn nữa các cuộc tiếp xúc giữa doanh nghiệp hai nước thông qua các hội chợ, triển lãm, sự kiện xúc tiến thương mại.
Hai Bộ trưởng nhấn mạnh, cần tận dụng hiệu quả EVFTA tạo điều kiện cho hàng hóa có thế mạnh của mỗi nước thâm nhập thị trường của nhau. Điều này sẽ tạo nền tảng vững chắc cho việc thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Ba Lan trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng Krzysztof Paszyk, Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng nhất của Ba Lan trong số các nước ASEAN và là một trong những điểm đầu tư hàng đầu của các doanh nghiệp Ba Lan ở châu Á-Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Krzysztof Paszyk cũng mong muốn, thương mại hai nước sẽ hướng đến sự cân bằng và mở rộng các mặt hàng thương mại. Theo đó, 10 tháng năm 2024, xuất khẩu của Ba Lan sang Việt Nam đạt 339 triệu USD, nhưng nhập khẩu đạt 4,7 tỷ USD, dẫn đến nhập siêu ở mức 4,4 tỷ USD.
Việc mở rộng tiếp cận thị trường cho các sản phẩm nông sản thực phẩm của Ba Lan có thể giúp góp phần cân bằng thương mại song phương giữa hai nước. Bên cạnh đó, việc tăng cường các cuộc đối thoại giữa các tổ chức kiểm dịch thực vật và thú y cũng sẽ giúp mở cửa thị trường Việt Nam cho các sản phẩm nông sản chất lượng cao của Ba Lan.
Bộ trưởng Krzysztof Paszyk kỳ vọng, phía Việt Nam sẽ cập nhật thường xuyên danh sách các cơ sở của Ba Lan và danh sách các sản phẩm Ba Lan thuộc diện kiểm soát thú y; đồng thời, sớm hoàn tất yêu cầu xuất khẩu đối với các sản phẩm có nguồn gốc động vật từ Ba Lan.
Liên quan đến những đề xuất từ phía Ba Lan, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhất trí và tin rằng, những đề xuất này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam-Ba Lan. Hiện dư địa cho phát triển thương mại, đầu tư giữa hai nước vẫn còn rất lớn, có thể tiếp tục gặt hái những kết quả tốt đẹp trong tương lai.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đánh giá cao hoạt động của Nhóm công tác về nông nghiệp giữa hai nước. Kết quả cuộc họp Nhóm công tác về nông nghiệp lần thứ 3 được tổ chức tại Việt Nam vào tháng 11/2024 đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm của hai nước sang thị trường mỗi bên. Việt Nam đề xuất hai bên mở rộng hợp tác trong lĩnh vực đóng tàu phục vụ nghiên cứu nguồn lợi hải sản.
Hợp tác thương mại và đầu tư trong lĩnh vực dược phẩm rất tiềm năng. Tuy nhiên, để tận dụng điều này còn phụ thuộc nhiều vào việc tuân thủ quy định của hai nước và các Điều ước quốc tế mà hai nước là thành viên. Việt Nam khuyến khích các công ty nước ngoài đầu tư nghiên cứu và sản xuất thuốc, vaccine, sinh phẩm tại Việt Nam; chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc mới, thuốc biệt dược và thuốc sinh học tại các cơ sở sản xuất thuốc Việt Nam; hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật trong điều trị, sản xuất dược phẩm và mỹ phẩm; chuyển giao công nghệ và đầu tư sản xuất trang thiết bị y tế tại Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên hoan nghênh đề xuất của phía Ba Lan trong việc mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực như công nghệ bán dẫn, nông nghiệp, khai thác mỏ, năng lượng, môi trường, các giải pháp công nghệ bền vững và thân thiện với môi trường cho nền kinh tế tuần hoàn, quản lý nước thải.
Để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực này, hai nước cần tiếp tục tăng cường trao đổi, hỗ trợ lẫn nhau trong thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hiện các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.
Trong lĩnh vực chuyển đổi số, Việt Nam khuyến khích hai bên hợp tác, trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng chính sách, chiến lược, giải pháp, mô hình và công nghệ để thúc đẩy chuyển đổi số. Hai bên có thể hợp tác phát triển nền tảng số; đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI); đào tạo nguồn nhân lực số; phát triển các giải pháp an ninh mạng; thúc đẩy hợp tác thương mại số; triển khai các dự án thí điểm ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong các ngành như nông nghiệp thông minh, sản xuất, dịch vụ.
Ngoài ra, tại COP 26, Việt Nam đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Do vậy, Việt Nam mong muốn hợp tác với Ba Lan để trao đổi kinh nghiệm trong chuyển đổi năng lượng và chuyển giao công nghệ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Cùng với việc đề nghị Ba Lan hỗ trợ Việt Nam vận động Ủy ban châu Âu (EC) dỡ bỏ thẻ vàng đối với ngành thủy sản Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác trong hoạt động xúc tiến thương mại giữa hai Bên. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam tiếp cận thị trường Ba Lan, đồng thời tạo điều kiện cho các sản phẩm có ưu thế của Ba Lan thâm nhập thị trường Việt Nam một cách hiệu quả.
Để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước, hai bên cần phối hợp chặt chẽ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa thông qua hệ thống siêu thị, bán lẻ tại cả Ba Lan và Việt Nam, bao gồm: Cung cấp thông tin, giới thiệu các tập đoàn phân phối Ba Lan đặt hiện diện thương mại tại Việt Nam, hợp tác đưa hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào các mạng phân phối của các tập đoàn tại Ba Lan và các nước thuộc EU, nhất là hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam; khuyến khích các tập đoàn phân phối đa quốc gia của Ba Lan/EU liên kết, hợp tác với các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam để phát triển nguồn hàng, xây dựng Việt Nam thành trung tâm cung ứng của khu vực.
Trước bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, những nền kinh tế mở, hội nhập sâu như Việt Nam và Ba Lan cần hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa, nhất là trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp và chuyển đổi năng lượng để cùng ứng phó, nâng cao sức chống chịu của mỗi nền kinh tế. Việc tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại song phương cũng như trong khuôn khổ đa phương giữa hai khối ASEAN và EU sẽ mang lại lợi ích to lớn cho cả Việt Nam và Ba Lan.
Sau cuộc họp tham vấn kinh tế lần thứ 2 Việt Nam-Ba Lan, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Krystof Paszyk đã ký kết biên bản cuộc họp, thống nhất nhiều nội dung quan trọng để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước. Dự kiến cuộc họp Tham vấn kinh tế song phương lần thứ 3 sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào năm 2027.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/mo-rong-linh-vuc-hop-tac-giua-viet-nam-va-ba-lan-post856456.html