Mở rộng mô hình phát triển rừng bền vững

Với sự vào cuộc tích cực của ngành Nông nghiệp, các địa phương và hỗ trợ từ các doanh nghiệp (DN), đến nay diện tích rừng đạt chứng chỉ rừng bền vững (FSC) đã vượt xa so với mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Doanh nghiệp đồng hành

Để đạt được chứng chỉ FSC cần nguồn đầu tư lớn cho chi phí thuê tư vấn, chuyên gia tổ chức khảo sát, đánh giá cấp chứng chỉ và duy trì định kỳ hằng năm. Tuy nhiên, nhận thấy những lợi ích từ việc được cấp chứng chỉ FSC, nhiều DN đã đồng hành, hỗ trợ kinh phí, chuyên môn để các nhóm hộ triển khai hoạt động cấp và duy trì chứng chỉ.

 Nhân viên Công ty TNHH Sản xuất Dương Linh khảo sát lập hồ sơ hỗ trợ cấp chứng chỉ FSC cho rừng sản xuất của các nhóm hộ tại huyện Lục Nam.

Nhân viên Công ty TNHH Sản xuất Dương Linh khảo sát lập hồ sơ hỗ trợ cấp chứng chỉ FSC cho rừng sản xuất của các nhóm hộ tại huyện Lục Nam.

Năm 2023, được Công ty cổ phần SMARTWOOD Việt Nam tài trợ, huyện Lục Ngạn có thêm hơn 4,3 nghìn ha rừng được cấp chứng chỉ FSC. Mô hình được khảo sát đánh giá đối với các nhóm hộ tại 6 xã gồm: Hộ Đáp, Kiên Thành, Đồng Cốc, Tân Mộc, Tân Lập và Phú Nhuận với tổng số 1.295 hộ tham gia. Điều đáng nói là mặc dù mới đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn nhưng để bảo đảm nguồn nguyên liệu đạt chất lượng, tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường, Công ty cổ phần SMARTWOOD Việt Nam đã hỗ trợ kinh phí để các nhóm hộ được cấp và duy trì chứng chỉ FSC.

Theo đại diện Hạt Kiểm lâm Lục Ngạn, việc phát triển rừng bền vững góp phần nâng cao chất lượng gỗ rừng trồng, đáp ứng các yêu cầu khi xuất khẩu sản phẩm sang một số thị trường cao cấp, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm cũng như thu nhập cho chủ rừng. Cùng đó giúp người dân có ý thức tốt hơn về bảo vệ môi trường, thể hiện tính cộng đồng cao trong sản xuất lâm nghiệp. Các chủ rừng có chứng chỉ rừng FSC được DN cam kết bao tiêu sản phẩm ổn định, lâu dài.

Bên cạnh đó, rừng được quản lý chặt chẽ, sản phẩm bán ra thị trường có thể truy xuất nguồn gốc dễ dàng, các chỉ số về môi trường (đất, nước, không khí, đa dạng sinh vật…) được cải thiện. Hạt Kiểm lâm huyện sẽ tổ chức giám sát và đề nghị các xã có nhóm hộ đã được cấp chứng chỉ rừng FSC cần xây dựng kế hoạch, phương án khai thác những diện tích rừng trồng đến tuổi cung ứng sản phẩm cho DN theo hợp đồng đã ký kết. Ngoài ra, đề nghị DN tiếp tục hỗ trợ triển khai mở rộng việc cấp chứng chỉ rừng tại các xã còn lại.

Tương tự, tại huyện Lục Nam, mặc dù mới đang trong quá trình xây dựng nhà máy chế biến gỗ nhưng để chuẩn bị nguồn nguyên liệu bền vững, đủ tiêu chuẩn khi xuất khẩu sang các thị trường cao cấp, Công ty TNHH Sản xuất Dương Linh đang phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện, UBND các xã: Nghĩa Phương, Đông Hưng, Vô Tranh, Đông Phú và Lục Sơn triển khai xây dựng nhóm hộ quản lý rừng bền vững để cấp chứng chỉ FSC.

Đến nay, các bước khảo sát hiện trường, tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân về phát triển rừng bền vững đã cơ bản hoàn thành và đã có gần 2 nghìn hộ đăng ký tham gia. Dự kiến trong năm 2024, sẽ có khoảng 4,5 nghìn ha rừng tại Lục Nam được cấp chứng chỉ FSC và DN đang tiếp tục vận động, hỗ trợ người dân lập hồ sơ để phấn đấu có 8 nghìn ha rừng được cấp chứng chỉ.

Phát huy lợi thế từ rừng

Chứng chỉ FSC được cấp bởi Hội đồng Quản lý rừng thế giới nhằm khuyến khích các hoạt động khai thác đi đôi với phát triển bền vững tài nguyên rừng. Đây là chứng nhận được dùng cho các nhà quản lý rừng hay nhà sản xuất các sản phẩm từ rừng bảo đảm được tiêu chí về phát triển bền vững, cân bằng các giá trị bảo vệ môi trường với lợi ích xã hội của các bên liên quan. Đồng thời chủ rừng tuân thủ các nguyên tắc như: Phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không sử dụng các loại chất hóa học và phân bón bị cấm, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất từ việc trồng, chăm sóc, đến thu hoạch. Không được vứt các loại rác thải ra rừng, không đốt thực bì sau thu hoạch, phải thực hiện chế độ nhân công và điều lệ an toàn lao động theo quy định...

 Rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC của Công ty TNHH Hai thành viên Lâm nghiệp Yên Thế.

Rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC của Công ty TNHH Hai thành viên Lâm nghiệp Yên Thế.

Hiện chi phí để thuê tư vấn xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, lập hồ sơ đánh giá và cấp chứng chỉ bình quân hơn 1,3 triệu đồng/ha, ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ tối đa không quá 300 nghìn đồng/ha. Chưa kể hằng năm phải bố trí kinh phí cho công tác đánh giá, duy trì chứng chỉ. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, thực hiện Đề án hỗ trợ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2020-2030 (gọi chung là đề án), mặc dù triển khai được hơn 4 năm nhưng đến nay đã cơ bản hoàn thành mục tiêu cả giai đoạn. Đặc biệt, đề án đã mang lại những kết quả ngoài mong đợi vì ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ một phần nhỏ so với dự kiến, còn lại toàn bộ do DN chủ động hỗ trợ các nhóm hộ. Cụ thể, đến nay kinh phí nhà nước mới phải hỗ trợ hơn 380 triệu đồng, trong khi kế hoạch, lộ trình của đề án được bố trí hơn 4 tỷ đồng.

Toàn tỉnh hiện có hơn 16,9 nghìn ha rừng đã được cấp chứng chỉ FSC trên địa bàn 3 huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Yên Thế, gồm có 2 chủ rừng là tổ chức (Công ty TNHH Hai thành viên Lâm nghiệp Yên Thế và Lục Ngạn) và 3 chủ rừng là nhóm hộ, đạt 99,98% kế hoạch của Đề án hỗ trợ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2020-2030.

Ông Trương Đức Đáng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, toàn tỉnh hiện có hơn 16,9 nghìn ha rừng đã được cấp chứng chỉ FSC trên địa bàn 3 huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Yên Thế gồm có 2 chủ rừng là tổ chức (Công ty TNHH Hai thành viên Lâm nghiệp Yên Thế và Lục Ngạn) và 3 chủ rừng là nhóm hộ, đạt 99,98% kế hoạch của đề án.

Đạt được kết quả trên, trước hết là do các DN, chủ rừng nhận thấy tầm quan trọng cũng như lợi ích của việc được cấp chứng chỉ rừng bền vững nên đã chung tay hỗ trợ kinh phí, công tác tập huấn chuyên môn cho các nhóm hộ, cá nhân. Cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo điều kiện về thủ tục, hướng dẫn chuyên môn để hoàn thành các bước khảo sát, tập huấn, lập hồ sơ... Tuy vậy, diện tích được cấp chứng chỉ rừng mặc dù đã tăng nhanh qua các năm nhưng vẫn còn thấp so với tổng diện tích rừng trồng nguyên liệu tập trung của tỉnh (hiện chiếm 21,25%). Gỗ rừng trồng có chứng chỉ rừng bền vững chưa phát huy hết được lợi thế và tiềm năng tương xứng. Bên cạnh đó, diện tích rừng được giao của các hộ gia đình manh mún, nhỏ lẻ dẫn đến quá trình rà soát hiện trường mất nhiều thời gian, công sức.

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả đề án. Đồng thời hỗ trợ kinh phí cho chủ rừng trong quá trình lập phương án quản lý rừng bền vững, lập hồ sơ đánh giá, kinh phí duy trì đánh giá sau khi được cấp chứng chỉ FSC.

Cùng đó, thúc đẩy liên kết nhóm hộ để mở rộng diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý bền vững. Thu hút đầu tư nhà máy chế biến gỗ, nhất là nhà máy chế biến sâu, tạo điều kiện thuận lợi để DN hỗ trợ liên kết thành lập nhóm hộ, hợp tác xã trong sản xuất lâm nghiệp. Qua đó phát huy tiềm năng, lợi thế từ kinh tế lâm nghiệp của địa phương.

Bài, ảnh: Nguyễn Hưởng

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/mo-rong-mo-hinh-phat-trien-rung-ben-vung-073127.bbg