Mở rộng mô hình thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm: Tạo niềm tin cho người tiêu dùng
Sau một năm mở rộng mô hình thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP), Hà Nội bước đầu đã ghi nhận những chuyển biến tích cực trong công tác quản lý ATTP của chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm nhằm tháo gỡ khó khăn, bất cập để mô hình hoạt động hiệu quả hơn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Bảo đảm nhiệm vụ kép
Hiện nay, Hà Nội có trên 38.000 cơ sở dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố, rất cần sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền sở tại. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, TP Hà Nội yêu cầu các quán cà phê, nhà hàng ăn uống phải đo thân nhiệt cho khách, bố trí nước sát khuẩn và giãn cách tối thiểu 1m, không tập trung đông người để thực hiện nhiệm vụ kép phát triển kinh tế nhưng vẫn bảo đảm tốt công tác phòng chống dịch.
Đoàn công tác của Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế Hà Nội vừa tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác bảo đảm ATTP và phòng, chống dịch Covid-19 trên tuyến phố ATTP có kiểm soát tại phố Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy. Qua kiểm tra 3 nhà hàng (phở, trà sữa, cà phê) cho thấy, các cửa hàng ăn uống, kinh doanh đồ uống, thức ăn đường phố được bố trí nước sát khuẩn nhanh. Người chế biến, phục vụ đồ ăn đều đeo khẩu trang và mang găng tay, khách hàng đến ăn được ngồi cách nhau tối thiểu 1m.
“Ngoài các điều kiện bảo đảm về ATTP, lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP của quận Cầu Giấy còn thường xuyên thanh tra, hướng dẫn việc phòng, chống dịch Covid-19 tại cửa hàng. Trước kia, cửa hàng có thể kê bàn gần nhau nhưng nay trong tình hình dịch bệnh, cửa hàng kê bàn cách nhau tối thiểu 1m để bảo đảm an toàn cho nhân viên, khách hàng. Đây là việc làm giúp cửa hàng kinh doanh không bị gián đoạn trong giai đoạn dịch bệnh” - ông Vũ Văn Hùng, chủ cửa hàng trà sữa Ding Tea, số 54 phố Duy Tân cho hay.
Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn công tác đánh giá, các cơ sở đã chấp hành tốt quy định của pháp luật về ATTP, đồng thời chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, tuy nhiên, vẫn còn nhiều nơi lơ là, chủ quan với dịch bệnh.
Là nơi tập trung 4.655 cơ sở kinh doanh thực phẩm, theo Trưởng phòng Y tế quận Cầu Giấy Nguyễn Đức Viên, nhờ sự vào cuộc của lực lượng thanh tra chuyên ngành, các nhà hàng, quán ăn đã nghiêm túc hơn trong việc thực hiện quy định ATTP. Qua đó, nhận thức của các cấp quản lý đến cơ sở sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng đều được cải thiện. Đặc biệt, thực hiện Công điện số 07 của UBND TP Hà Nội về phòng, chống dịch Covid-19, nhiều nhà hàng, quán ăn đã được hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn như bố trí vách chắn giọt bắn, sắp xếp chỗ ngồi giãn cách cho khách...
Tăng cường thanh tra, xử phạt
Tại quận Long Biên, Trưởng phòng Y tế quận Lương Thị Minh Nguyệt cho hay, sau một năm (từ tháng 7/2019) mở rộng thanh tra chuyên ngành ATTP, nhận thức, hành vi đúng về ATTP của người kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn được nâng lên rõ rệt. Các cơ sở đã chấp hành nghiêm quy định về ATTP. Trong thời gian có dịch Covid-19, các cơ sở kinh doanh thực phẩm đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm ATTP cho khách hàng, chú trọng việc thu mua thực phẩm an toàn, nguồn gốc rõ ràng, sạch sẽ...
“Tình trạng vi phạm về ATTP tại quận Long Biên tuy còn diễn ra nhưng giảm rõ rệt về số lượng, mức độ so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, tỷ lệ cơ sở vi phạm khi thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP là 9,5% (trước khi triển khai là 11,8%). Còn số cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính là 302/372 (chiếm 81,2%), tăng gần 30% so với trước” - Trưởng phòng Y tế quận Long Biên thông tin.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ kép vừa phòng chống dịch bệnh vừa đảm bảo ATTP, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nguyễn Quốc Tuấn cho rằng, bên cạnh ý thức tự giác của người kinh doanh, cần sự vào cuộc tích cực của lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP.
“Chúng tôi đề nghị đoàn thanh tra chuyên ngành ATTP của các quận, huyện phải tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở dịch vụ ăn uống trên địa bàn, xử lý vi phạm một cách triệt để. Đối với cơ sở cố tình vi phạm, địa phương kiến nghị dừng hoạt động cơ sở trong thời gian cả nước đang phòng chống dịch như hiện nay” - ông Nguyễn Quốc Tuấn nhấn mạnh.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung, sau khi thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại 5 quận, huyện và 10 xã, phường (năm 2016), đến tháng 7/2019, Hà Nội mở rộng lực lượng này tại 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn. Sau một năm triển khai cho thấy, việc mở rộng thanh tra chuyên ngành ATTP góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về lĩnh vực này của chính quyền địa phương, bước đầu tạo niềm tin cho người tiêu dùng trên địa bàn.
Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung cũng cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay, để mô hình thực sự phát huy hiệu quả lâu dài, nhất là tuyến xã, phường, thị trấn cần được nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn. Đặc biệt, các cán bộ thanh tra cấp trên (quận, huyện, thị xã) phải “cầm tay chỉ việc”, hỗ trợ các đơn vị tuyến dưới triển khai mô hình này hiệu quả hơn.
Ngoài ra, các đơn vị tăng cường thanh tra, xử phạt nghiêm vi phạm và chuẩn hóa chuyên môn cho cán bộ thanh tra.