Mở rộng mô hình tưới tiết kiệm

Khu vực Tây Nguyên đang tiếp tục phải đối mặt với tình trạng nắng nóng kéo dài, mưa ít khiến hàng chục nghìn héc-ta cây trồng thiếu hoặc có nguy cơ thiếu nước tưới. Dự báo, diện tích cây trồng bị ảnh hưởng do hạn hán ở khu vực sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Khu vực Tây Nguyên đang tiếp tục phải đối mặt với tình trạng nắng nóng kéo dài, mưa ít khiến hàng chục nghìn héc-ta cây trồng thiếu hoặc có nguy cơ thiếu nước tưới. Dự báo, diện tích cây trồng bị ảnh hưởng do hạn hán ở khu vực sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Thời gian qua, tại khu vực Tây Nguyên đã có mưa nhưng mực nước tích trữ ở các hồ chứa bị thiếu hụt cho nên hạn hán ảnh hưởng đến cây trồng vẫn xảy ra. Tại tỉnh Ðắk Lắk, có thời điểm gần 9.000 ha cây trồng bị ảnh hưởng do hạn hán. Trong đó ở huyện Ea Kar, nếu những năm trước, 63 hồ chứa nước sẽ bảo đảm tưới hơn 9.000 ha cây trồng thì năm nay, nắng nóng kéo dài khiến hai sông Krông Pắc, Krông H’năng cạn kiệt nước làm 5.456 ha bị hạn. Còn tại Gia Lai, vụ đông xuân 2019-2020, toàn tỉnh có 1.758 ha cây trồng bị thiệt hại do hạn hán, trong đó có hơn 1.523 ha lúa, gần 177 ha rau màu... Tại Ðắk Nông, nhiều công trình thủy lợi thiếu hụt nước tích trữ cũng khiến 735 ha cây trồng ở hai huyện Ðắk Mil và Cư Jút bị ảnh hưởng. Dự báo nắng nóng còn tiếp tục và sẽ có hơn 10 nghìn héc-ta cây trồng ngoài phạm vi phục vụ của các công trình thủy lợi bị ảnh hưởng.

Tây Nguyên là vùng sản xuất cây công nghiệp trọng điểm của cả nước với khoảng 627 nghìn héc-ta cà-phê, 85 nghìn héc-ta hồ tiêu, gần 70 nghìn héc-ta điều, gần 74 nghìn héc-ta cây ăn quả. Ðể chống hạn cho cây trồng, các địa phương cần lắp đặt các trạm bơm dã chiến tại các hồ đã ở dưới mực nước chết để bơm nước tưới cho cây trồng, ưu tiên cây trồng lâu năm. Về lâu dài, các địa phương cần có chiến lược quy hoạch các công trình thủy lợi, bảo đảm nguồn nước để cung cấp cho vùng sản xuất nông nghiệp. Người dân ở những vùng thường xuyên xảy ra hạn hán cần sớm chuyển đổi cây trồng cho phù hợp, ưu tiên những loại cây có khả năng chống chịu hạn. Bên cạnh đó, người dân cần thay đổi tư duy sản xuất, đẩy mạnh sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm để sử dụng nguồn nước hợp lý nhất.

Trên thực tế, việc áp dụng mô hình tưới tiết kiệm đã và đang được triển khai trên hàng trăm nghìn héc-ta cây trồng trong cả nước. Việc áp dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm không chỉ giúp người dân nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, cải thiện thu nhập mà còn góp phần quan trọng tạo tính bền vững trong sản xuất, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bảo Hân

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/44347102-mo-rong-mo-hinh-tuoi-tiet-kiem.html