Mở rộng nuôi trồng thủy sản VietGAP

Nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP đang là lựa chọn của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã thủy sản trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, diện tích nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP vẫn còn tương đối khiêm tốn, do nhiều nguyên nhân.

Với lợi thế trên 11 nghìn ha mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản, hệ cá trên sông phong phú và đa dạng, trong đó có các loài cá đặc sản có giá trị kinh tế cao như dầm xanh, anh vũ, chiên, lăng, bỗng do Tuyên Quang là hợp lưu của các con sông lớn như sông Gâm và sông Năng, sông Lô và sông Gâm có thể đầu tư để phát triển sản xuất thủy sản hàng hóa.

Theo số liệu của Chi cục Thủy sản, sản lượng thủy sản năm 2019 của tỉnh đạt gần 8,6 nghìn tấn, tăng 7,3% so với năm 2018, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 7,6 nghìn tấn, sản lượng khai thác 942 tấn, tăng 6,4% so với năm 2018.

Hợp tác xã nông nghiệp thủy sản Sông Gâm, xã Tân Long (Yên Sơn) mới thành lập và đi vào hoạt động từ cuối năm 2018, nhưng đã thấy rõ hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản. Anh Phạm Thanh Tân, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, hợp tác xã có 10 thành viên, với hơn 30 lồng cá các loại. Mặc dù chưa thống kê sản lượng, nhưng năm 2019, sau hơn 1 năm hoạt động theo mô hình hợp tác xã, trung bình mỗi thành viên trong hợp tác xã sau khi trừ chi phí thu lãi từ 30 - 50 triệu đồng. Đây được coi là hướng đi đúng đắn, khi tất cả các khâu, từ con giống đến kỹ thuật, thức ăn đều được hợp tác xã thực hiện theo cùng một quy trình, một địa chỉ.

Người dân xã Yên Lập (Chiêm Hóa) đầu tư lồng cá nuôi trồng thủy sản trên sông Gâm.

Người dân xã Yên Lập (Chiêm Hóa) đầu tư lồng cá nuôi trồng thủy sản trên sông Gâm.

Anh Tân cho biết, sau khi tìm hiểu, hợp tác xã nhận thấy nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP sẽ hạn chế được ô nhiễm môi trường nước cũng như dịch bệnh… Hiện nay, đơn vị đang làm việc với các cơ quan liên quan để được hướng dẫn các bước nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, các thành viên cũng lo lắng, khi chi phí đầu tư sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP thường cao hơn từ 10% trở lên nên khó cạnh tranh về giá thành so với sản phẩm nuôi theo phương thức truyền thống.

Theo Chi cục Thủy sản, mặc dù được đánh giá là địa phương có vùng chăn nuôi thủy sản tập trung tương đối lớn, nhưng diện tích nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP ở Tuyên Quang vẫn tương đối hạn chế. Hết năm 2019, toàn tỉnh có 5 cơ sở được cấp chứng nhận VietGAP với tổng dung tích lồng nuôi là 14.472 m3, sản lượng đạt trên 300 tấn/năm, gồm Công ty TNHH Lâm sản và dịch vụ Long Giang, Công ty TNHH Nhật Nam, Công ty TNHH Thủy sản Đức Nguyên (TP Tuyên Quang), Công ty TNHH Thường Mai (Na Hang) và Hợp tác xã sản xuất - kinh doanh cá đặc sản Thái Hòa (Hàm Yên). Sản lượng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP hiện chỉ chiếm chưa đến 3,5% tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh.

Có nhiều nguyên nhân khiến diện tích nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP chưa được nhân rộng. Việc nuôi thủy sản theo hướng VietGAP đòi hỏi sự tỉ mỉ trong việc ghi chép nhật ký chăm sóc nên nhiều hộ dân thiếu kiên nhẫn để duy trì mô hình này. Thêm vào đó, sản phẩm của hầu hết các hộ chăn nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh chưa có thương hiệu, dẫn đến việc sản phẩm thủy sản an toàn bị đánh đồng với sản phẩm thông thường, giá cả khó cạnh tranh, khiến việc mở rộng diện tích rất khó khăn. Tính liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ chưa được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã quan tâm thực hiện nên sản phẩm chủ yếu là xuất bán qua thương lái thu gom, chợ đầu mối, một số các nhà hàng ở Hà Nội, việc tiêu thụ sản phẩm chủ yếu là bán tươi sống, chưa qua chế biến nên giá trị gia tăng chưa cao…

Để thúc đẩy việc nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP, về lâu dài, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết các hộ nuôi, hình thành chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ nhằm giảm bớt khâu trung gian, giảm giá thành, nâng cao giá trị sản phẩm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cùng các địa phương áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào nuôi trồng thủy sản, từng bước đáp ứng với các tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, xây dựng cơ chế hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm thủy sản của tỉnh vào các kênh phân phối như: Siêu thị, các cửa hàng thực phẩm sạch, chợ đầu mối tại các thành phố lớn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nuôi trồng thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó kêu gọi các doanh nghiệp có tiềm lực về kinh tế, công nghệ đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản trên các hồ thủy điện là yếu tố quan trọng nhất để thúc đẩy ngành thủy sản phát triển.

Nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc quản lý môi trường nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, để mở rộng mô hình này cần sự hỗ trợ về vốn cũng như xúc tiến thương mại, liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm ổn định…

Bài, ảnh: Trần Liên

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/mo-rong-nuoi-trong-thuy-san-vietgap-127623.html